Xuất nhập khẩu khởi sắc ngay từ đầu năm, thặng dư thương mại đạt 4,1 tỷ USD
(DNTO) - Theo đà phục hồi của năm 2023, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tính từ đầu năm đến ngày 15/2, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 84,74 tỷ USD, cán cân thương mại thặng dư với con số xuất siêu 4,1 tỷ USD.
Cụ thể, theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến 15/2, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 84,74 tỷ USD, cán cân thương mại thặng dư với con số xuất siêu 4,1 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 44,42 tỷ USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ 2023 (tương đương kim ngạch tăng 7,28 tỷ USD); nhập khẩu đạt 40,32 tỷ USD, tăng 13,32% so với cùng kỳ 2023 (tương đương kim ngạch tăng thêm 4,74 tỷ USD).
Đáng chú ý, riêng trong tháng 1, so với cùng kỳ năm trước, có tới 44/45 nhóm hàng chính tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái (trừ dầu thô giảm 15,9%).
Trong đó, tăng trưởng ấn tượng đến từ các nhóm hàng chủ lực như: điện thoại các loại và linh kiện đạt 5,58 tỷ USD, tăng 50,4% so tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, đạt 5,35 tỷ USD, tăng 68,3%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 4,02 tỷ USD, tăng 38,7%; dệt may đạt 3,13 tỷ USD, tăng 38,9%... Đáng chú ý, xuất khẩu rau quả tiếp tục duy trì được đà tăng ấn tượng là 103,9% và xuất khẩu gạo tăng 94,5% về kim ngạch so với cùng kỳ 2023.
Cũng theo Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ 2 tháng 01/2024 đạt 13,83 tỷ USD, tăng 25,7% so với kỳ trước, nâng tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa nhóm này lên 24,87 tỷ USD, tăng 38,6% (tương ứng tăng 6,92 tỷ USD) so với cùng kỳ, chiếm 72% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước. Từ chiều ngược lại, trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 01/2024 đạt 16,03 tỷ USD, tăng 9% (tương ứng tăng 1,33 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ trước.
Về thị trường, trong 7 thị trường và nhóm thị trường nhập khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD trong tháng 1/2024, Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất.
Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc lên đến 11,88 tỷ USD, tăng mạnh 65% so với cùng kỳ năm trước. Hàng hóa nhập khẩu từ thị trường này tăng mạnh chủ yếu từ các nhóm hàng như: Máy móc, thiết bị, phụ tùng; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; sắt thép các loại và sản phẩm (ba nhóm hàng này tăng 2,81 tỷ USD).
Các thị trường Việt Nam nhập khẩu tỷ USD còn lại gồm: Hàn Quốc đạt 4,19 tỷ USD, tăng 7,3%; ASEAN đạt 3,62 tỷ USD, tăng 20,2%; Nhật Bản đạt 1,95 tỷ USD, tăng 16,4%; Đài Loan (Trung Quốc) đạt 1,94 tỷ USD, tăng 32%; EU đạt 1,31 tỷ USD, tăng 28,3%; Hoa Kỳ đạt 1,24 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, thứ hạng về kim ngạch xuất khẩu của một số địa phương trong tháng 1/2024 đã có sự thay đổi. Cụ thể, vượt TP Hồ Chí Minh, Thái Nguyên vươn lên dẫn đầu cả nước với giá trị xuất khẩu đạt 3,8 tỷ USD, tăng tới 49% (tương đương kim ngạch tăng thêm 1,25 tỷ USD).
Trong khi đó, TP Hồ Chí Minh chỉ đạt 3,75 tỷ USD, đứng thứ hai cả nước. Đứng thứ ba là Bắc Ninh, với kim ngạch xuất khẩu tháng 1/2024 đạt 3,09 tỷ USD. Theo sau là Bình Dương, với kim ngạch xuất khẩu đạt 3,05 tỷ USD trong tháng 1/2024.
Ngoài các địa phương nói trên, các tỉnh, thành phố cũng đạt kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD trở lên gồm: Bình Dương đạt 3,06 tỷ USD; Hải Phòng đạt 2,51 tỷ USD; Bắc Giang đạt 2,31 tỷ USD; Đồng Nai đạt 2,07 tỷ USD; Hà Nội đạt 1,52 tỷ USD và Vĩnh Phúc đạt 1,04 tỷ USD.