Đừng để nói mãi câu chuyện tự chủ nguồn nguyên liệu
(DNTO) - Chậm chạp trong việc tự chủ nguyên liệu khiến nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực nhưng tỉ lệ tận dụng của các ngành hàng Việt Nam vẫn chưa cao.
Lượng nhiều nhưng giá thấp
Trong năm 2021, ngành dệt may Việt Nam xuất khẩu 40 tỷ USD. Trong đó, Tập đoàn Dệt may Việt Nam - “ông lớn” ngành dệt may trong nước cũng đạt được lợi nhuận cao nhất trong lịch sử 26 năm hình thành, với gần 1500 tỷ đồng lợi nhuận.
Trong nửa đầu năm nay, lợi nhuận Tập đoàn này đã đạt 981 tỷ và vượt kế hoạch 3%. Doanh thu xuất khẩu đạt hơn 10.000 tỷ và tăng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thế nhưng, theo ông Vương Đức Anh, Chánh Văn phòng Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam, việc tự chủ nguyên liệu trong dệt may vẫn còn rất khó khăn, mà đây lại là yếu tố quan trọng để tận dụng các ưu đãi trong FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).
Cụ thể, đối với ngành dệt may, trong CPTTP và EVFTA đều có những yêu cầu vải phải sản xuất ở trong các khu vực thuộc khuôn khổ hiệp định. Thế nhưng, dù xuất khẩu của Việt Nam tăng nhưng đều chưa tận dụng được các FTA vì vẫn chưa tuân thủ được các quy tắc xuất xứ.
“Con số thống kê, với Hiệp định EVFTA, chúng ta tận dụng siêu ưu đãi mới chỉ đạt được 15% trên tổng kim ngạch xuất khẩu EU. Còn với CPTPP, quy tắc từ sợi trở đi, gần như chúng tôi vẫn chưa tận dụng được”, ông Vương Đức Anh nói trong Tọa đàm phát triển xuất khẩu bền vững trong bối cảnh thực thi các FTA, ngày 16/8.
Khó khăn trong tự chủ nguồn nguyên liệu cũng xảy ra với ngành da giày- một ngành xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam. Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày, Túi xách Việt Nam thông tin, trước đây tỷ lệ nội địa ngành da giày Việt Nam tầm 40-45%, nay đã tăng lên 55%. Riêng đối với mặt hàng giày thể thao đã chủ động được 70-80% nguyên phụ liệu trong nước; và các thành phần sản xuất chính của giày đã được sản xuất tại Việt Nam. Ngành da giày đặt mục tiêu thời gian tới nâng dần tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu chung từ 70-80%, nhưng rất khó khăn.
“Khó khăn là về đầu tư, sản xuất nguyên phụ liệu, như mặt hàng da thuộc hàng năm phải nhập hàng tỷ USD bị các quy định ngặt nghèo liên quan đến môi trường, giống như ngành dệt may liên quan đến mặt hàng dệt nhuộm. Đây cũng chính là hạn chế để ngành da giày tăng tỷ lệ nội địa hoá trong thời gian tới”, bà Xuân cho biết.
Cần hành động cụ thể
Không tự chủ được nguồn nguyên liệu tác động rất lớn đến hàng hóa xuất khẩu Việt Nam về lâu dài. Một mặt sẽ khiến hàng Việt khó tận dụng ưu đãi từ các FTA để nâng cao chất lượng và cạnh tranh về giá, một mặt sẽ gây khó khăn cho hoạt động sản xuất khi giá nguyên, nhiên liệu thế giới biến động không ngừng, đặc biệt trong trường hợp nguồn cung bị gián đoạn bởi dịch bệnh, chiến tranh.
Ông Vương Đức Anh cũng cho biết, nếu đến năm 2025, Tập đoàn Dệt May hướng tới trở thành điểm cung ứng trọn gói từ sợi, từ vải, cho đến các sản phẩm may mặc cuối cùng cho dòng dệt kim phổ thông, các sản phẩm hướng tới là sản phẩm xanh, phù hợp với yêu cầu của các nhà bán lẻ lớn, thì lúc này, giá trị gia tăng có thể lên tới 80% (do hiện nay tập đoàn còn phải nhập khoảng 70% bông từ Mỹ, sợi, vải, dệt…). Khi đó, các quy tắc xuất xứ trong các FTA không còn là trở ngại. Tuy vậy, các doanh nghiệp cần một chiến lược cụ thể để có căn cứ hành động.
“Quyết định số 493 về Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 vẫn chưa quy định cụ thể mục tiêu mà 2 ngành dệt may và da giày cần phải hướng tới trong thời gian tới. Chúng tôi mong muốn có một chiến lược trong giai đoạn 2025 -2030 cho ngành dệt may và da giày theo định hướng của Chính phủ để 2 ngành này phát triển theo hướng nào, phát triển ở đâu, ngành dệt may Việt Nam phát triển như thế nào để duy trì tính bền vững của xuất khẩu. Lấy ví dụ như Trung Quốc, họ có mục tiêu chiến lược trong từng giai đoạn cụ thể để các doanh nghiệp bám theo và phát triển.”, ông Vương Anh nói.
Để tăng trưởng xuất khẩu theo hướng bền vững, ông Lê Quốc Phương, Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương) cho biết, điều quan trọng, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, đảm bảo thực thi làm sao để xuất khẩu tăng về chất lượng, giá trị gia tăng, tăng được tỉ lệ nội địa hoá, công nghệ cao hơn.
“Đầu tiên là phải phát triển được công nghiệp hỗ trợ để tận dụng được các ưu đãi của các FTA, để làm được điều này cần chi phí rất lớn. Về vấn đề này mặc dù chúng ta đã đưa ra kế hoạch từ lâu song chưa làm được nhiều. Thêm nữa là tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, làm sao để doanh nghiệp vươn lên ngang bằng với các doanh nghiệp FDI trong nhiều lĩnh vực. Đó là những giải pháp lớn mà nhà nước cần tập trung”, ông Phương nêu quan điểm.