Doanh nghiệp dệt may 'vơ bèo vạt tép' từng đơn hàng để cầm cự, lỗ cũng chấp nhận
(DNTO) - Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết để giữ chân người lao động, nhiều doanh nghiệp trong ngành buộc phải nhận thêm đơn hàng không phải thế mạnh của họ.
Giảm đơn hàng, giảm cả đơn giá
“Có lẽ chưa khi nào khó khăn như vậy”, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nói về tình trạng của ngành trong Hội nghị giao ban với thương vụ Việt Nam ở nước ngoài chiều 31/7.
Ông Cẩm cho biết, ngành dệt may đã phát triển khá nóng trong thời gian qua, từ 1,69 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu năm 2001 lên 44,4 tỷ USD trong năm ngoái, tăng 22,6 lần. Tuy nhiên, bắt đầu từ quý 4 năm ngoái cho đến nay, ngành dệt may gặp rất nhiều khó khăn. Kim ngạch xuất khẩu 7 tháng của ngành chỉ đạt 22,8 tỷ USD, giảm 14,7 tỷ USD so với cùng kì năm trước.
Ngành có nhiều mặt hàng xuất khẩu, tuy nhiên thống kê của Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thống kê chỉ thống kê 2 mặt hàng chính là may mặc và vải. Ngoài ra, xơ sợi và vải không dệt cũng đạt kim ngạch 4-6 tỷ USD/năm. Tuy nhiên năm nay, tất cả các mặt hàng này đều giảm sâu tới 2 con số.
“Thực ra, tăng trưởng xuất khẩu không lo bằng hiệu quả kinh tế. Hiện nay, ngoài đơn hàng thấp, đơn hàng nhỏ giọt thì giá cả, đơn giá cũng xuống rất thấp. Nhiều doanh nghiệp phải nhận cả đơn hàng không phải thế mạnh của họ. Ví dụ đang sản xuất dệt may thì chuyển sang sản xuất dệt kim. Năng suất thấp, hiệu quả không nhiều nên rất nhiều doanh nghiệp hiện nay chủ yếu cầm cự để giữ chân người lao động, thậm chí lỗ một chút cũng phải chấp nhận. Đó là cái khó, chứ nếu chỉ nhìn tăng trưởng xuất khẩu chung thì chưa phản ánh đủ khó khăn của doanh nghiệp”, ông Cẩm nói.
Nguyên nhân do tình hình thế giới bất ổn, lạm phát tăng cao, nhu cầu sụt giảm dẫn đến hàng tồn kho cao. Theo dự báo, tổng cầu dệt may thế giới năm nay ước giảm 8-10%. Theo ông Cẩm, con số này có thể cao hơn, nên chắc chắn ngành dệt may khó khăn hết năm 2023 và kéo dài đến sang năm. Dự báo kim ngạch xuất khẩu năm nay chỉ đạt 40 tỷ USD, giảm khoảng 9-10% so với năm ngoái.
Bà Phan Thanh Xuân, Tổng Thư ký, Hiệp hội Da giầy, Túi xách Việt Nam cũng cho biết, mức độ thiếu đơn hàng của doanh nghiệp trong ngành ước khoảng 30-40%, với hàng truyền thống. Đặc biệt 2 thị trường Mỹ và EU chiếm 70% kim ngạch xuất khẩu của ngành đã giảm lần lượt 35% và 13%. Để bù đắp thiếu hụt này, cần tìm kiếm cơ hội ở thị trường khác bằng cách giải pháp xúc tiến thương mại.
“Thương vụ Việt Nam ở Chile có đưa đến một đơn hàng sản xuất cặp sách, tôi thấy hoàn toàn chúng ta có thể sản xuất được, quan trọng ở đây là thông tin. Doanh nghiệp hoàn toàn có thể sản xuất được những sản phẩm thị trường cần, nhưng do họ không đủ thông tin nên đôi khi lỡ mất cơ hội”, bà Xuân nói.
Thông tin là "vàng"
Ngành dệt may với 85% sản xuất là dành cho xuất khẩu. Tất cả những biến động của thị trường thế giới, đặc biệt những thị trường lớn là sẽ dội ngay về ngành dệt may. Với những biến động như vậy, ông Cẩm cho rằng rất cần thông tin về thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Đặc biệt với các yêu cầu mới của thị trường lớn, đại diện Hiệp hội Dệt may cho biết các doanh nghiệp trong ngành rất lo lắng. Bởi ngay cả khi chia sẻ với hiệp hội của các nước sở tại, họ cũng chưa biết triển khai như thế nào.
“Bắt đầu từ 1/11/2023, đạo luật liên quan đến sản xuất bền vững của Đức áp dụng cho 3.000 doanh nghiệp trở lên, kể cả nhà cung cấp trực tiếp và gián tiếp. Rất nhiều công ty ở Đức có khoảng 20.000 – 30.000 đầu mối cung cấp, thì kiểm tra rà soát như thế nào, các doanh nghiệp tại đó cũng rất băn khoăn. Kể cả đạo luật chống lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ, đã có hiệu lực từ tháng 6 năm ngoái, nhưng đến giờ chúng tôi cũng chưa biết sẽ như thế nào. Chúng tôi rất cần biết thông tin xem họ xử lý như thế nào, mức độ xử lý ra sao. Những thông tin kể cả thị trường tiêu thụ, kể cả đối thủ cạnh tranh là rất quý”, ông Cẩm nói.
Với việc tận dụng hiệp định như CPTPP, ông Cẩm cho biết, ngành dệt may chưa tận dụng được lợi thế từ hiệp định này. Nguyên nhân là do Hiệp định yêu cầu xuất xứ nguồn gốc từ sợi, vải, nhưng đây lại là khâu rất yếu của dệt may Việt Nam.
“Các chuyên gia của Canada khi làm việc với chúng tôi cũng mong muốn có Hiệp định riêng với nước này, để có quy định thông thoáng hơn, có thể chỉ 1-2 công đoạn thôi, không phải 3 công đoạn nữa. Hoặc đẩy nhanh tiến độ kí kết hợp định giữa ASEAN và Canada để doanh nghiệp tận dụng được ưu đãi”, ông Cẩm đề xuất.
Theo bà Phan Thanh Xuân, hiện thông tin về quy định, chính sách mới của thị trường được các thương vụ, cơ quan ban ngành đưa đến hiệp hội, doanh nghiệp khá tốt. Tuy nhiên, nên có thêm các giải pháp, khuyến nghị để doanh nghiệp có thể thay đổi thích ứng với thị trường. Về phía Việt Nam, Hiệp hội Da giày cho biết sẽ chuẩn bị danh sách các doanh nghiệp Việt Nam có năng lực, gửi cho các thương vụ ở nước ngoài, để kết nối khách hàng. Khi thương vụ có danh sách đối tác quan tâm đến ngành da giày, đề nghị gửi cho hiệp hội để kết nối với doanh nghiệp. Để hoạt động kết nối hiệu quả có thể sử dụng hệ thống internet để triển khai các hoạt động kết nối online.
“Doanh nghiệp đang rất cần đơn hàng. Có những doanh nghiệp Trung Đông cũng chủ động kết nối qua nhiều kênh nhưng doanh nghiệp Việt Nam cũng e dè về tính trung thực của các thông tin đó. Chúng tôi rất mong muốn Thương vụ cùng doanh nghiệp kiểm chứng thông tin của đối tác, để đảm bảo độ tin cậy của đơn hàng, tránh rủi ro”, bà Xuân kiến nghị.