Xuất nhập khẩu vào đà tăng trưởng, cần nhanh chóng khơi thông động lực, cải thiện môi trường kinh doanh
(DNTO) - Sức cầu của thị trường thế giới đang có dấu hiệu hồi phục, đây là bước “chạy đà” cho xuất khẩu đạt tăng trưởng khá trong năm 2024. Cần nhanh chóng tháo gỡ, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không phù hợp gây khó khăn cho doanh nghiệp để giữ vững “mặt trận” xuất khẩu.
"Cú hích" từ xuất khẩu điện thoại và linh kiện
2 tháng đầu năm 2024, hoạt động xuất khẩu của nước ta khởi sắc rõ nét. Dữ liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê ngày 29/2 ghi nhận nhiều con số ấn tượng, đặc biệt từ các ngành hàng, thị trường và địa phương trọng điểm với những con số tăng trưởng tỷ đô.
Cụ thể, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm ước đạt 113,96 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 19,2%; nhập khẩu tăng 18%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 4,72 tỷ USD. Đáng chú ý, so với cùng kỳ năm trước, có tới 44/45 nhóm hàng chính được thống kê và công bộ định kỳ có tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái (trừ dầu thô giảm 15,9%).
Nhiều đơn hàng xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chủ lực cũng đã trở lại, đưa chỉ số sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo và kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh, ở mức “2 con số”. Trong đó có hàng chục mặt hàng xuất khẩu có mức tăng trưởng lên tới “3 con số” trong 2 tháng đầu năm.
Các sản phẩm mang giá trị “tỷ USD” như như điện thoại các loại và linh kiện đạt 5,58 tỷ USD, tăng 50,4% so tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này giúp điện thoại giành lại ngôi vị số 1 về xuất khẩu (từ nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện). Cùng với đó, hàng dệt may tăng 28,6%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 74,6%; giày dép các loại tăng 35%.
Ở lĩnh vực nông nghiệp cũng ghi nhận sự khởi sắc của tất cả các nhóm hàng "top" đầu như: thủy sản, rau quả, gạo, cà phê, hạt điều… với mức tăng trưởng hai, thậm chí ba con số. Hai “ngôi sao” rau quả và gạo tiếp tục duy trì được đà tăng ấn tượng, hứa hẹn khả năng lập đỉnh mới trong năm nay.
Sự khởi sắc về xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm cũng được ghi nhận ở các thị trường, nhóm thị trường và các địa phương trọng điểm. Trước tiên về thị trường, có 6 thị trường và nhóm thị trường đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang tất cả thị trường, khu vực thị trường trên 1 tỷ USD đều tăng so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 10,05 tỷ USD, tăng 64% (tương ứng tăng 3,91 tỷ USD); EU đạt 4,6 tỷ USD, tăng 40% (tương ứng tăng 1,32 tỷ USD); Trung Quốc đạt 4,56 tỷ USD, tăng 19% (tương ứng tăng 714 triệu USD); ASEAN đạt 3,2 tỷ USD, tăng 47% (tương ứng tăng 1,02 tỷ USD); Hàn Quốc đạt 2,34 tỷ USD, tăng 38% (tương ứng tăng 646 triệu USD) và Nhật Bản đạt 2,23 tỷ USD, tăng 45% (tương ứng tăng 690 triệu USD).
Phân tích về yếu tố hỗ trợ xuất khẩu, ông Michael Kokalari, Giám đốc Phòng phân tích kinh tế vĩ mô và nghiên cứu thị trường (VinaCapital), nhận định kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng máy tính và sản phẩm điện tử tăng gần 60% so với cùng kỳ năm trước, là nguyên nhân chính "thúc" tăng trưởng 2 tháng đầu năm ở mức cao.
Theo ông Michael Kokalari, các doanh nghiệp Mỹ đã đặt hàng quá nhiều các sản phẩm "Made in Vietnam" trong thời điểm gián đoạn chuỗi cung ứng do Covid-19 và phải cắt giảm đơn đặt hàng cho các sản phẩm này năm ngoái để giảm lượng hàng tồn. Tuy nhiên, sau đợt giảm hàng tồn kho nhanh nhất trong hơn 10 năm, xu hướng đó sắp kết thúc. Vì vậy, các đơn đặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã tăng trở lại. Điều tương tự cũng diễn ra ở Trung Quốc, khi các đơn đặt hàng mới cải thiện đáng kể. "Kỳ vọng, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục đà tăng trưởng nhanh trong những tháng tới".
Để giữ vững “mặt trận” xuất khẩu
Hiện, các doanh nghiệp, ngành hàng đang “cân não” lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2024. Dù hàng tồn kho tại các thị trường tiêu thụ chính có xu hướng giảm, nhưng dự báo chung của không ít doanh nghiệp lúc này là tình hình kinh doanh vẫn trong cảnh cầu yếu, căng thẳng tại Biển Đỏ đẩy chi phí vận chuyển tăng chóng mặt.
Trong khi đó, tiêu chuẩn đối với hàng hóa xuất khẩu cũng tăng lên, khi EU đưa ra nhiều rào cản kỹ thuật liên quan môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh; Hoa Kỳ tăng cường hoạt động điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại…, khiến doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu bị động, gặp nhiều bất lợi trong tiếp cận thị trường.
Từ dự báo trên, Bộ Công Thương cho biết, đã và đang tìm nhiều giải pháp hỗ trợ thị trường nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường quản lý nhập khẩu phù hợp, bảo đảm cán cân thương mại hài hoà, bền vững, đồng thời thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu; cảnh báo sớm nguy cơ các vụ kiện phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp...
Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng kiến nghị cần đẩy mạnh hơn nữa tính thực chất, hiệu quả trong cải cách môi trường kinh doanh. Bởi thực tế, một số phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh còn hình thức; đề xuất cắt giảm thiếu tính đột phá; nhiều vướng mắc mà doanh nghiệp phản ánh chưa được xem xét…
Cụ thể, tại hội nghị “Triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP: Cải cách tạo điểm tựa thúc đẩy phát triển doanh nghiệp”, ngày 29/2, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho biết, một trong những ví dụ về vướng mắc được doanh nghiệp phản ánh đã lâu nhưng chưa sửa là Nghị định 09/2016/NĐ-CP yêu cầu tăng cường iốt vào muối dùng để ăn trực tiếp, chế biến thực phẩm; bột mỳ dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm...
“Doanh nghiệp xuất khẩu trong lĩnh vực thực phẩm phản đối rất mạnh mẽ quy định này vì gây rất nhiều khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tăng chi phí và giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, thiếu hiệu quả và không phù hợp với quốc tế. Nghị quyết 19/2018/NQ-CP đã yêu cầu sửa đổi quy định này, song đến nay vẫn chưa có nghị định sửa đổi”, ông Tuấn nêu rõ.
Hay Nghị định 10/2020/NĐ-CP yêu cầu doanh nghiệp phải cung cấp tối thiểu nội dung hợp đồng vận chuyển trước mỗi chuyến đi. Việc yêu cầu cung cấp thông tin như trên tạo nên chi phí tuân thủ rất lớn. Từ phía cơ quan quản lý cũng khó có thể quản lý khi mỗi ngày nhận được hàng trăm email...
Tại Hội nghị, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh bày tỏ, cộng đồng doanh nghiệp rất mong chờ và đặt nhiều kỳ vọng Nghị quyết số 02/NQ-CP sẽ tháo gỡ một cách căn cơ, dứt điểm các rào cản, tồn tại về thể chế bao gồm: Doanh nghiệp được thực hiện kết hợp cả hình thức tự tái chế và nộp tiền hỗ trợ tái chế trong cùng năm cho cùng một loại bao bì, sản phẩm thải bỏ; Doanh nghiệp nộp đóng góp tái chế trên cơ sở quyết toán theo số lượng thực tế khi kết thúc năm và thời hạn nộp đến hết quý I của năm tiếp theo; Nghiên cứu, đề xuất chính sách ưu đãi đối với bao bì thân thiện với môi trường hoặc sử dụng vật liệu tái chế.
"Chúng tôi hy vọng Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm có các hướng dẫn cụ thể để triển khai Nghị quyết 02 của Chính phủ, tháo gỡ các vướng mắc về EPR cho các doanh nghiệp, đúng như tinh thần quyết liệt của Chính phủ", bà Chi nhấn mạnh.
Các phiên họp Chính phủ hàng tháng luôn nhấn mạnh tới cải cách môi trường kinh doanh. Rất nhiều văn bản chỉ đạo, nhưng sự chuyển biến cải cách còn chậm. Thậm chí, có lĩnh vực rào cản nặng nề hơn. Rõ ràng, muốn cải thiện môi trường kinh doanh để củng cố niềm tin, tạo điểm tựa cho doanh nghiệp, cần khơi dậy động lực, tạo áp lực thường xuyên, liên tục và cần sự đồng hành của nhiều bên.