Đương đầu với 'sóng dữ', các chỉ tiêu nợ công vẫn nằm trong ngưỡng an toàn
(DNTO) - "Dự kiến hết năm 2021, Bộ Tài chính cơ bản hoàn thành nhiệm vụ huy động vốn, nỗ lực thúc đẩy cao nhất kết quả giải ngân vốn vay nước ngoài, trả nợ đúng hạn, đồng thời các chỉ tiêu nợ công đều nằm trong giới hạn an toàn", bà Nguyễn Xuân Thảo, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính thông tin.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính,, ngày 5/1, bà Nguyễn Xuân Thảo, Phó Cục trưởng cho biết, dự kiến đến cuối năm 2021, các chỉ tiêu nợ công đều trong giới hạn an toàn được Quốc hội phê chuẩn.
Cụ thể, nợ công khoảng 43,7% GDP; nợ Chính phủ khoảng 39,5% GDP; nợ nước ngoài quốc gia khoảng 39,0% GDP; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách Nhà nước dưới 23%; chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ khoảng 6,3%.
Đề cập tới công tác huy động vốn, bà Thảo cho biết, trong năm 2021, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cũng đã kiên trì, chủ động trong huy động vốn. Theo đó, đã tham mưu ký kết 12 hiệp định vay cụ thể với tổng trị giá 958,27 triệu USD, hoàn thành đàm phán hoặc trao đổi kỹ thuật về 11 hiệp định vay khác với trị giá 924 triệu USD.
Đồng thời, Cục cũng tham mưu trình Bộ để sửa đổi, gia hạn đối với 22 thỏa thuận khung và vay cụ thể, kết quả huy động vốn thể hiện nỗ lực lớn của Cục trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Trong năm 2021, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại đã quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn vay.
"Công tác trả nợ nước ngoài được thực hiện kịp thời, đầy đủ và trong phạm vi dự toán được duyệt. Lũy kế trả nợ nước ngoài đến ngày 31/12 là 64.760,81 tỷ đồng, đảm bảo 100% nghĩa vụ trả nợ trực tiếp và gián tiếp của Chính phủ", bà Thảo nêu rõ.
Tính đến thời điểm báo cáo, lũy kế giải ngân vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài thuộc dự toán chi đầu tư công của ngân sách trung ương ước đạt 13.795,28 tỷ đồng, bằng 26,76% kế hoạch; trong đó, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương đạt 8.236,86 tỷ đồng, bằng 23,59%; giải ngân của các bộ, ngành Trung ương là 5.558,42 tỷ đồng, bằng 33,41%.
Chỉ đạo về định hướng năm 2022, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà yêu cầu Cục quản lý cần tiếp thu để hoàn thiện, sửa đổi, khắc phục, đặc biệt là khâu quản lý vốn ODA, vốn vay nước ngoài hiệu quả, phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022.
Thứ trưởng cũng yêu cầu Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại trong năm 2022 tiếp tục đàm phán các hiệp định khung và hiệp định vay cụ thể, trong đó, ngoài các điều kiện, điều khoản, cần lưu ý các khoản vay có điều kiện ràng buộc như điều kiện về đấu thầu hạn chế, về thuế.
Cùng với đó, thẩm định các chương trình, dự án chặt chẽ, làm rõ sự cần thiết của các dự án, cơ chế tài chính đảm bảo hiệu quả. Đồng thời, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cần phối hợp với các bộ, ngành để giải ngân vốn nhanh, tháo gỡ vướng mắc của các bộ, ngành, địa phương, chủ dự án.
"Bô Tài chính sẽ rà soát lại để hoàn thành chương trình công tác năm 2022 sát với yêu cầu đổi mới quản lý chung của ngành, của lĩnh vực cũng như ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, đồng thời tập thể đơn vị sẽ nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ của năm 2022", Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho hay.