Thêm 'cánh cửa' được mở, kỳ vọng dòng vốn ngoại sẽ chảy mạnh vào ngân hàng
(DNTO) - Chất lượng ngân hàng ngày càng rõ nét, cùng với đó là cơ chế chính sách cởi mở, thông thoáng hơn, dự báo sẽ kéo dòng vốn ngoại "nôn nóng" chảy mạnh vào thị trường ngân hàng Việt.
Nỗ lực hút vốn ngoại
Thời gian gần đây, ghi nhận hàng loạt ngân hàng công bố các hợp đồng huy động vốn khủng từ thị trường quốc tế. Đơn cử, tháng 2/2023, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), một thành viên của nhóm Ngân hàng thế giới (WB) đã "rót vốn" 100 triệu USD vào SeABank để mở rộng danh mục đầu tư nhà ở.
Bà Lê Thu Thủy, Phó Chủ tịch HĐQT SeABank cho biết: Tổng số vốn đầu tư của IFC vào SeABank hiện lên tới gần 400 triệu USD. Với khoản đầu tư này, góp phần nâng cao lợi thế cạnh tranh của SeABank với các ngân hàng trong nước, SeABank dự kiến sẽ tăng ít nhất gấp đôi số lượng các khoản vay mua nhà trung cấp và bình dân vào năm 2026.
Trong khi đó, mới đây, Ngân hàng VPBank đã công bố ký kết thành công thỏa thuận vay hợp vốn trị giá 500 triệu USD (tương đương gần 12.500 tỷ đồng) từ 5 định chế tài chính lớn gồm: Ngân hàng ADB, Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng ANZ và Công ty Chứng khoán Maybank Securities Pte. Ltd.
Thực tế đã chứng minh qua thương vụ VPBank vừa ký kết đã mang về cho VPBank 35.900 tỷ đồng vốn cấp 1, nâng tổng vốn chủ sở hữu của VPBank từ 103,5 nghìn tỷ đồng lên xấp xỉ 140 nghìn tỷ đồng. Đây là thương vụ có giá trị kỷ lục trong lĩnh vực tài chính tại Việt Nam từ trước tới nay, phá vỡ kỷ lục mà chính VPBank tạo ra trước đó (VPBank bán 49% vốn FE Credit với giá trị gần 1,4 tỷ USD).
Giới chuyên môn đánh giá, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức, quyết định trở thành nhà đầu tư chiến lược cho thấy niềm tin rất lớn của dòng vốn ngoại vào triển vọng của ngân hàng Việt, chứng minh năng lực tài chính, uy tín và hiệu quả hoạt động của ngân hàng.
Hơn nữa, những thỏa thuận đầu tư chiến lược này được kỳ vọng sẽ tạo ra sức hút và khuyến khích các nhà đầu tư FDI, trong danh sách hơn 200.000 khách hàng là các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn trên khắp thế giới "hướng mắt" vào Việt Nam với mục đích thâm nhập và mở rộng sự hiện diện lâu dài của họ thay vì mục tiêu săn lùng tài sản giá rẻ.
Ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện Văn phòng Cơ quan Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại Hà Nội khẳng định, tài chính được coi là một trong các lĩnh vực mà doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm nhất tại Việt Nam. Theo thống kê của Jetro, hiện có tới 60% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, tăng 4,7% so với năm trước, cao nhất trong khối các nước ASEAN.
Dòng chảy vốn trơn tru hơn nhờ lực đỡ
Mới đây, tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín Moody's đã nâng xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi nội tệ, ngoại tệ dài hạn của 8 ngân hàng Việt Nam lên 1 bậc, bao gồm Vietcombank, BIDV, OCB, SeABank, TPBank, Agribank, VIB và VietinBank. Về chỉ tiêu rủi ro, cũng có 7 ngân hàng được nâng hạng gồm BIDV, Agribank, VietinBank, ABBank, LienVietpostBank, SHB và MSB.
Theo các chuyên gia tài chính, những ghi nhận từ phía các tổ chức quốc tế cho thấy uy tín của ngân hàng Việt trên trường quốc tế ngày càng được củng cố. Sự tin tưởng đó dựa trên nền tảng sức khoẻ tài chính của các ngân hàng được cải thiện.
Đặc biệt, giai đoạn vừa qua, các ngân hàng ngày càng đáp ứng tích cực các chuẩn mực quốc tế. Đến thời điểm này, nhiều ngân hàng đã đáp ứng chuẩn Basel II theo Thông tư 41, trong đó nhiều ngân hàng đã đáp ứng đầy đủ cả ba trụ cột của Basel II như VIB, Vietcombank, SeABank, VPBank… Thậm chí nhiều ngân hàng đã áp dụng một phần hoặc đang thí điểm triển khai Basel III như TPBank, VIB, MSB…
Nhìn về tương lai, có thể thấy cơ hội gọi vốn ngoại khá thuận lợi, song không phải ngân hàng nào cũng thành công. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, nhận định, nhà đầu tư ngoại "bỏ tiền" vào cũng phải xem xét ngân hàng hoạt động ra sao, tương lai thế nào, họ phải cân nhắc để dòng tiền phát huy hiệu quả.
Theo đó, để tăng năng lực tài chính và cùng quản trị ngân hàng tốt hơn, Ngân hàng Nhà nước vừa đề xuất việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 01/2014/NĐ-CP của Chính phủ về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam. Nâng tổng mức sở hữu cổ phần tối đa của các nhà đầu tư nước ngoài tại các tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc từ 30% lên 49%.
Đặc biệt, trong trường hợp cần thiết, Thủ tướng Chính phủ có quyền quyết định ít nhất là 4 ngân hàng thương mại nhà nước có tổng mức sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 49% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng. Dự báo, thời gian tới, sẽ có ít nhất là 6 ngân hàng thương mại có thể tăng tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài vượt 30% vốn điều lệ.