Các ngân hàng 'phản ứng' ra sao khi Thông tư 02 và gói tín dụng 120.000 tỷ được ban hành?
(DNTO) - Để thông tư 02 và gói tín dụng 120.000 tỷ nhanh chóng giúp người dân và doanh nghiệp được thụ hưởng, lãnh đạo các ngân hàng đã đề xuất các giải pháp đẩy nhanh sức hấp thụ vốn của nền kinh tế, không để xảy ra trục lợi và che giấu nợ xấu.
Sau hai lần đưa ra Dự thảo, ngày 23/4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.
Việc được lùi hạn trả nợ tối đa 12 tháng trong bối cảnh khó khăn hiện nay được xem là chiếc "phao cứu sinh" để doanh nghiệp, người dân giảm bớt nỗi lo bị nhảy sang nhóm nợ xấu, có thể tiếp cận nguồn vốn vay mới để duy trì hoạt động kinh doanh. Các ngân hàng cũng cơ cấu thời hạn trả nợ tránh được việc phát sinh nhiều nợ xấu lên mức cao, tránh được rủi ro bị hạn chế tín dụng và hạn chế đầu tư theo quy định...
"Về góc độ của tổ chức tín dụng thì các tổ chức vẫn phải đánh giá, phân loại cũng như trích lập dự phòng theo nhóm nợ thực tế của khách hàng. Theo quy định tại Thông tư 02, các ngân hàng phải trích lập dự phòng tối thiểu 50% trong năm 2023 và 100% trong năm 2024", bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) khẳng định.
Tuy nhiên, làm sao để Thông tư 02 đi vào đời sống ngay từ ngày đầu, không còn thấy lời "oán thán" từ doanh nghiệp rằng không tiếp cận được, nhiều ý kiến cho rằng NHNN sớm có hướng dẫn cụ thể để các ngân hàng thương mại thực thi chính sách một cách linh hoạt, thống nhất nhằm hỗ trợ tối đa cho người dân, doanh nghiệp khi tiến hành thủ tục giãn, hoãn nợ.
Nêu ý kiến phản hồi đánh giá về Thông 02, tại "Hội nghị trực tuyến toàn ngành ngân hàng về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 02/2023TT-NHNN", bà Phạm Thị Trung Hà, Phó Tổng Giám đốc MB, băn khoăn nhất hiện nay là khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế có khó khăn nên tăng trưởng tín dụng quý I và tháng 4/2023 không cao.
“Về phía ngành ngân hàng đang đảm bảo thanh khoản tốt, không thiếu vốn, sẵn sàng cho vay với mức lãi suất hấp dẫn hơn so với cuối năm 2022. Do đó, các doanh nghiệp cũng cần xem xét, tăng cường năng lực, phương án kinh doanh hiệu quả để đáp ứng được các điều kiện tín dụng”, đại diện MB chia sẻ.
Đồng quan điểm, Phó Tổng giám đốc Vietcombank Đinh Thị Thái, cho rằng khó khăn lớn nhất đối với việc triển khai tín dụng là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế. Do đó, bà Thái kiến nghị "Chính phủ cần có các giải pháp đồng bộ để kích cầu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp bán được hàng và người dân tích cực tiêu dùng. Đồng thời, giao quyền tự chủ cho các tổ chức tín dụng trong việc xem xét đánh giá, mức độ khó khăn của khách hàng thông qua một số nội dung như doanh thu, thu nhập sụt giảm...".
Trong khi đó, ông Phạm Quang Thắng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) thì cho rằng, hiện nay bản thân các doanh nghiệp tương đối thận trọng vay vốn, doanh nghiệp xuất nhập khẩu dài cổ ngóng đơn hàng, doanh nghiệp bất động sản không có dự án mới, không mở rộng đầu tư mới.... dẫn đến tăng trưởng tín dụng chậm lại. Quý I, Techcombank tăng trưởng tín dụng gần 8%, tuy nhiên, dự báo quý II sẽ chậm lại. Ngay từ đầu năm, Techcombank đã thực hiện theo định hướng của NHNN, lãi suất huy động đã giảm 3% để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay.
"Chúng ta có nhiều kinh nghiệm thực hiện Thông tư 01, Thông tư 03 và các chính sách hỗ trợ trong giai đoạn đại dịch Covid-19. Kết quả, dư nợ của các khách hàng đã trở lại bình thường, nhiều doanh nghiệp phục hồi ổn định. Chúng tôi tin rằng triển khai Thông tư 02 lần này cũng sẽ có những thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp. Để làm được điều đó, rất cần cơ chế cắt giảm thủ tục cho doanh nghiệp khi tiến hành giãn, hoãn nợ”, ông Thắng cho hay.
Về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, các ngân hàng cho biết, vẫn còn nhiều vướng mắc chưa thể triển khai.
Đại diện Ngân hàng Agribank và BIDV cho biết, vướng mắc lớn nhất với gói 120.000 nghìn tỷ đồng là việc chưa có dự án để cho vay. Cụ thể, ngày 24/4, Bộ Xây dựng có văn bản cho biết, sẽ giao cho các tỉnh công bố dự án nhà ở xã hội. Từ danh sách này các ngân hàng mới tiếp cận dự án để cho vay.
“Chúng tôi mong muốn có dự án để tăng trưởng tín dụng nhưng lại phải chờ sự đồng hành của các bên mới có thể triển khai, do đó quá trình không thể nhanh được, cần thêm nhiều thời gian”.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng cho biết, ngành ngân hàng có rất nhiều kịch bản đối với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng nhưng vẫn đang vướng ở các bộ, ngành, địa phương. Do vậy cần có giải pháp từ các bộ, ngành, địa phương, để đẩy nhanh tiến độ.
“Chúng tôi đã thống nhất giảm mặt bằng lãi suất, vậy làm sao cần có sự đồng thuận chung, thậm chí tiếp tục đồng thuận giảm lãi suất đầu vào, giảm lãi suất đầu ra hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Hùng nhấn mạnh.