Cần thiết 'giãn' chính sách, cho doanh nghiệp thêm cơ hội giải thoát khối nợ đáo hạn trong năm 2024
(DNTO) - Áp lực nợ gốc và lãi vay đang khiến doanh nghiệp quay cuồng với dòng tiền. Trong khi đó, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn năm 2024 lên mức báo động đạt 'đỉnh' cao nhất 3 năm với con số khủng gần 330.000 tỷ đồng. Theo đó, rất cần "nới" "giãn" chính sách cho doanh nghiệp thêm cơ hội giải thoát khối nợ.
Báo động 'đỉnh' đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp vào các tháng 4-8/2024.
Theo thống kê mới đây của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đáo hạn năm 2024 sẽ lên đến gần 330.000 tỷ đồng, cao nhất trong ba năm qua, tăng hơn 21% so với năm 2023 và gấp 2,3 lần giá trị trái phiếu đáo hạn trong năm 2022. Đáng chú ý, gần 80% là TPDN bất động sản.
"Trong năm 2024 sẽ có khoảng 24.074 tỷ đồng trái phiếu bất động sản đáo hạn và rủi ro tái cấp vốn sẽ tăng cao trong 12 tháng tới, cao điểm vào các tháng 4 - 8/2024", đội ngũ phân tích cho hay.
Trước mắt trong giai đoạn cuối năm, áp lực trả nợ trái phiếu của các doanh nghiệp cũng rất lớn. Theo thống kê mới đây của Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), quý IV là giai đoạn cao điểm đáo hạn trái phiếu của cả năm nay với tổng giá trị lên đến 65.500 tỷ đồng (không tính các lô trái phiếu đã giãn và hoãn). Gần 80% là TPDN bất động sản.
Tại chương trình "Theo dấu Dòng tiền" diễn ra mới đây, nhóm phân tích đưa ra một số nhận định liên quan đến sức khỏe tài chính của doanh nghiệp bất động sản trên sàn: Giá trị trái phiếu đáo hạn tăng mạnh trong năm 2024, dòng tiền hoạt động và nguồn tiền mặt đang ở mức đáng báo động, phần lớn doanh nghiệp đều thiếu hụt tiền mặt để đáp ứng nghĩa vụ nợ ngắn hạn.
Lượng tiền mặt của các doanh nghiệp đã "nằm sàn" ở mức thấp trong 5 năm qua. Tại một số doanh nghiệp thuộc top đầu ngành (xét trên quy mô tài sản), tiền mặt và tiền gửi được ngân hàng tạm giữ để đảm bảo nghĩa vụ nợ.
Cụ thể, tính đến tháng 9/2023, 24/28 doanh nghiệp bất động sản dân cư đã mất khả năng thanh toán các nghĩa vụ nợ gốc ngắn hạn (tỷ lệ bao phủ nợ ngắn hạn dưới 100%). Phần lớn các công ty này phụ thuộc vào vốn vay, tỷ lệ đòn bẩy tài tài chính trung bình cao gấp đôi so với các công ty có tỷ lệ bao phủ nợ ngắn hạn từ 100% trở lên.
Các cửa huy động vốn mới bị đóng lại, trong khi đó lại không có nguồn thu bán hàng bù đắp, càng làm tăng rủi ro chậm trả nợ gốc và lãi của các công ty bất động sản. Thống kê của WiGroup trong quý III cho thấy, tổng chi phí lãi vay các doanh nghiệp ghi nhận trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh khoảng 1.193 tỷ đồng, giảm so với quý II nhưng lãi vay thực tế đã trả được ghi nhận trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ có xu hướng tăng.
"Nhìn về năm 2024, các công ty bất động sản không có quá nhiều cửa sáng để ghi nhận lợi nhuận. Tình hình bán hàng chỉ có thể khả quan hơn từ nửa cuối năm khi các dự thảo luật liên quan trực tiếp đến ngành bất động sản được thông qua. Lãi suất thực tế phải ở mức thấp và thu nhập của người dân hồi phục trở lại thì niềm tin với bất động sản - kênh đầu tư dài hạn mới được kích hoạt trở lại", bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc Đầu tư, Người điều hành VinaCapital – VESAF, nhận định.
'Mở' lối thoát cho doanh nghiệp
Trước sức ép đáo hạn "nóng" của hàng chục ngàn tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp trong năm nay và hàng trăm ngàn tỉ đồng trong năm tới, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp bất động sản là chủ thể vất vả và muốn giảm nợ nhất. Tuy nhiên, “cánh cửa” giảm nợ bằng cách đàm phán hoán đổi tài sản, giãn nợ với trái chủ còn rất nhỏ, bởi để đàm phán được, doanh nghiệp phải có dự án đủ tính pháp lý. Đây là điểm khó khăn nhất.
“Các dự án đủ pháp lý thì hầu hết doanh nghiệp đã thế chấp ngân hàng. Nợ đến hạn phải trả, doanh nghiệp chưa biết xoay xở tiếp ra sao", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nêu rõ trong kiến nghị mới đây gửi Chính phủ và các bộ, ngành, đề xuất xem xét, giãn chính sách, cho doanh nghiệp thêm cơ hội giải thoát khối nợ.
Cụ thể, ông Châu nêu rõ: Kênh phát hành riêng lẻ phục hồi mạnh mẽ xuất phát từ việc Điều 3, Nghị định số 08 cho phép 2 điểm: "Doanh nghiệp phát hành chưa phải thực hiện xếp hạng tín nhiệm và người mua chưa phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp có danh mục tối thiểu 2 tỷ đồng".
Tuy nhiên, 2 điểm trên chỉ “mở” đến 31/12/2023, sau đó các chủ thể phải tuân thủ đúng quy định tại Nghị định 153, tức là doanh nghiệp phải thực hiện xếp hạng định mức tín nhiệm và người mua trái phiếu phải đạt tư cách nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Chủ tịch HoREA lo lắng, nếu áp dụng đúng thời điểm, doanh nghiệp sẽ thêm khó khăn trong việc gọi vốn bằng trái phiếu mới. Trong khi quy định doanh nghiệp phải được xếp hạng tín nhiệm trước khi phát hành trái phiếu riêng lẻ khó thực hiện được, bởi cả nước hiện chỉ có 4 doanh nghiệp tư vấn đánh giá xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, trong khi đó, có hơn 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có hơn 40.000 doanh nghiệp bất động sản và mới chỉ có 67 doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán (chỉ chiếm tỷ lệ 4,17% trong tổng số 1.605 doanh nghiệp niêm yết).
"Chỉ cần khoảng 5-10% số doanh nghiệp bất động sản có nhu cầu phát hành TPDN riêng lẻ thì 4 đơn vị tư vấn đánh giá xếp hạng doanh nghiệp không thể đáp ứng nổi. Do đó, cần thiết gia hạn Nghị định 08 đến hết ngày 31/12/2024 để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cũng như thị trường có thêm thời gian phục hồi", HoREA kiến nghị.
Đồng thời, Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có quy mô lớn, có uy tín thương hiệu, công ty đại chúng, công ty niêm yết trên sàn chứng khoán được xếp hạng tín nhiệm thì được phát hành riêng lẻ chào bán cho nhà đầu tư cá nhân không phải là "nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp".
"Trước mắt, để bảo đảm cho các nhà đầu tư cá nhân chưa đủ điều kiện "nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp" có thể tham gia đầu tư TPDN, đề nghị quy định cho phép các nhà đầu tư cá nhân này được ủy thác cho công ty chứng khoán, các tổ chức bảo đảm năng lực bằng các hợp đồng thương mại để đầu tư trái phiếu theo quy định. Như vậy thì mới phát huy được hiệu quả nguồn vốn đầu tư trái phiếu, cũng như bảo đảm rủi ro cho các nhà đầu tư cá nhân (không đủ điều kiện) khi ủy thác đầu tư thông qua các tổ chức chuyên nghiệp có năng lực theo quy định", Chủ tịch HoREA kiến nghị.
Bên cạnh đó, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho rằng, cần nhanh chóng cải cách thủ tục, rút gọn thời gian cấp phép phát hành để tạo điều kiện, có chính sách "thúc" mạnh hơn nữa doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng. Đây sẽ là kênh gọi vốn quan trọng của doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu riêng lẻ đang được kiểm soát chặt chẽ hơn và dòng vốn tín dụng không dồi dào.