Tổng cầu hàng dệt may 2024 dự kiến tăng 10%, doanh nghiệp bằng mọi cách giữ chân lao động
(DNTO) - Căn cứ vào triển vọng thị trường, VITAS dự báo tổng cầu hàng dệt may 2024 dự kiến sẽ tăng 10%. Theo đó, để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi, các doanh nghiệp cần nỗ lực cắt giảm chi phí sản xuất, bằng mọi cách giữ chân lực lượng lao động, hướng tới "chiều lòng" những đơn hàng cao cấp từ đối tác.
Tại Hội nghị tổng kết ngành dệt may năm 2023 và đưa ra những cơ hội, thách thức trong năm 2024, ngày 16/12, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS trần tình: “Năm 2023 là năm đầu tiên tôi cảm thấy khó khăn, thách thức cực kỳ lớn với các doanh nghiệp dệt may. Đó là những áp lực về đơn hàng, giá, giao hàng, chi phí sản xuất, việc làm cho người lao động, cạnh tranh từ bên ngoài và nội bộ, cơ chế chính sách không theo kịp xu thế và thách thức…". Từ những khó khăn này, VITAS ước tính tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dệt may năm 2023 đạt 40,324 tỷ USD, giảm hơn 9% so với năm 2022.
Tuy nhiên, trong một bức tranh khá ảm đạm, vẫn xuất hiện một vài “điểm sáng”, đó là xuất khẩu hàng dệt may sang một số thị trường vẫn tăng như: Nhật Bản, Úc, Nga, Ấn Độ… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dệt may cũng đã mở thêm được một số thị trường mới tại châu Phi và Trung Đông. Điều này góp phần giúp kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may không bị giảm sâu trong bối cảnh sức mua giảm mạnh.
"Dự báo, tổng cầu hàng dệt may 2024 dự kiến sẽ tăng 10%, toàn ngành phấn đấu tăng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành năm 2024 đạt 44 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2023", VITAS cho hay.
Theo đó, để nhắm đích 44 tỷ USD, Chủ tịch VITAS cho rằng, từ nay đến năm 2030, ngành dệt may sẽ chuyển dần từ trọng tâm phát triển nhanh sang trọng tâm phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn, cần chủ động nguồn nguyên liệu xanh, tái chế, tăng dần tỷ trọng sợi tái chế trong sản phẩm vải cũng như sợi hữu cơ đối với các sản phẩm mới... "Xanh hóa hiện nay được coi là mệnh lệnh, nếu không thực hiện, doanh nghiệp có thể bị loại khỏi sân chơi toàn cầu".
Nêu quan điểm, chuyên gia kinh tế TS Cấn Văn Lực cho rằng: "Để chuẩn bị cho giai đoạn thị trường phục hồi, các doanh nghiệp dệt may cần nỗ lực cắt giảm chi phí sản xuất, bằng mọi cách giữ chân lực lượng lao động. Bởi hiện nay, không chỉ giữ đơn hàng phổ thông, giá rẻ mà ngành dệt may cần hướng tới những đơn hàng may cao cấp, yêu cầu phức tạp từ các đối tác chuyển sang Việt Nam, nhờ lợi thế năng lực sản xuất, quản lý tốt. Việc này không chỉ chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi đơn hàng mà còn để khẳng định tính ổn định của nền sản xuất trong nước như một yếu tố cạnh tranh với các quốc gia khác".
Nêu kiến nghị, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội cho rằng sức ép với doanh nghiệp trong duy trì việc làm đang ngày càng tăng dù đã nỗ lực bằng mọi cách. "Chứng kiến sức khỏe của ngành hàng dệt may, tôi thấy khá báo động khi nhiều doanh nghiệp phải mạnh tay "rút ruột" tài sản rồi. Doanh nghiệp lớn có thể linh hoạt xoay sở cầm cự được, song với doanh nghiệp quy mô 500 - 1.000 lao động thì vẫn khó bám trụ", ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công, thông tin.
Để giảm thiểu khó khăn, trợ lực cho doanh nghiệp, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), kiến nghị Nhà nước sớm triển khai sớm gói 120.000 tỷ đồng lãi suất ưu đãi cho xây nhà ở xã hôi, nhà ở công nhân, qua đó ban hành các tiêu chí phù hợp để người có thu nhập thấp được thụ hưởng chính sách. Tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động, nhất là cho các ngành nghệ khó đào tạo như kỹ sư dệt, nhuộm, thiết kế, cho đổi mới công nghệ, kỹ năng xanh, kỹ năng chuyển đổi số.
Đặc biệt, đề cập đến gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng lãi suất 2% đang triển khai rất chậm tại các ngân hàng thương mại, Phó chủ tịch VITAS đề nghị Nhà nước nghiên cứu chuyển sang hỗ trợ các dự án chuyển đổi xanh để đáp ứng các quy định mới của thị trường. Đồng thời, đề nghị bỏ thuế VAT và thuế nhập khẩu chỗ cho hàng hóa sản xuất xuất khẩu quy định tại Nghị định 18/2021/NĐCP; Cho phép thương nhân nước ngoài có hiện diện hoặc không có hiện diện tại Việt Nam được áp dụng quy định xuất nhập khẩu tại chỗ.
“Giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội, sửa đổi quy định hưởng lương hưu để giảm số lao động rút bảo hiểm xã hội 1 lần, sửa đổi quy định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp để tránh lao động nhảy việc, giảm tỷ lệ doanh nghiệp đóng kinh phí công đoàn về tối đa 1% và giảm tỷ lệ nộp lên công đoàn cấp trên tối đa 15%”, Phó Chủ tịch VITAS kiến nghị.