Nợ công có xu hướng giảm, chủ yếu huy động từ trái phiếu chính phủ với lãi suất từ 3,7%/năm
(DNTO) - Do tính toán đầy đủ lại quy mô GDP của nền kinh tế và quy mô GDP tăng lên trong những năm qua là hai nguyên nhân chính dẫn tới tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam có xu hướng giảm dần. Tính đến hết năm 2022, nợ công của Việt Nam tương đương 37,4% GDP, nợ nước ngoài khoảng 36,1% GDP.
Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) vừa phát hành bản tin nợ công số 16 của Việt Nam giai đoạn 2018 - 2022. Theo đó, tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam có xu hướng giảm dần thời gian qua. Từ mức 61,4% GDP năm 2017, đến năm 2018 giảm xuống 58,3% GDP, năm 2019 còn 55% GDP, năm 2020 còn 55,9% GDP, năm 2021 còn 43,1% GDP và đến năm 2022 giảm sâu xuống còn 37,4% GDP.
Tính đến hết năm 2022, nợ Chính phủ giảm còn khoảng 3,25 triệu tỷ đồng, tương ứng giảm khoảng 30.000 tỷ đồng so với báo cáo trước đó vào thời điểm cuối tháng 6/2022. Trong đó, nợ vay nước ngoài cuối năm 2022 gần 975.000 tỷ đồng (giảm khoảng 22.000 tỷ đồng so với cuối tháng 6/2022) và có xu hướng giảm dần trong giai đoạn 2018 - 2022, từ mức đỉnh 1,136 triệu tỷ đồng (năm 2020) xuống gần 975.000, với mức giảm tương ứng trên 160.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, vay trong nước tăng lên hơn 2,27 triệu tỷ đồng (tăng hơn 52.000 tỷ đồng), chiếm khoảng 70% dư nợ Chính phủ. Tính riêng tổng trả nợ trong kỳ đạt 316.000 tỷ đồng, gồm 214.000 tỷ đồng để trả nợ gốc và hơn 105.000 tỷ đồng để trả lãi và phí.
Phân theo từng bên cho vay, “chủ nợ” song phương lớn nhất của Việt Nam vẫn là Nhật Bản với gần 400.000 tỷ đồng (giảm khoảng 78.000 tỷ đồng so với cuối tháng 6/2022). Tiếp đó là, Hàn Quốc, Pháp và Đức lần lượt cho vay hơn 27.500 tỷ đồng; 26.700 tỷ đồng và 13.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong khi dư nợ vay vốn nước ngoài của Chính phủ đang có xu hướng giảm tới 160.000 tỷ đồng so với mức đỉnh giai đoạn 2018 - 2022 thì nợ nước ngoài của doanh nghiệp lại có xu hướng tăng. Cuối năm 2022, dư nợ nước ngoài của doanh nghiệp lên mức 2,455 triệu tỷ đồng, tương ứng tăng 167.000 tỷ đồng so với giữa năm 2022 và tăng tới 975.000 tỷ đồng so với mức “đáy” năm 2018 chỉ là 1,48 triệu tỷ đồng, tương ứng tăng 66%.
Trong báo cáo về tình hình nợ công năm 2023 vừa được Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa uỷ quyền Thủ tướng gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, cho biết trên cơ sở thực hiện 9 tháng đầu năm, Chính phủ dự kiến nhu cầu huy động cả năm 2023 ước đạt 604.379 tỷ đồng (bằng 93,8% kế hoạch vay).
Trong đó, vay trong nước dự kiến sẽ huy động khoảng 547.085 tỷ đồng, chủ yếu phát hành trái phiếu chính phủ. Kỳ hạn phát hành trái phiếu chính phủ bình quân đạt mức 12,6 năm, cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra từ 9-11 năm. Kỳ hạn còn lại bình quân của danh mục trái phiếu chính phủ là 9 năm, giảm 0,14 năm so với năm 2022. Lãi suất phát hành bình quân là 3,7-4%/năm, tăng 0,22-0,52 điểm phần trăm so với năm 2022 (3,48%/năm).
Cùng với đó, vay ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài khoảng 57.294 tỷ đồng, chiếm khoảng 10%, trong đó vay cho hỗ trợ ngân sách chung phục vụ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội ước 15.000 tỷ đồng, vay về cho vay lại ước 14.626 tỷ đồng, còn lại là phấn đấu giải ngân 95% kế hoạch vốn nước ngoài được Thủ tướng Chính phủ giao đưa vào cân đối ngân sách nhà nước cho chi đầu tư phát triển chương trình, dự án.
Cũng theo Chính phủ, trong năm, tỷ giá các đồng tiền có biến động dẫn đến việc sử dụng dự toán bằng tiền đồng ít hơn khi mua ngoại tệ để trả nợ.
"Căn cứ tỷ giá bán của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank, đến thời điểm 26/9/2023, đồng USD tăng 3,41%, EUR tăng 2,72%, JPV giảm 7,99% so với 1/1/2023. Tính riêng tác động tỷ giá của 3 loại tiền trên, dư nợ nước ngoài Chính phủ cuối năm 2022 nếu quy theo tỷ giá đồng USD, EUR và JPY ngày 26/9/2023 so với tỷ giá đầu năm 2023 giảm khoảng 6,6 nghìn tỷ đồng, tương ứng 0,07% GDP năm 2022", báo cáo phân tích.
Theo đó, Chính phủ tiếp tục chuyển đổi cơ cấu nợ công, nhằm chuyển sang trái phiếu trong nước có kỳ hạn dài. Điển hình, trong 6 tháng đầu năm 2023. Tổng khối lượng trái phiếu phát hành đạt 180.000 tỷ VND (tương đương 45% kế hoạch năm). Khoảng 95% trái phiếu Kho bạc Nhà nước được phát hành với kỳ hạn dài (10-15 năm).
Xu hướng nợ công giảm, theo đánh giá của Bộ Tài chính đã góp phần củng cố xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Năm 2022, trong bối cảnh nhiều quốc gia bị hạ bậc tín nhiệm, Việt Nam được 2 tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s và S&P nâng hạng tín nhiệm quốc gia, tổ chức Fitch giữ nguyên mức xếp hạng tín nhiệm. Điều này sẽ có tác động giảm chi phí vay của Chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức tín dụng, thu hút thêm các nguồn vốn từ các nhà đầu tư tiềm năng, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.