‘Nước đến chân’ ngành dệt may, da giày
(DNTO) - Chậm xanh hóa đã khiến ngành dệt may Việt Nam mất nhiều đơn hàng về tay các đối thủ như Bangladesh, Ấn Độ… Những kế hoạch “xanh hóa” được ngành dệt may đẩy nhanh hơn bao giờ hết, dù cần thời gian 5-10 năm nữa nhưng đây là việc buộc phải làm.
Áp lực xanh hóa
Ngành dệt may Việt Nam đã trải qua 5 tháng đầu năm “trầm lắng” với kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt khoảng 14 tỷ USD, giảm 21% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức giảm sâu nhất trong số các quốc gia xuất khẩu dệt may. Ngành da giày cũng trong tình trạng tương tự khi kim ngạch xuất khẩu giảm khoảng 14%.
Năm 2023, nhiều yếu tố bất lợi bủa vây ngành dệt may, da giày khi sức mua của nhiều thị trường chủ lực như Mỹ, EU, châu Âu… sụt giảm do bối cảnh suy thoái kinh tế, xung đột vũ trang…
Nhưng, sự sụt giảm đơn hàng của ngành dệt may, da giày, nếu chỉ do tổng cầu thế giới giảm sẽ không có gì đáng nói. Thông tin gây hoang mang là trong khi dệt may Việt Nam “lần không ra” đơn hàng, thì các căn cứ sản xuất khác như Bangladesh, Ấn Độ lại “ăn không hết”. Lợi thế cạnh tranh để các nước này “giật” đơn hàng chính là việc nhanh chóng xanh hóa.
Năm 2023, Bangladesh có tới gần 90% nhà máy đạt chuẩn LEED (tiêu chuẩn sản xuất xanh cao nhất của Mỹ) và 500 nhà máy đang nộp hồ sơ để nhận chứng nhận này. Còn Việt Nam, dù chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), chỉ khoảng dưới 10% các nhà máy đạt tiêu chuẩn LEED.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giầy - Túi xách Việt Nam, cho biết xu thế phát triển bền vững tập trung vào công nghệ xanh, kinh tế tuần hoàn đang áp dụng vào hoạt động sản xuất. Đó cũng là lợi thế cạnh tranh, không chỉ trong bối cảnh này khi kinh tế suy giảm mà trong thời gian tới, sự cạnh tranh cũng rất gay gắt.
Điểm thứ hai là hiện nay, các quốc gia sản xuất đang có sự cạnh tranh khốc liệt trong việc thu hút đơn hàng. Một trong những nhà đầu tư hiện nay họ có tâm lý phân tán rủi ro, đặc biệt sau Covid-19. Vì vậy họ sẽ đầu tư và mở nhà máy ở các nước khác như Ấn Độ, Bangladesh. Điều đó cũng khó khăn cho Việt Nam trong thu hút đơn hàng.
“Sự khó khăn có thể kéo dài đến hết quý 2, may ra 2 quý cuối năm mới thấy sự phục hồi, nhưng vẫn chưa thể đạt mức độ như năm trước đề ra. Với ngành chúng tôi có thể có mức tăng trưởng 10% theo kế hoạch đầu năm đề ra”, bà Xuân nói.
Sự ưu tiên trên bàn đàm phán
Yêu cầu xanh hóa được ví “nước đến chân” với ngành dệt may, da giày khi ngành này đối diện với tình trạng cắt đơn hàng nếu không đáp ứng tiêu chí xanh trong sản xuất.
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex cho biết dù hiện nay chưa có quy định pháp lý cụ thể về tiêu chí xanh trong các sản phẩm dệt may, nhưng một khi đã là xu thế thì các quốc gia phát triển sẽ tiến tới luật hóa. Đó là lý do cả người mua hàng và nhà sản xuất trên thế giới đều chạy đua để xanh hóa, nhằm tránh đứt gãy chuỗi cung khi khi các tiêu chuẩn xanh được luật hóa.
“Nhà cung cấp càng thoả mãn nhiều các yếu tố xanh thì càng được ưu tiên hơn. Ví dụ mặt hàng sợi nếu sử dụng năng lượng tái tạo từ 18-20% thì được ưu tiên và trở thành nhà cung cấp chủ lực”, ông Trường nêu ví dụ.
Đó là lý do trong Đại hội đồng cổ đông mới đây của Tập đoàn Dệt May Việt Nam, đề án tái cấu trúc tập đoàn giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn 2030 đã được thông qua, với mục tiêu chiến lược là xây dựng Vinatex trở thành nhà cung ứng trọn gói các sản phẩm dệt may và thời trang xanh. Đây được xem là “vũ khí” cạnh tranh mới của Vinatex trong giai đoạn bùng nổ kinh tế số, kinh tế tuần hoàn…
Về mặt đầu tư xây dựng nhà máy đạt chuẩn LEED, ông Trường cho biết đây là một tiêu chuẩn gồm rất nhiều quy định, không chỉ đảm bảo sản xuất xanh mà còn có các tiêu chí về an toàn trong sản xuất, đảm bảo sức khỏe và tâm lý cho người lao động. Điều này đặt ra bài toán cho các nhà máy khi phải cân bằng giữa khả năng tài chính, thực trạng hoạt động và chạy theo xu hướng.
Bởi nếu đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn LEED sẽ phải thay mới máy móc, dây chuyền sản xuất. Trong khi có những nhà máy mới đầu tư trong 4-5 năm trước, máy móc còn khoảng 5-7 năm nữa mới khấu hao. Hiện tại nhà máy vẫn phải duy trì hoạt động, trả lương cho lao động, không thể, không thể dừng lại hoàn toàn để thay thế theo LEED, vì vậy vẫn phải tồn tại ở trạng thái chưa đạt chuẩn này.
Vì vậy, theo Chủ tịch Vinatex, cần lộ trình 5-10 năm để dịch chuyển ngành dệt may Việt Nam. Nhưng bài toán này không chỉ lãnh đạo doanh nghiệp giải quyết được, mà cần cả cơ quan quan lý nhà nước tham gia.
“Khi doanh nghiệp sản xuất xanh, sử dụng tái chế thì sẽ tiết kiệm rất nhiều nguồn lực xử lý, chôn lấp rác thải. Trước nay chi phí này được khu vực công thực hiện, bằng cách thu tiền thuế của dân để xử lý rác thải. Nay nếu doanh nghiệp chủ động chuyển đổi thì cần cơ chế chia sẻ lợi ích cho doanh nghiệp bằng cách giảm thuế, hỗ trợ nguồn vốn để thúc đẩy chuyển đổi xanh”, ông Trường nhấn mạnh.