‘Green Deal’ với dệt may, da giày: Đừng đợi đến khi khuyến nghị trở thành bắt buộc
(DNTO) - Những đơn hàng của ngành dệt may, da giày có thể sẽ mỏng dần nếu ngành gây ô nhiễm thứ 2 thế giới này không thực hiện được những ‘Green Deal’ – yêu cầu xanh từ phía đối tác.
Áp lực từ nay đến sang năm rất lớn
Takko Fashion là doanh nghiệp thời trang gần 40 tuổi, với gần 2.000 cửa hàng ở 17 quốc gia châu Âu. Doanh nghiệp đã nhiều cú bắt tay thành công với nhà cung ứng dệt may tại Việt Nam trong giai đoạn dịch bệnh, hiện mong muốn dịch chuyển hoạt động từ Trung Quốc về Việt Nam.
Quần áo thể thao, quần áo ngoài trời, áo thun, quần tây là những mặt hàng chiến lược của Takko. Nhưng theo đại diện công ty này, thời gian qua, các nhà cung ứng Việt Nam đang phải chịu cạnh tranh gay gắt với các đối thủ từ Bangladesh và Trung Quốc. Do đó, để đủ điều kiện trở thành nhà cung ứng của Tako, doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng tiêu chuẩn cao hơn về pháp lý, môi trường.
“Nếu muốn mở rộng xuất khẩu các mặt hàng này, doanh nghiệp Việt Nam phải tập trung đầu tư mạnh vào các nhà máy sản xuất, nguồn gốc chất lượng vải và giá thành”, ông Radek Sorcik, Giám đốc cấp cao Mua hàng, Quản lý chất lượng và Môi trường xã hội và Quản trị của Công ty Takko, cho biết.
Cũng theo ông Trần Ngọc Quân, Tham tán Thương mại Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, ngành da giày Việt Nam hiện đang gặp thách thức chủ yếu đến từ “Green Deal” trong kinh tế tuần hoàn với các yêu cầu như da được sử dụng vật liệu tái tạo, chất thải từ các ngành khác là nguyên liệu đầu vào để sản xuất da.
Ngoài việc đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường, ngành da giày EU quan tâm rất lớn đến CBAM – cân bằng carbon. Theo đại diện doanh nghiệp da giày EU, khâu tạo ra nhiều carbon nhất trong sản xuất da giày là từ điện (sẽ bị áp dụng thuế carbon gián tiếp từ sau năm 2023). Do vậy các doanh nghiệp da giày EU đang vận động doanh nghiệp sản xuất da giày Việt Nam có cơ chế chuyển đổi năng lượng (ví dụ lắp tấm điện mặt trời tại các nhà xưởng).
Đối với ngành dệt may, EU đang xem xét việc giới thiệu EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất), buộc cách công ty phải chịu trách nhiệm về việc xử lý, tái chế hoặc sửa chữa các sản phẩm của họ.
Ông Quân cho biết, thực ra đây không phải là quy định mới. Bộ Công thương và các Thương vụ đã rất nhiều lần đề cập đến các chuyển đổi trong dệt may. EU đề ra chiến lược cho ngành dệt may bằng hẳn một mục riêng trong kinh tế tuần hoàn, bằng các biện pháp pháp lý với dệt may.
Hiện dệt may là 1 trong 4 ngành tạo ra rác thải lớn nhất với EU. Khu vực này đang giảm tác hại của thời trang nhanh sang hàng có thể tái sử dụng, sửa chữa. Có nghĩa, đầu ra cuối cùng của các sản phẩm dệt may không phải là chôn lấp, mà là tái chế và được xử lý. Đó là lý do EU đã thông qua quy định eco-design (thiết kế sinh thái – sử dụng ít tài nguyên). Hiện các doanh nghiệp trong hiệp hội dệt may EU đang phải đầu tư rất nhiều để triển khai quy định này.
“Dệt may cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng rất lớn từ các yêu cầu về môi trường, người lao động của EU đang được nêu lên rất lớn, đặc biệt từ cuối năm nay đến đầu năm sau, khi EU tiến hành hoạt động bầu cử, các nhóm nhân quyền sẽ lợi dụng những vấn đề này để đưa ra các hoạt động tranh cử. Chính vì vậy, áp lực với ngành dệt may, da giày sẽ ngày càng tăng trong những tháng cuối năm và sang đầu năm sau”, ông Quân cho hay.
Sẽ khó xuất khẩu dưới tên của mình
Theo vị Tham tán Việt Nam tại EU, thực tế, rào cản EPR không chỉ áp dụng với một mình Việt Nam, mà áp dụng cho tất cả các nước, chính ngành dệt may EU cũng phải chuyển đổi. Đối tượng thu hồi, xử lý, thiết kế cộng các phát minh nằm ở các nhãn hiệu có nhãn mác. Có nghĩa các doanh nghiệp EU họ chịu trách nhiệm đối với hoạt động liên quan đến EPR. Hiện nay các doanh nghiệp của họ đang tốc lực chuyển đổi trong những lĩnh vực này.
“Ngành dệt may Việt Nam chủ yếu gia công cho các hãng dệt may của EU. Điều lo ngại hiện nay là với quy định EPR về sửa chữa và tái chế, hàng dệt may Việt sẽ rất khó xuất khẩu với thương hiệu của bản thân mình vào EU. Bởi để xuất khẩu thương hiệu vào EU thì doanh nghiệp phải xây dựng được chuỗi cửa hàng, chuỗi thu mua, chuỗi xử lý sản phẩm. Đó mới là vấn đề cản trở ngành dệt may của chúng ta”, ông Quân nói.
Thương vụ Việt Nam tại EU cho biết đang làm việc với Hiệp hội Dệt may và Da giày châu Âu, yêu cầu họ phải có hướng dẫn và kế hoạch hợp tác cụ thể với các đối tác tại Việt Nam. Tuy nhiên, giai đoạn này họ đang tập trung vào việc thiết kế vật liệu để đảm bảo doanh nghiệp đầu ra phải đáp ứng eco-design.
Theo vị tham tán, EVFTA là một lợi thế của Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh khi tiếp cận thị trường EU. Cơ hội từ hiệp định này rất lớn nên mỗi doanh nghiệp phải tự ý thức làm ăn bài bản, đàng hoàng để thiết lập mối quan hệ bền vững, lâu dài với phía bạn.
“EU đang ngày càng chuyển sang nền kinh tế yêu cầu cao về xanh, sạch, bền vững, tuần hoàn, ảnh hưởng rất lớn đến ngành dệt may Việt Nam. Đề nghị doanh nghiệp có kế hoạch kinh doanh thích hợp. Đừng đợi đến lúc những khuyến nghị trở thành bắt buộc thì rất bất lợi cho chúng ta”, ông Quân nhấn mạnh.