Hơn 80% doanh nghiệp sản xuất kỳ vọng hồi phục từ quý 2: Cần thêm giải pháp khơi thông thị trường vốn
(DNTO) - Hơn 80% doanh nghiệp có cái nhìn tích cực hơn về nền kinh tế trong quý 2/2024. Rõ ràng, triển vọng thị trường năm 2024 với doanh nghiệp là sáng, nhưng nếu những khó khăn trước mắt, nhất là việc tiếp cận vốn tín dụng không được hỗ trợ “khơi thông” thì doanh nghiệp cũng khó nắm bắt cơ hội.
Xuất khẩu tiếp đà hưng phấn trong bức tranh kinh tế quý 1
Công bố tình hình kinh tế quý 1/2024, ngày 29/3, Tổng cục Thống kê nhận định, nền kinh tế đang hồi phục mạnh mẽ, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất 4 năm trở lại đây.
"Lực đỡ" cho nền kinh tế hiện nằm trong khu vực công nghiệp và xây dựng, sản xuất công nghiệp khởi sắc và tiếp tục đà tăng trưởng từ cuối năm 2023. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý 1/2024 tăng 6,18% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước giảm 0,73%), đóng góp 2,02 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,98% (quý 1/2023 giảm 0,45%).
Đặc biệt, tiếp đà phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá trong quý 1/2024 của Việt Nam có những khởi sắc và đạt được kết quả tích cực đạt hơn 178 tỷ USD. Mức này tăng 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu thêm 17%, nhập khẩu gần 14%. Cán cân thương mại vẫn nghiêng về thặng dư, khi Việt Nam xuất siêu 8,08 tỷ USD.
Đáng chú ý, cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu quý I/2024 vẫn rất tích cực. Trong đó, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 79,9 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 94%. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng ước đạt 5,08 tỷ USD, tăng 4,6%, chiếm 6%.
Nhập khẩu nhóm hàng tư liệu sản xuất tăng nhanh là chỉ dấu tích cực cho hoạt động thương mại. Thực tế, rất nhiều doanh nghiệp cho biết đã ký được đơn hàng xuất khẩu, bảo đảm hoạt động sản xuất cho đến hết tháng 6/2024, không ít doanh nghiệp đã có đủ đơn hàng đến hết quý 3/2024. Cứ nhìn vào hiện tượng doanh nghiệp đang thiếu lao động, lao động được làm tăng ca, sẽ thấy bức tranh kinh tế quý 1 năm nay trái ngược hoàn toàn với bối cảnh diễn ra từ tháng 7/2022 đến tận tháng 4/2023.
Điều tra mới của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy kết quả tích cực hơn về nền kinh tế trong quý 2/2024, khi có tới hơn 80% doanh nghiệp trong ngành sản xuất, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến và chế tạo, tin rằng tình hình kinh doanh sẽ có sự cải thiện từ ổn định đến khả quan hơn so với quý 1.
Về khối lượng sản xuất, có 44% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng; 38% số doanh nghiệp dự báo ổn định và gần 18% số doanh nghiệp dự báo giảm. Về đơn đặt hàng xuất khẩu, có 37% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới; 46% số doanh nghiệp dự kiến ổn định và chỉ có 17.1% số doanh nghiệp dự kiến giảm.
Nhiều lĩnh vực phục hồi, doanh nghiệp vẫn chưa hết khó khăn
Ghi nhận những tín hiệu tích cực về tình hình đơn hàng quý 1/2024, nhưng phần lớn doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa đều nhận định, thị trường còn nhiều khó khăn, thách thức với các yếu tố khó lường.
Theo Tổng cục Thống kê, số đơn vị giải thể, ngừng hoạt động trong quý đầu năm cao hơn lập mới, quay lại thị trường. Bình quân một tháng có gần 24.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Như vậy, doanh nghiệp đóng cửa trong quý 1 cao hơn khoảng 4.700 đơn vị so với thành lập mới.
Điểm yếu nữa phải kể ra là tín dụng tăng trưởng rất thấp. Hầu như chưa bao giờ chứng kiến hiện tượng tín dụng tăng trưởng âm như trong 2 tháng đầu năm nay, trong khi mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước đặt ra cho hoạt động tín dụng năm nay là tăng 15%.
Theo kết quả khảo sát, yếu tố gây cản trở doanh nghiệp nhiều nhất là nhu cầu nội địa vẫn còn thấp (55%), cạnh tranh nội địa cao (50%), và họ vẫn gặp khó về vốn (30.4%).
Từ thực tế trên, bên cạnh vẫn chú trọng, quan tâm đến hoạt động xuất khẩu, muốn phát triển doanh nghiệp, tăng trưởng tín dụng, phải tìm cách thúc cầu nội địa. Với quy mô dân số nước ta hơn 100 triệu người, chưa kể năm 2024 đặt mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách du lịch quốc tế, cần quan tâm tiếp sức từ khâu chính sách trên thị trường nội địa bằng cách nên tập trung vào các chính sách thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng của người dân, đầu tư tích lũy tài sản của doanh nghiệp, hộ gia đình và xuất khẩu. Và điều quan trọng là tất cả các chính sách nhằm thúc đẩy tổng cầu trong ngắn hạn cần phải được đặt trong khuôn khổ của mục tiêu chuyển đổi mô hình kinh tế trong trung hạn.
Đặc biệt, cần thêm trợ lực về vốn để doanh nghiệp nắm bắt cơ hội thị trường. Ghi nhận hết quý 1/2024, quá nửa số doanh nghiệp vẫn chưa có khả năng trả hết các khoản nợ đã được cơ cấu lại. Chưa kể lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, cơ khí... cần đầu tư lớn, nhưng thời gian thu hồi vốn dài.
Do vậy, các chuyên gia nhấn mạnh, phải có chính sách thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn, nhất là trong bối cảnh giá cước vận tải biển, tỷ giá đồng USD đang tăng mạnh, kéo theo chi phí gia tăng. Các cơ quan cần nghiên cứu để hạ các điều kiện tiếp cận vốn, cho vay linh hoạt hơn, đặc biệt là yêu cầu về tài sản thế chấp...
Trong buổi gặp gỡ mới đây với các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Tp.HCM, GS-TS. Ngô Thắng Lợi (Trường đại học Kinh tế quốc dân), nhấn mạnh, doanh nghiệp rất cần những ưu đãi thuế thu nhập. Cụ thể, trước ngày 1/1/2016, doanh nghiệp phải đóng thuế thu nhập phổ thông là 22%, nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa (có doanh thu dưới 20 tỷ đồng/năm) được hưởng thuế suất 20%. Nhưng kể từ ngày 1/6/2016 trở đi, tất cả doanh nghiệp, không phân biệt quy mô, đều phải đóng thuế thu nhập 20%.
Như vậy, không còn chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thậm chí, những doanh nghiệp này còn bất lợi hơn so với doanh nghiệp lớn, đặc biệt là doanh nghiệp FDI, do không được hưởng các chính sách ưu đãi.
"Để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, theo tôi, nên đưa ra mức thuế phổ thông 10% cho doanh thu 20 tỷ đồng/năm và từ mức này trở đi đánh thuế lũy tiến tương tự cách đánh thuế thu nhập cá nhân. Như vậy sẽ tạo động lực phát triển doanh nghiệp, là nền tảng để kinh tế tăng trưởng bền vững trong thời gian tới", GS-TS. Ngô Thắng Lợi (Trường đại học Kinh tế quốc dân), nhận định.