Dòng vốn rẻ - 'Lực đỡ' kỳ vọng cho tín dụng khởi sắc trong quý II/2023
(DNTO) - Để khơi thông dòng chảy tín dụng, cần "bắt mạch" đúng điểm nghẽn là lãi suất và cung tiền. Điều kiện tiên quyết vẫn là tăng cung tiền cơ sở của ngân hàng trung ương và giảm lãi suất điều hành sẽ giúp nền kinh tế giải bài toán khó khăn về thanh khoản.
Tín dụng đã bớt chông chênh
Theo kết quả điều tra xu hướng tín dụng của ngân hàng nhà nước (NHNN) trong quý I/2023, NHNN cho biết, đến ngày 28/3/2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,06%. Nếu so với cùng kỳ năm 2022 tốc độ tăng trưởng tín dụng "kém sắc" hơn, nhưng không chênh nhiều so với những năm trước. Điều này phản ánh nhu cầu tín dụng tăng dần của doanh nghiệp sau dịch bệnh
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN đã thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng thương mại với mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2023 khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Trên cơ sở tình hình lạm phát trên thế giới cũng như Việt Nam đã chững lại, có dấu hiệu tạo đỉnh, NHNN vừa quyết định thông báo giảm loạt lãi suất điều hành thêm 0,3-0,5% để tạo điều kiện cho ngân hàng giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng vay vốn. Đây cũng là yếu tố kỳ vọng thúc đẩy tín dụng trong quý II.
Các chuyên gia nhìn nhận, năm nay có điểm khác biệt là NHNN chủ động giảm lãi suất điều hành ngay từ đầu năm. Việc đưa ra quyết định giảm lãi suất mang tính dẫn dắt thị trường như vậy đã được NHNN tính toán kỹ lưỡng. Đầu tiên liên quan đến lạm phát, áp lực lạm phát có dấu hiệu giảm nhiệt từ tháng 2/2023 sau khi tăng liên tiếp từ tháng 9/2022. Bên cạnh đó, là áp lực tỷ giá, theo các cân đối hiện nay cũng không thực sự lớn như năm trước. Do vậy, việc chủ động hạ lãi suất là tín hiệu tốt ngay từ đầu năm để gỡ thế "kẹt" cho tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế.
Thêm động lực nữa cho tín dụng khởi sắc, đó là dữ liệu mới nhất của S&P Global cho thấy ngành sản xuất của Việt Nam tăng trưởng trở lại với chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đạt 51,2 điểm trong tháng 2, tăng so với mức mức 47,4 điểm trong tháng 1 cho thấy sức khỏe ngành sản xuất đã bắt đầu cải thiện sau thời kỳ suy giảm kéo dài. Trong đó, có những điểm nhấn nổi bật sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm tăng trở lại... Nhu cầu cải thiện đã khiến niềm tin kinh doanh tăng lần thứ 3 liên tiếp. Sản xuất kinh doanh phục hồi sẽ thúc đẩy nhu cầu tín dụng tăng nhanh trở lại.
Nỗ lực bơm vốn rẻ
Câu chuyện tín dụng thời điểm này không còn là chuyện khát vốn, mà là có vốn nhưng doanh nghiệp không hấp thụ được, không dám vay..., theo đó, giới phân tích nhận định, để gỡ thế kẹt cho tín dụng toàn nền kinh tế, chính sách có thể thực hiện từng bước để cải thiện và tập trung vào việc khôi phục cầu thị trường nội địa.
Trong đó nhấn mạnh, muốn dòng chảy tín dụng được trơn tru, cần tháo đúng "điểm nghẽn" là lãi suất và cung tiền. Điều kiện tiên quyết vẫn là tăng cung tiền cơ sở của ngân hàng trung ương, tăng cung tín dụng, cho vay tiêu dùng, cho vay mua nhà ở...
Ở góc độ cơ quan điều hành, tại họp báo thường kỳ quý 1, ngày 31/3, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, trong quý II/2023, sẽ tiếp tục điều hành lãi suất uyển chuyển, linh hoạt, khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất.
“Bối cảnh quý II toàn cầu vẫn còn nhiều thách thức. Fed có thể chưa tăng lãi suất ngay trong tháng 5 và mức độ tăng có thể chậm lại nhưng những bất lợi mới phát sinh là sự đổ vỡ của ngân hàng quốc tế. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chính sách đầu tư của các tập đoàn lớn trên thế giới… Dù vậy, NHNN vẫn kiên trì mục tiêu hỗ trợ vốn tín dụng cho doanh nghiệp, người dân để phục hồi kinh tế”, Phó thống đốc Đào Minh Tú nhận định.
Lãnh đạo NHNN chia sẻ thêm: Bên cạnh các gói hỗ trợ lãi suất sử dụng ngân sách nhà nước thì NHNN cũng vận động các ngân hàng dùng "vốn tự có" để hỗ trợ lãi suất, đồng hành cùng doanh nghiệp.
"NHNN đang nghiên cứu để đề xuất giải pháp giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp gặp khó khăn, với cơ chế như chính sách giãn, hoãn nợ cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 trước đây. Tới đây, có thể 4 ngân hàng thương mại nhà nước cũng sẽ thống nhất những điều kiện cấp tín dụng với các gói vay ưu đãi lãi suất để đẩy nhanh tiến độ giải ngân”, ông Đào Minh Tú cho hay.