Thêm trợ lực để nhà đầu tư không quay lưng với nhà ở xã hội
(DNTO) - Nhu cầu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp giai đoạn 2021-2030, dự kiến khoảng 2,4 triệu căn. Song, đến nay, số dự án được khởi công vẫn chỉ "đếm trên đầu ngón tay". Để tăng tốc có thêm số lượng lớn dự án, các chuyên gia kiến nghị thiết kế lại gói tín dụng với lãi suất "mềm" hơn.
Đề xuất lại gói 110.000 tỷ đồng, lãi suất 4,8 - 5%/năm
Chương trình xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội (NOXH) là niềm hy vọng để người dân sở hữu nhà ở với giá thành rẻ hơn, góp phần làm cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định. Tuy vậy, trên thực tế, mục tiêu phát triển NOXH gặp rất nhiều khó khăn do doanh nghiệp không mấy mặn mà còn người dân có nhu cầu lại khó tiếp cận.
Thống kê mới nhất từ Bộ Xây dựng, 10 tháng năm 2023 cả nước chỉ có 10 dự án NOXH, nhà ở công nhân được khởi công xây dựng mới, bổ sung khoảng 19.800 căn hộ dành cho công nhân, người thu nhập thấp ở đô thị.
Có 7 dự án NOXH đã được khởi công xây dựng gồm: 4 dự án nhà ở xã hội được khởi công tại Hải Phòng (6.707 căn hộ), 1 dự án khởi công tại Hà Nội (720 căn hộ), 1 dự án tại Lâm Đồng (303 căn hộ), 1 dự án tại Thừa Thiên Huế (1.085 căn hộ). Bên cạnh đó có 3 dự án nhà ở công nhân được khởi công xây dựng trong 10 tháng vừa qua, gồm: 1 dự án tại Hải Phòng (2.538 căn hộ), 1 dự án tại Bình Định (1.500 căn hộ), 1 dự án tại Bắc Giang (7.000 căn hộ).
Như vậy dù Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt thúc đẩy việc đầu tư xây dựng các dự án NOXH, nhà ở công nhân từ đầu năm đến nay nhưng số dự án được khởi công xây dựng mới 10 tháng qua vẫn chỉ "đếm trên đầu ngón tay".
Trong khi đó, đối với việc giải ngân gói tín dụng 120.000 tỉ đồng từ 4 ngân hàng thương mại nhà nước, tính đến hết tháng 10 đã có 20 tỉnh, thành phố phê duyệt danh mục 52 dự án NOXH, nhà ở công nhân đủ điều kiện vay vốn ưu đãi, nhu cầu vay khoảng 25.800 tỉ đồng.
Tuy nhiên, con số giải ngân từ gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỉ đồng đến nay rất thấp, chỉ đạt khoảng 83 tỉ đồng. Cho đến nay, các chủ đầu tư dự án NOXH mới được vay với lãi suất 8,2%/năm trong thời hạn ưu đãi ba năm (1/7 - 31/12/2023) thấp hơn 1,5 - 2 điểm % so với lãi suất vay thương mại thông thường theo gói tín dụng 120.000 tỷ đồng nhưng thực chất vẫn chưa phải là tín dụng ưu đãi NOXH.
Tương tự, hầu như người mua, thuê mua NOXH chưa được hưởng chính sách ưu đãi tín dụng theo quy định của Luật Nhà ở 2014 mà phải vay thương mại với lãi suất khoảng 9 - 10%/năm, thời hạn vay ưu đãi quá ngắn (5 năm) và lãi suất được điều chỉnh mỗi 6 tháng một lần nên gây bất an cho người vay, khiến mục tiêu phát triển nhà ở xã hội gặp rất nhiều khó khăn do doanh nghiệp không mấy mặn mà còn người dân có nhu cầu lại khó tiếp cận...
Theo đó, để nhà đầu tư không "quay lưng" với NOXH, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa kiến nghị Bộ Xây dựng đề xuất lại gói 110.000 tỷ đồng, lãi suất 4,8 - 5%/năm áp dụng cho năm 2023 và thời hạn vay tối đa 25 năm để phát triển phân khúc này.
Ngoài ra, HoREA đề nghị NHNN xem xét mở rộng hơn một số đối tượng được vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, bao gồm chủ đầu tư và người mua nhà thuộc các dự án nhà ở thương mại có giá bán không vượt quá 3 tỷ đồng/căn và có ưu tiên cho người mua căn nhà đầu tiên.
Cần thêm cơ chế thu hút
Để tăng "trợ lực" cho doanh nghiệp và có thêm cơ hội tiếp cận được các khoản vay tín dụng mới, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục thực hiện Thông tư số 02 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong một thời gian nhất định cho đến khi nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng trở lại bình thường.
"Đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét gia hạn hiệu lực thi hành của Thông tư 22 thêm 12 tháng (đến ngày 31/10/2024) để tăng thêm nguồn cung tiền cho các tổ chức tín dụng mà vẫn bảo đảm an toàn hệ thống tín dụng; tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng và khách hàng thực hiện việc xét duyệt cho vay và vay tín dụng...", HoREA đề xuất.
Đặc biệt, những quy định mới nhất của Nghị định 35 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, từ tháng 6/2023: "Dự án NOXH không được dành 20% diện tích sàn hoặc đất ở để kinh doanh thương mại". Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đầu tư NOXH không còn ưu đãi như trước khiến cơ quan quản lý địa phương, nhà đầu tư không khỏi băn khoăn.
Thực tế, việc dành 20% tổng diện tích sàn hoặc đất trong dự án NOXH để kinh doanh thương mại nhằm giúp doanh nghiệp lấp "lỗ hổng" chi phí đầu tư, góp phần giảm giá bán, giá cho thuê NOXH cho chính đối tượng được thụ hưởng. Thế nhưng khi doanh nghiệp không còn hưởng ưu đãi thì sẽ chẳng đầu tư, dự án khó khả thi.
Ngoài ra, HoREA cho rằng, cần thêm quy định chủ đầu tư có quyền chọn xây dựng NOXH trong dự án nhà ở thương mại, hoán đổi quỹ đất NOXH tương đương hoặc thanh toán tiền sử dụng đất cho nhà nước ngay từ đầu, để có thể chủ động triển khai dự án. Từ đó, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cũng không bị lúng túng khi cấp phép, kiểm tra dự án. Còn nếu cứ để quyền chọn này cho nhà nước, việc triển khai dự án sẽ tiếp tục bị tắc nghẽn, khó khăn như lâu nay...
"Nên xem xét cho phép một chủ đầu tư có nhiều dự án đang được triển khai trên cùng một quận, huyện thì được hoán đổi diện tích đất để xây dựng NOXH tập trung vào một dự án nhằm tạo điều kiện cho chủ đầu tư kinh doanh, khai thác và vận hành được thuận lợi, hoặc có các quy định, giải pháp khác về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư...", HoREA kiến nghị.