Nợ xấu tăng gấp đôi, áp lực vốn trung dài hạn đang là trở ngại cho tăng trưởng tín dụng ngân hàng
(DNTO) - Bên cạnh thách thức hệ số NIM và tăng trưởng tín dụng, bức tranh nợ xấu ngân hàng ngày càng ảm đạm hơn khi cảnh báo nợ xấu nội bảng toàn hệ thống là 4,55% và tỷ lệ tín dụng/GDP khoảng 133%. Việc gia hạn Thông tư 02 thêm 1 năm cơ cấu nợ, giảm áp lực dự phòng cho ngân hàng là điều cần thiết.
Cảnh báo nợ xấu nội bảng toàn hệ thống là 4,55%
Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) do Phó Thống đốc Đào Minh Tú thông tin tại "Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô", sáng 14/3, cho thấy tốc độ tăng trưởng tín dụng trong 2 tháng đầu năm đều âm.
Tính đến ngày 29/2/2024, tín dụng nền kinh tế giảm 0,72% so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, tốc độ giảm của tháng 2 đã chậm lại (giảm 0,05%) so với tháng 1 (giảm 0,6%). Mức giảm hiện nay ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế. Chỉ có 2 lĩnh vực tăng trưởng trong 2 tháng đầu năm, đó là tín dụng bất động sản tăng 0,23% so với cuối năm 2023 và tín dụng đối với chứng khoán tăng 2,56%.
Lý giải về thực trạng này, ông Tú nhìn nhận, cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đang ở mức thấp. Doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng hoạt động do sức ép lạm phát, giá cả vật liệu tăng; nhiều yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất kinh doanh cao nên không có nhu cầu vay vốn. Bên cạnh đó, trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, chính sách tồn kho của nhà nhập khẩu thay đổi (giảm trung bình từ 2-3 tháng bán hàng xuống từ 3 tuần -1 tháng), dẫn tới nhu cầu vay vốn thực hiện các đơn hàng xuất khẩu giảm.
"Về phía các ngân hàng, việc thực hiện cơ chế tài sản bảo đảm còn thiếu linh hoạt, chủ yếu dựa vào tài sản thế chấp, nhất là trong điều kiện thị trường bất động sản đang trầm lắng. Thiếu sự kết nối, tương tác, chia sẻ, hợp tác của khách hàng và ngân hàng trong việc trực tiếp trao đổi tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn về vốn", Phó Thống đốc cho hay.
Đặc biệt, ông Tú lo ngại, tình hình kinh tế khó khăn chung trong năm 2023 đã tạo áp lực không hề nhỏ đến khả năng thanh toán nợ của các doanh nghiệp, hệ quả là nợ xấu có xu hướng leo thang trong toàn ngành ngân hàng. Tính đến cuối năm 2023, nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng là 4,55%, tăng so với mức 2,03% vào cuối năm 2022.
Dự báo, tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng có thể đi lên trong nửa đầu năm 2024 khi tăng trưởng tín dụng chậm lại và các yếu tố vĩ mô chưa có dấu hiệu cải thiện rõ rệt. Các ngân hàng có thể phải chứng kiến áp lực trích lập dự phòng rủi ro tín dụng bào mòn lợi nhuận, nhất là khi đặt trong bối cảnh định giá tài sản bảo đảm suy giảm khi thị trường bất động sản vẫn trong xu hướng trầm lắng và đi xuống.
Cùng đó, huy động vốn qua cổ phiếu, trái phiếu, vốn FDI tăng thấp, những khó khăn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản chưa được giải quyết căn cơ, triệt để... khiến cho nguồn vốn phục vụ tăng trưởng tiếp tục tập trung vào tín dụng ngân hàng, tỷ lệ Tín dụng/GDP tăng cao (cuối năm 2023 khoảng 133%, tăng so với mức khoảng 125% cuối năm 2022), tiềm ẩn rủi ro an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ.
Kéo dài thời gian thực hiện Thông tư 02 về cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ
Đại diện các ngân hàng thương mại tỏ ra lo ngại, thị trường vốn gặp nhiều khó khăn dẫn đến áp lực vốn trung dài hạn và cả vốn ngắn hạn chuyển sang tín dụng ngân hàng. Ngoài các khoản vay tiếp tục bị suy giảm chất lượng và phải chuyển nhóm, khoản nợ cơ cấu lại theo thông tư 02 tính đến hết năm 2023 khoảng 171,000 tỷ đồng, tương đương 1.26% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, sẽ hết thời hạn cơ cấu vào ngày 30/6/2024 là một gánh nặng rất lớn cho các nhà băng.
Những rủi ro này đẩy các khoản nợ tái cơ cấu trước đây sẽ về đúng nhóm phân loại nợ và bộ đệm dự phòng của các ngân hàng thu hẹp trong năm 2023 khiến dư địa xử lý nợ cho năm sau không còn nhiều. Nhất là trong bối cảnh Nghị quyết 42 hết hiệu lực. Đồng thời, phần lớn các nội dung của Nghị quyết 42 không được luật hóa trong Luật Các tổ chức tín dụng 2024 vừa được ban hành.
“Sức cầu yếu kéo dài trên thị trường hàng hóa, dịch vụ, bất động sản có thể tiếp tục gây áp lực lớn lên chất lượng tài sản của các tổ chức tín dụng cho tới quý 2/2024”, ông Ngô Quang Trung, Tổng Giám đốc Ngân hàng Bản Việt (BVBank), nhận định.
Bên cạnh đó, với khối lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) chậm thanh toán vẫn ở mức cao, đặc biệt là ở nhóm bất động sản, các ngân hàng cũng có thể đối mặt với rủi ro tín dụng từ danh mục TPDN đang nắm giữ hiện nay. Thống kê cho thấy lượng trái phiếu đáo hạn trong năm nay vẫn khá lớn, lên tới 277,000 tỷ đồng, nhưng hoạt động phát hành trái phiếu mới để tái tài trợ cho các trái phiếu cũ đến hạn vẫn gặp nhiều khó khăn, do niềm tin dành cho kênh đầu tư này vẫn chưa phục hồi, cộng thêm các cơ chế kiểm soát chặt chẽ đối với các thương vụ phát hành mới.
Trước đề xuất của các ngân hàng, Phó thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, NHNN nhất trí nghiên cứu sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng trong việc kéo dài thời gian thực hiện Thông tư 02 đến hết năm 2024. "Đề nghị Vụ Tín dụng cùng Cơ quan Thanh tra, Vụ Pháp chế, chính sách của Ngân hàng Nhà nước đề xuất và cơ chế này phải được ban hành ngay trong quý I/2024".
Đồng thời nhấn mạnh, NHNN sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch Đầu tư, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa có cơ chế, chính sách hỗ trợ thêm cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn. "Nắn" tín dụng trúng mục tiêu, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của nền kinh tế; rà soát, đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ vay vốn, tài sản bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn cho sản xuất kinh doanh; yêu cầu các TCTD tiếp tục thực hiện việc công bố lãi suất cho vay bình quân về NHNN trước ngày 01/4 để doanh nghiệp chủ động cập nhật.
“Đề nghị các doanh nghiệp tích cực thực hiện các biện pháp tái cấu trúc hoạt động, nâng cao năng lực quản trị điều hành, xây dựng các phương án, dự án sản xuất kinh doanh khả thi, minh bạch tình hình tài chính, phối hợp với ngân hàng thành mối quan hệ cộng sinh… để các TCTD có cơ sở thẩm định, quyết định cho vay”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.