Thị trường tài chính ngân hàng Việt: 'Gà đẻ trứng vàng' trong mắt nhà đầu tư ngoại
(DNTO) - Bất chấp những khó khăn do Covid-19 gây ra, thị trường tài chính ngân hàng Việt đang cho thấy sức chống chịu mạnh mẽ, có những đóng góp tích cực trong quá trình phục hồi của nền kinh tế khi đạt được những cú nhảy vọt đáng kinh ngạc, là "miếng bánh" khổng lồ hút ông lớn tham vọng không ngần ngại khi "xuống tiền".
Nhiều dư địa 'hút' ông lớn tham vọng
Đánh giá về khả năng hút vốn ngoại của ngành ngân hàng, các chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định khả năng thành công là rất lớn, vì hiện nay nhiều tổ chức tài chính quốc tế rất quan tâm đến lĩnh vực tài chính ngân hàng ở Việt Nam. Không chỉ thành lập ngân hàng riêng, các nhà đầu tư nước ngoài còn "rót vốn" vào công ty tài chính tiêu dùng, trở thành cổ đông chiến lược, hợp tác với các công ty công nghệ tài chính (Fintech) của Việt Nam…
Thời gian qua thị trường đã chứng kiến thương vụ đình đám của VPBank ký thoả thuận bán 49% vốn điều lệ tại “con gà đẻ trứng vàng” FE Credit, cho Công ty tài chính Tiêu dùng SMBC - một trong ba tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất Nhật Bản, thương vụ có mức định giá lên tới 2,8 tỷ USD. Trong đó, 49% vốn của Công ty tài chính HD Finance cũng được HDBank bán cho đối tác Nhật Bản là Credit Saigon (sau đổi thành HD Saison). 49% cũng là tỷ lệ vốn mà MB bán của Công ty tài chính Mcredit sho Shinsei (Nhật Bản).
Những thương vụ thành công chiếm tỷ lệ khá cao. Đơn cử, trong năm 2020, OCB đã hoàn tất bán 15% cổ phần cho Aozora Bank (Nhật Bản); MB phát hành riêng lẻ hơn 64,3 triệu cổ phiếu cho 8 nhà đầu tư nước ngoài; HDBank chào bán trái phiếu chuyển đổi cho DEG (Đức).
Trước đó, Shinhan Việt Nam đã mua lại mảng bán lẻ của ANZ khi ANZ rút bớt hoạt động tại thị trường Việt Nam. Fintech Việt Nam cũng là lĩnh vực khá hấp dẫn với các nhà đầu tư châu Á: Grab mua lại cổ phần của Moca; Ant Financial (Trung Quốc) mua lại một lượng cổ phần đáng kể trong ví điện tử eMonkey được tích hợp vào nền tảng của Lazada…
Bước sang năm 2021, quan sát tại Đại hội đồng cổ đông của các ngân hàng vừa diễn ra, có thể thấy khá nhiều nhà băng đưa ra kế hoạch thu hút vốn ngoại.
Chủ tịch HĐQT VPBank Ngô Chí Dũng cho biết, ngân hàng này vẫn đang có kế hoạch huy động thêm vốn thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông chiến lược nước ngoài, nhiều khả năng sẽ sử dụng thêm cả lượng cổ phiếu quỹ để bán cho đối tác chiến lược nước ngoài.
Bên cạnh đó, số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, nhóm các công ty tài chính đang dẫn đầu về khả năng sinh lời. Chỉ số ROA và ROE của các công ty tài chính đạt 3,02%, cao hơn nhiều so với các ngân hàng. Nguyên nhân do biên lãi ròng (NIM) trong cho vay luôn cao hơn khi lãi suất cho vay tiêu dùng của công ty tài chính thường cao hơn nhiều so với các ngân hàng.
Với kết quả kinh doanh trên, việc các công ty tài chính được các nhà đầu tư ngoại nhòm ngó không có gì là lạ. Trên thực tế, xu hướng thâm nhập vào thị trường Việt Nam thông qua việc mua lại các công ty tài chính đã diễn ra trong 5 năm trở lại đây.
Chẳng hạn, Shinhan Card đã bỏ ra khoảng 151 triệu USD (tương đương 3.400 tỷ đồng) để mua lại Công ty Tài chính Prudential ở Việt Nam đầu năm 2019. Shinhan Card cho biết, luôn coi Việt Nam là thị trường nước ngoài trọng điểm để đầu tư, và sẽ tập trung vào lĩnh vực tài chính tiêu dùng có nhiều tiềm năng.
Thậm chí, Tập đoàn AEON (Nhật Bản), vốn chỉ nổi tiếng trong lĩnh vực bán lẻ cũng không giấu giếm tham vọng nhảy vào thị trường tài chính Việt Nam. Ông Masaki Suzuki, Chủ tịch Công ty Dịch vụ tài chính AEON cho biết, AEON sẽ mở rộng hoạt động sang đầu tư tài chính tại Việt Nam thông qua việc mua lại các công ty tài chính của nước ngoài, hoặc các công ty tài chính có cổ phần nhà nước, lấn sân vào thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam.
Bày tỏ quan điểm của mình, chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh cho rằng, sự phát triển mạnh mẽ của các công ty tài chính giúp thị trường cho vay tiêu dùng phát triển mạnh và giúp lãi suất cho vay cạnh tranh hơn, có lợi hơn cho người vay. Bên cạnh đó, tài chính tiêu dùng còn thúc đẩy hoạt động tiêu dùng, chi tiêu không tiền mặt, đồng thời giúp xây dựng và dần minh bạch hóa thông tin tài chính cá nhân.
"Quy mô thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đã chạm mốc 1 triệu tỷ đồng và dự báo sẽ còn tăng trưởng mạnh nhờ quy mô dân số lớn, gần 100 triệu người, với dân số trẻ khá cao, trong khi hơn một nửa dân số hiện chưa tiếp cận các dịch vụ tài chính thông qua ngân hàng. Đó là lý do thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam luôn hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại", ông Minh nhận định.
Ở góc nhìn khác, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thị trường tài chính ngân hàng Việt hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư châu Á, bởi họ tìm thấy sự tương đồng trong văn hoá Á Đông.
“Sự hoà hợp, thấu hiểu là vô cùng quan trọng trong mỗi một thương vụ kinh doanh, thấu hiểu được tâm lý, phương thức kinh doanh, đồng nghĩa với chấp nhận những rủi ro tương ứng đều là những nguyên nhân khiến các nhà đầu tư khu vực châu Á quan tâm nhiều tới thị trường Việt Nam”, ông Hiếu nhìn nhận.
Ngoài ra, việc Việt Nam được Fitch Ratings và Moody's nâng hai bậc triển vọng từ "ổn định" lên "tích cực" giúp củng cố niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước về tình hình kinh tế vĩ mô, môi trường kinh doanh của Việt Nam. Từ đó Việt Nam sẽ thu hút được nhiều vốn đầu tư ngoại hơn, và có thể được tiếp cận với nguồn vốn vay với mức lãi suất thấp hơn khi được đánh giá là mức độ rủi ro thấp hơn...
Xây dựng thương hiệu uy tín là chìa khoá giữ chân "đại bàng"
Các chuyên gia tài chính nhận định, hệ thống ngân hàng cần phải nhận thức rằng, việc xây dựng thương hiệu không chỉ đơn thuần thông qua các hình thức quảng cáo, khuyến mãi, mà quan trọng nằm ở chính chất lượng dịch vụ, uy tín, tiềm lực của mình.
Theo đó, thương hiệu càng uy tín thì càng có khả năng hấp dẫn được các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài, từ đó cơ hội để "giữ chân" dòng vốn ngoại càng bền chặt hơn.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh – Học viện Tài chính, để 'giữ chân" dòng vốn ngoại, về lâu dài ngành tài chính ngân hàng cần tập trung xây dựng thương hiệu tín nhiệm, vì đây là "chất xúc tác" tích cực để thu hút vốn FDI vào Việt Nam. Cụ thể, mức xếp hạng tín nhiệm và triển vọng tín nhiệm quốc gia được các nhà đầu tư nước ngoài xem xét như một yếu tố để xác định mức độ rủi ro và khả năng sinh lời trước khi có quyết định đầu tư vào quốc gia đó.
"Khi triển vọng tín nhiệm quốc gia tăng lên chứng tỏ quốc gia đó đang có những triển vọng tích cực về mức độ tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đó, sẽ tác động tích cực đến tâm lý và quyết định của nhà đầu tư ngoại khi đầu tư vào Việt Nam, từ đó, cơ hội, triển vọng thu hút FDI cũng tăng lên. Điều này càng có ý nghĩa hơn với Việt Nam trong bối cảnh chúng ta đang phải cạnh tranh mạnh mẽ, quyết liệt với các nước trên thế giới trong “cuộc đua” thu hút FDI để gia tăng nguồn vốn phục vụ cho việc khôi phục và phát triển đất nước sau đại dịch Covid-19", ông Thịnh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Thịnh, để tăng mức xếp hạng tín nhiệm, triển vọng tín nhiệm quốc gia, Việt Nam cần có những cải cách mạnh mẽ về thể chế để sớm bước vào nhóm nước có nền kinh tế thị trường. Muốn vậy, cần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân cả trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào nhiều lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh là một yếu tố quan trọng để các tổ chức xếp hạng tín nhiệm chấm điểm tín nhiệm. Do đó, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính một cách mạnh mẽ, quyết liệt và thực chất hơn, để Việt Nam thực sự trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn, thân thiện, minh bạch, an toàn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Trên thực tế, tính minh bạch trong hoạt động của các tổ chức tín dụng đã được cải thiện tích cực, năng lực quản trị điều hành của các nhà băng cũng được nâng cao.
Theo TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Covid-19 là thử thách cho hệ thống tài chính toàn cầu, trong đó có Việt Nam khi "khẩu vị" rủi ro về tín dụng và đầu tư của các tổ chức tín dụng thay đổi theo hướng thận trọng, phương thức làm việc và phục vụ khách hàng cũng thay đổi, việc đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng thích ứng cũng phải nhìn nhận lại.
"Ở thời điểm này, việc hệ thống các ngân hàng Việt Nam lựa chọn được đối tác ngoại phù hợp là một trong những yếu tố sẽ giúp cho nhà băng gia tăng tiềm lực tài chính và nâng cao năng lực quản trị, điều hành. Do đó, ngành ngân hàng Việt Nam cần từng bước thay đổi "chuyển mình" nâng cao vị thế, tín nhiệm để nhìn rõ được sức mạnh nội tại, tiềm lực tài chính cũng như những khuyết thiếu cần bổ sung để phát triển bền vững hơn, đây sẽ là đòn bẩy hút FDI bền vững nhất", TS. Lực nhấn mạnh.