Gần 99% hàng da giày xuất sang EU đang tận dụng ưu đãi thuế từ Hiệp định EVFTA
(DNTO) - Trong quý 1/2021, kim ngạch hàng da giày của Việt Nam xuất khẩu sang EU sử dụng C/O mẫu EUR.1 theo Hiệp định EVFTA đạt 1,37 tỷ USD, chiếm 98,98% tỷ lệ mặt hàng giày dép xuất khẩu sang thị trường này.
Da giày là mặt hàng xuất khẩu chủ lực số một của Việt Nam sang thị trường EU với kim ngạch xuất khẩu toàn ngành năm 2019 đạt 6,2 tỷ USD.
Theo thống kê của Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, tính từ ngày 1/8/2020 (ngày Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu EVFTA có hiệu lực) đến ngày 31/12/2020, kim ngạch hàng da giày của Việt Nam (bao gồm giày dép và các mặt hàng túi xách, ví, vali…) xuất khẩu sang EU được các cơ quan, tổ chức được cấp C/O mẫu EUR.1 theo Hiệp định EVFTA là 1,37 tỷ USD.
Trong quý 1/2021, tỷ lệ mặt hàng giày dép xuất khẩu sang thị trường EU có sử dụng C/O mẫu EUR.1 theo Hiệp định EVFTA là 98,98%, tương đương 1,17 tỷ USD.
Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp và Ý là các thị trường xuất khẩu có kim ngạch cấp C/O đối với mặt hàng da giày cao nhất. Đây đều là những thị trường nhập khẩu truyền thống của hàng da giày Việt Nam trong khối EU.
Trong quý 1/2021, Bỉ và Đức là hai thị trường có kim ngạch cấp C/O mẫu EUR.1 lớn nhất, lần lượt đạt 380 triệu USD và 207,4 triệu USD, chiếm tỷ trọng 32,4% và 17,7% trong tổng trị giá C/O cấp cho hàng da giày xuất khẩu sang thị trường EU.
Các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu sử dụng C/O cao bao gồm: túi xách có mặt ngoài bằng plastic hoặc vật liệu dệt, giày thể thao, giày dép có đế ngoài bằng cao su, plastics hoặc da và giày dép có đế ngoài và mũ bằng cao su hoặc plastic.
Cục Xuất nhập khẩu nhận định, hiện da giày là một trong những mặt hàng tận dụng tốt ưu đãi thuế quan trong Hiệp định EVFTA bằng việc đáp ứng quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa tương ứng trong Hiệp định.
Bởi so với mặt hàng dệt may cũng là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tại thị trường EU, tiêu chí xuất xứ hàng hóa đối với mặt hàng da giày trong Hiệp định EVFTA mặc dù được coi là chặt hơn so với một số hiệp định khác nhưng tương đối linh hoạt, giống với tiêu chí xuất xứ giày dép trong GSP mà các doanh nghiệp Việt Nam đã quen và tận dụng tốt.
Cùng với lộ trình cắt giảm thuế quan nhanh và sâu của EU dành cho Việt Nam trong Hiệp định EVFTA, xuất khẩu hàng da giày vào thị trường này sẽ có thêm động lực tăng trưởng trong thời gian tới. Theo Hiệp định EVFTA, 100% các dòng hàng giày dép Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này được cắt giảm thuế quan về 0% với lộ trình tối đa 7 năm.
Trong đó, hầu hết các mặt hàng giày dép được cắt giảm thuế về 0% ngay khi Hiệp định có Hiệu lực (ngoại trừ một số ít dòng cắt giảm trong 3 hoặc 5 năm hoặc dài hơn từ 3 đến 7 năm). Điều này giúp doanh nghiệp xuất khẩu da giày có thể hưởng mức thuế suất 0% (có lợi hơn so với GSP) ngay từ thời điểm Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
Tuy nhiên, Cục Xuất nhập khẩu cũng cho biết, mặc dù tiêu chí xuất xứ cho mặt hàng da giày trong Hiệp định EVFTA tương đối linh hoạt và cho phép nhập khẩu nguyên liệu ngoài khối để sản xuất hàng hóa, nhưng việc đứt gánh chuỗi cung ứng toàn cầu do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong thời gian qua cũng là hồi chuông báo động cho ngành sản xuất da giày trong nước khi phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
“Để có thể phát triển bền vững và tận dụng tối đa ưu đãi thuế quan cũng như các cơ hội từ Hiệp định EVFTA mang lại, các doanh nghiệp da giày cần phải tập trung phát triển cân bằng nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước để phục vụ sản xuất xuất khẩu trong tương lai”, Cục Xuất nhập khẩu khuyến nghị.