Lãi suất hạ nhanh hơn dự báo, thời kỳ 'vốn rẻ' liệu sẽ quay về?
(DNTO) - Ngân hàng Nhà nước mạnh tay hạ nhiệt lãi suất đang mang tới hiệu ứng tích cực, dù vậy, thị trường dự báo còn gập ghềnh, việc dòng vốn này có thể duy trì hay không vẫn còn là câu hỏi. Do đó, kỳ vọng một con sóng lớn bứt tốc mang tên "tiền rẻ" vào thời điểm này là điều khó khăn.
Dự báo giảm tiếp tối đa 0,34 điểm % trong năm 2023
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có những động thái đảo chiều chính sách tiền tệ nhanh và rõ trong tháng 3/2023. Cụ thể, ngày 16/3, NHNN hạ lãi suất tái chiết khấu từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm, đồng thời giảm lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng từ 7%/năm xuống 6%/năm và giảm trần lãi suất cho vay đối với các khoản vay ngắn hạn trong một số lĩnh vực từ 5,5%/năm xuống 5%/năm. Tiếp đó, ngày 31/3, cơ quan này điều chỉnh giảm 0,3 - 0,5%/năm một số mức lãi suất điều hành.
Chưa dừng lại ở đó, trong cuộc khảo sát điều tra xu hướng kinh doanh quý II/2023 vừa được công bố ngày 10/4, các tổ chức tín dụng (TCTD) kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bình quân toàn hệ thống sẽ giảm 0,08-0,1 điểm % trong quý II và giảm 0,19-0,34 điểm % trong cả năm 2023.
Điều này hoàn toàn có cơ sở, khi đang có nhiều yếu tố hỗ trợ lãi suất. Bởi lẽ, tín dụng chậm lại là nguyên nhân chính khiến các ngân hàng thương mại giảm mặt bằng lãi suất cho vay tương đối nhanh đối với những nhóm ngành ít rủi ro. Không những thế, trong khi các ngân hàng trung ương trên thế giới vẫn đang căng mình đối phó với lạm phát, nhưng lạm phát tại Việt Nam có xu hướng giảm dần trong quý I/2023, từ mức 4,9% trong tháng 1 xuống 4,3% trong tháng 2.
Đặc biệt, lãi suất cho vay qua đêm đang ở gần chạm ngưỡng 4,5%/năm, tăng gấp đôi so với đầu tuần và tăng gấp 4 lần so với tuần trước, là cơ sở để NHNN sẽ giảm thêm lãi suất điều hành.
Cụ thể, sau khi giảm sâu cuối tháng 3/2023, lãi suất liên ngân hàng bắt đầu tăng trở lại từ đầu tháng 4/2023. Theo đó, ngày 6/4, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tiếp tục tăng mạnh 0,20-1,22 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên trước đó. Trên thị trường mở, ngày 10/4, NHNN chào thầu 10.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố kỳ hạn 28 ngày, lãi suất 5,0%. Thay vì “ế ẩm” như những lần trước, lần này, có 337,79 tỷ đồng trúng thầu, không có khối lượng đáo hạn.
“Thanh khoản ngân hàng đang dư thừa lớn, bản thân ngân hàng có bước đệm tốt, sức khỏe ngân hàng trong nước đủ để chống chọi với các cú sốc ngoài thị trường. Điều này sẽ cho phép NHNN cắt giảm lãi suất điều hành thêm 50 điểm cơ bản vào giữa năm 2023 và 50 điểm cơ bản nữa vào đầu năm 2024”, các chuyên gia nhận định.
Bên cạnh đó, những khó khăn của thị trường trái phiếu và bất động sản đã và đang được tháo gỡ dần dần, cho thấy đã có những nới lỏng trong các điều kiện tài chính. Vì lãi suất và các điều kiện tài chính có tác động qua lại lẫn nhau nên khi yếu tố này bớt thắt chặt thì yếu tố khác sẽ có không gian rộng hơn cho nhà hoạch định chính sách.
Các chuyên gia nhấn mạnh, kể cả trong tình huống xấu nhất nếu Mỹ tăng lãi suất bất ngờ (0,5 điểm phần trăm) trong cuộc họp tháng 5 tới đây, Việt Nam vẫn hoàn toàn có thể kiểm soát được mục tiêu lạm phát và ưu tiên tăng trưởng của mình vì những lý do đã đề cập ở trên.
Không nên vội mừng
Trong bối cảnh khát vốn, lãi suất "hạ nhiệt" là tin vui đối với nền kinh tế cũng như hầu hết các hoạt động của doanh nghiệp, một mặt vừa kích thích nhu cầu sử dụng vốn, mặt khác hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay với chi phí thấp hơn.
Tuy nhiên, thời điểm này, các chuyên gia nhận định, lãi suất cho vay sẽ giảm với tốc độ nhanh hơn so với trước đây, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng thấp. Tốc độ tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế trong quý I/2022 khoảng 2%, cao hơn mức 1,26% của năm 2021 (là năm bùng phát dịch Covid-19), nhưng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng 5,04% của cùng kỳ năm 2022, cũng như mức trung bình giai đoạn 2013-2022. Trong khi đó, so với kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2023 là 14% được NHNN đặt ra hồi đầu năm, thì tốc độ tăng trưởng tín dụng hiện đang khá chậm.
Kết hợp với việc hàng loạt ngân hàng thương mại tung ra các gói hỗ trợ lãi suất cho vay trong thời gian gần đây, mặt bằng lãi suất đầu ra trung bình sẽ giảm từ 1-1,5%/năm trong thời gian tới, song rất khó kỳ vọng lãi suất quay trở về mặt bằng của giai đoạn 2021-2022. Chưa kể với bối cảnh hiện tại cũng không thể bơm tiền mạnh mẽ như trước. Do đó, kỳ vọng một con sóng lớn bứt tốc vào thời điểm này là khó khăn.
"Thời kỳ tiền rẻ đã qua và chúng ta buộc phải sống trong mặt bằng lãi suất "khó chịu" hơn. Mặt bằng lãi suất tiền gửi năm nay có thể hạ xuống tối đa thêm 1% nữa và sẽ có tính trồi sụt chứ không hẳn theo đà giảm và khó có thể trở lại mức 7,5% kể cả trong những năm tới", ông Nguyễn Đình Duy, Giám đốc dịch vụ xếp hạng tín nhiệm và nghiên cứu của Công ty xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating), nhận định.