Dệt may áp lực tứ bề
(DNTO) - Đơn hàng cho dệt may từ nay đến hết nửa năm sau không mấy khả quan, cùng với xu hướng tiêu dùng thế giới thay đổi từng ngày, đặt ra áp lực lớn với nhà sản xuất trong nước.
‘Đói’ đơn hàng kéo dài
Trong 10 tháng đầu năm, xuất khẩu các mặt hàng ngành dệt may – da giày ghi nhận mức tăng trưởng mạnh. Sản phẩm túi sách, vali, mũ, ô dù tăng 39,4%; hàng dệt và may mặc tăng 22%; giầy, dép các loại tăng 41%. Đây là mức tăng trưởng ấn tượng sau 2 năm bước qua khỏi đại dịch.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhận định, những khó khăn trước mắt vẫn còn rất lớn chủ yếu do giá xăng dầu, vật tư đầu vào, chi phí sản xuất tăng cao; tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ vẫn xảy ra ở một số trung tâm công nghiệp và một số ngành như dệt may. Trong khi đó, chất lượng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chậm được cải thiện, thiếu các dự án có quy lớn để hỗ trợ chuyển giao cho khu vực kinh tế trong nước… là những khó khăn tác động đến ngày dệt may.
Bên cạnh đó, tỷ lệ mất giá của đồng VND/USD trong xu hướng mất giá chung làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam so với các nước khác như, Indonesia, Bangladesh, Ấn Độ, Trung Quốc... “Tỷ giá USD tăng cao ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất thuộc các ngành nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu để gia công xuất khẩu, trong đó có dệt may, da giày, gây sức ép giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Không chỉ vậy, Thứ trưởng Bộ Công thương cũng thông tin, triển vọng đơn hàng của ngành dệt may từ nay đến 6 tháng đầu năm sau không mấy khả quan. Cụ thể, trong quý 4 năm nay, số lượng đơn đặt hàng thấp hơn 25-50% so với quý 2, tương đương doanh thu giảm 15-20% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do ở các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... đang gánh chịu áp lực lạm phát, cùng với lượng hàng tồn kho cao tại các hệ thống bán lẻ, được dự báo sẽ làm giảm hoạt động sản xuất và xuất khẩu.
“Chuỗi cung ứng nguyên nhiên vật liệu vẫn nguy cơ bị gián đoạn. Giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ dù đã giảm nhưng vẫn ở mức cao. Trong khi doanh nghiệp ta nhìn chung còn thiếu vốn, tiếp cận các nguồn vốn còn khó khăn nên khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất bị ảnh hưởng”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Xu hướng mới, áp lực mới
Ngoài những nguyên nhân khách quan từ kinh tế thế giới, ngành dệt may còn đối diện với áp lực từ xu hướng mới của người tiêu dùng thế giới.
Theo TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, ngay sau đại dịch Covid-19, có 2 xu hướng tiêu dùng mới xuất hiện ở EU. Một số muốn bù đắp thời gian giãn cách do dịch bệnh sẽ mua sắm nhiều hơn (tiêu dùng trả thù). Một bộ phận khác chi tiêu một cách thận trọng và chú tọng hơn tới yếu tố môi trường, trách nhiệm xã hội. Tuy nhiên, xu hướng tiêu dùng thứ hai nhiều khả năng xảy ra hơn bởi công việc của người dân EU bị ảnh hưởng, thu nhập kém đi, tiêu dùng thận trọng là điều tất yếu.
Ngoài ra, ngành dệt may, thời trang được xem là ngành gây ô nhiễm lớn thứ hai thế giới. Vì vậy, việc ra đời của các hãng thời trang nhanh, thời trang giá rẻ không chú trọng môi trường đang bị người tiêu dùng nhìn với ánh mắt khắt khe hơn và một bộ phận người tiêu dùng đang hạn chế mua những sản phẩm như vậy. Thống kê cho thấy 77% người tiêu dùng EU quan tâm đến điều kiện môi trường, 72% chú trọng đến các dịch vụ liên quan sản phẩm và 51% chú ý đến chất lượng.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng đang ngày càng chú trọng đến có việc cá nhân hóa sản phẩm thời trang. Một số người tiêu dùng đã có thể thiết kế riêng sản phẩm dệt may theo phong cách cá nhân (màu sắc, họa tiết, chất liệu, kích cỡ) và đặt hàng trực tiếp từ nhà sản xuất. Dẫn đến việc các nhà sản xuất phải tìm cách liên tục thay đổi kiểu dáng và mẫu mã sản phẩm.
“Phương thức sản xuất đại trà dần giảm về quy mô mỗi lô hàng để tránh tồn kho cao. Đây là những khuyến nghị cho nhà sản xuất dệt may cần nhanh chóng thay đổi phương thức sản xuất để bắt kịp xu hướng tiêu dùng mới. Thay vì chờ đợi những đơn hàng lớn, nên chú trọng sản xuất đơn hàng nhỏ có tính khác biệt, có thể giao hàng nhanh. Châu Âu cũng ngày càng quan tâm đến vấn đề thời trang bền vững, giảm thiểu các tác động đến môi trường và sử dụng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường, ít sử dụng hóa chất”, TS Sang khuyến nghị.
Trong bối cảnh một số thị trường lớn của Việt Nam như EU, Hoa Kỳ bị thu hẹp, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, Bộ sẽ tập trung hướng dẫn doanh nghiệp chuyển tiếp cận thị trường sang thị trường châu Á nơi ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát hơn, để không phụ thuộc vào các thị trường truyền thống.
Ngoài ra là các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu thay thế với giá cả phù hợp để đảm bảo phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng… cho mùa mua sắm cuối năm. Đồng thời, Bộ sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA ) đã ký kết để tăng tốc sản xuất, xuất khẩu.