Nợ xấu tăng, tài sản thanh lý ế, cần tăng khả năng phòng thủ cho ngân hàng
(DNTO) - Ngân hàng Nhà nước liên tục cảnh báo về sự gia tăng nợ xấu của bất động sản thông qua các con số cụ thể. Dù đã tăng cường "đệm dự phòng" bằng việc đẩy mạnh thanh lý tài sản đảm bảo, song việc phát mại không hề dễ dàng. HoREA đã có kiến nghị khẩn để tăng sự chủ động cho các tổ chức tín dụng.
Theo dữ liệu từ 29 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính, tổng nợ xấu là 219.747 tỉ đồng, tăng đến 34% so với đầu năm nay. Trong khi đó, dự phòng rủi ro cho vay khách hàng chỉ tăng 10%, ở mức 225.327 tỉ đồng.
Dù hiện tại nợ xấu đang được hỗ trợ bởi chính sách nhằm phục hồi nền kinh tế nhưng các số liệu vẫn cho thấy nợ xấu đang tăng trưởng vượt ngưỡng. Trong đó, bất động sản đang được cảnh báo lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro nhất khi thị trường suy yếu khiến các khoản nợ có nguy cơ nhảy nhóm thành nợ xấu nhất.
Nguy cơ nợ xấu bất động sản "phình đại" đã được cảnh báo từ năm ngoái khi giai đoạn 2023 - 2024 là điểm rơi đáo hạn một lượng rất lớn trái phiếu doanh nghiệp. Dù Thông tư 03 và Nghị định 08 được ban hành đã góp phần hỗ trợ thanh khoản cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, song chính những sách này chỉ là giải pháp tạm thời, chứ không giải quyết được các vấn đề gốc rễ của thị trường.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản "tắc" thanh khoản khiến cho dòng tiền của các doanh nghiệp địa ốc càng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đi cùng với thu nhập người mua nhà sụt giảm do kinh tế khó khăn, dẫn tới nợ xấu của ngân hàng cũng tăng theo.
Theo thống kê, tổng giá trị bất động sản thế chấp tại các ngân hàng chiếm khoảng 70% tổng tài sản đảm bảo các khoản vay. Để vớt vát thanh khoản, nhiều tháng gần đây, các ngân hàng ráo riết bán bất động sản hoặc tài sản khác xử lý nợ xấu, song, nhiều tài sản giảm tới 50% nhưng vẫn ế.
Đơn cử, cuối tháng 11/2023, Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản Agribank tổ chức đấu giá căn nhà hơn 100m2 ở số 110 Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm) với giá khởi điểm 30,6 tỉ đồng. Căn nhà phố cổ này từng được Agribank đấu giá lần đầu vào tháng 8/2023 với giá 60,5 tỉ đồng. Sau 7 lần đấu giá bất thành, ngân hàng phải giảm 50% giá ban đầu.
Câu chuyện không của riêng ai, nhiều nhà băng khác cũng ngậm ngùi phải chấp nhận đại hạ giá để xử lý nợ. Với tài sản như nhà xưởng, máy móc thiết bị…, chuyện thanh khoản còn "đau đầu" hơn.
Đáng chú ý, mới đây, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, thị trường bất động sản tiếp tục tình trạng thanh khoản thấp, gây khó khăn trong việc xử lý tài sản bảo đảm, nhất là khi Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, đẩy vốn vào lĩnh vực bất động sản cũng đặt ra những thách thức cho ngân hàng trong việc kiểm soát chất lượng tài sản, do một số áp lực được đẩy về tương lai. Về nguyên tắc, một số khoản nợ đã trở thành nợ xấu nhưng do được cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ nên xu hướng tăng nợ nhóm 2 tiếp tục diễn ra trong thời gian tới.
"Do đó, chất lượng tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng trong thời gian tới có thể tiếp tục chịu áp lực", Thống đốc nhấn mạnh.
Tăng thêm sự "phòng thủ" cho ngân hàng
Trong bối cảnh thị trường biến động khó lường, điều này dễ làm cho giá trị tài sản bảo đảm của ngân hàng giảm thấp và kéo theo tài sản có của ngân hàng thương mại bị định giá thấp, khiến nhiều nhà băng tiếp tục gặp rủi ro thua lỗ. Theo đó, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản góp ý đối với Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) liên quan đến quy định về chuyển nhượng tài sản bảo đảm.
Cụ thể, HoREA cho biết, thực tế, các năm qua, có nhiều dự án hoặc một phần dự án bất động sản là tài sản bảo đảm để thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng, nhưng chủ đầu tư lại chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với Nhà nước.
Đây cũng có thể là lý do mà Nghị quyết 42 chỉ quy định xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản "phải có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” chứ không quy định điều kiện phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của dự án, phần dự án chuyển nhượng và cũng không quy định chủ đầu tư chuyển nhượng “phải đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính” đối với dự án, phần dự án chuyển nhượng.
Theo đó, HoREA đề nghị sửa đổi, bổ sung Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) theo hướng cho phép các tổ chức tín dụng chuyển nhượng dự án bất động sản để thu hồi nợ xấu ngay cả khi dự án chưa thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, chỉ cần đáp ứng các điều kiện như dự án chuyển nhượng phải có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và bên nhận chuyển nhượng dự án phải đáp ứng điều kiện quy định của Luật Kinh doanh bất động sản.
"Do Nghị quyết 42 của Quốc hội đã hết hiệu lực ngày 31/12/2023, và Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) nếu được Quốc hội thông qua dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, nên trong khoảng thời gian này sẽ phát sinh "khoảng trống pháp luật". Từ đó, không có cơ chế để các tổ chức tín dụng xử lý các khoản "nợ xấu" có tài sản bảo đảm là dự án, một phần dự án bất động sản, nên rất cần thiết cho phép "áp dụng sớm" việc ngân hàng được chuyển nhượng dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính để thu nợ kể từ ngày 1/1/2024", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA kiến nghị.
Nhìn về dài hạn, các chuyên gia khuyến cáo, hợp lý nhất là phải xây dựng một luật chung để xử lý nợ xấu của nền kinh tế, trong đó trọng điểm là nợ xấu của các tổ chức tín dụng.