Doanh nghiệp dễ dàng lấy lòng khách VIP nếu có 'hộ chiếu xanh'
(DNTO) - Nhiều ngành hàng, doanh nghiệp đang chạy nước rút để đáp ứng các tiêu chí bền vững, hay còn gọi là “hộ chiếu xanh”, trong bối cảnh các thị trường như EU, Mỹ… thắt chặt các quy định nhập khẩu.
Lấy lòng khách VIP nhờ tiêu chuẩn xanh
Là ngành công nghiệp có mức độ gây ô nhiễm môi trường lớn thứ hai trên toàn cầu, do đó, dệt may là ngành buộc phải “xanh hóa”. Khi các tiêu chuẩn từ các nước nhập khẩu như Mỹ, EU…đối với ngành dệt may tăng lên đến 96 tiêu chí, các doanh nghiệp trong ngành buộc phải tìm cách chuyển mình nếu muốn tiếp tục xuất khẩu.
Bà Nguyễn Thị Liên, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quốc tế Phong Phú - PPJ (doanh nghiệp dệt may chuyên sản xuất và xuất khẩu theo phương thức ODM và FOB với hơn 30 nhà máy, chi nhánh và các công ty thành viên), cho biết nhờ nhiều năm tham gia chương trình xanh hóa ngành dệt may, biết đến các bộ chỉ số đo lường tiêu chuẩn xanh, doanh nghiệp này đã cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn xanh mà các nhà mua hàng yêu cầu.
Trước đây, để sản xuất ra một chiếc quần jean, bình quân phải tốn 42 lít nước, nhưng hiện nay, bằng công nghệ và máy móc hiện đại, việc sản xuất quần jean chỉ tốn lượng nước bằng 4% trước đây, tương đương với một ly nước.
Thống kê cho thấy, một nhà máy của PPJ sau khi áp dụng tiêu chuẩn và công nghệ xanh, lượng điện tiêu thụ giảm 15%, lượng nước giảm 30%, rác thải công nghiệp giảm 10% và có đến 50% lượng nước được tái sử dụng trong giai đoạn từ 2019 đến 2022.
Không phủ nhận chi phí đầu tư ban đầu về công nghệ và nguồn nhân lực cho sản xuất xanh là rất lớn, nhưng bà Liên cho biết, lợi ích doanh nghiệp nhận lại còn lớn hơn. Việc áp dụng các tiêu chí bền vững giúp PPJ quản lý chặt chẽ việc tiêu thụ năng lượng, gia tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Đặc biệt, khi có được “hộ chiếu xanh”, sản phẩm không chỉ đáp ứng tiêu chí của khách hàng mà còn dễ dàng “lấy lòng” các khách hàng cao cấp, từ đó cũng nhận được nhiều đơn hàng hơn.
“Mặc dù 6 tháng cuối năm, ngành dệt may Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình hình lạm phát và tồn kho cao ở thị trường Mỹ và châu Âu, PPJ cũng không ngoại lệ. Một số nhà máy sản xuất hàng denim giảm đơn hàng, chúng tôi thay đổi dòng hàng để duy trì sản xuất ổn định. Nhờ kiên trì mục tiêu ban đầu là phát triển sản phẩm xanh, nên doanh thu PPJ năm 2022 vẫn tăng trên 20%, doanh số dự kiến 420 triệu USD”, bà Liên cho biết.
Giá bán đắt hơn nhờ “hộ chiếu xanh”
Với ngành thủy sản, một trong những ngành xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam và là ngành đối diện với nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật từ các nước nhập khẩu, cũng đang trong nỗ lực đáp ứng tốt hơn các tiêu chuẩn bền vững.
“Cách đây hơn 10 năm, chúng tôi đã được Chương trình Xúc tiến Nhập khẩu Thụy Sĩ (SIPPO) tài trợ dự án tôm sinh thái hay còn gọi là tôm organic tại Cà Mau. Lúc đó, sản lượng tôm của công ty Camimex thu hoạch từ vùng nuôi và bán cho hệ thống siêu thị tại Thụy Sĩ với giá tăng hơn 20% so với sản phẩm thông thường. Sau đó, các doanh nghiệp bắt đầu quan tâm nhiều đến các chứng nhận quốc tế về sinh thái, môi trường… Các doanh nghiệp cũng quan tâm đến kinh tế tuần hoàn thông qua việc tái sử dụng các phụ phẩm như chế biến collagen từ vỏ tôm, da cá tra…”, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho biết.
Cũng theo ông Hòe, năm 2021, tổng thương mại thủy sản toàn cầu đạt mức 164 tỷ USD, gấp 3,5 lần thương mại của sản phẩm thịt bò, gấp 5 lần thương mại thịt heo và gấp 8 lần gia súc gia cầm. Xu hướng sử dụng và nuôi trồng thủy sản trên thế giới tăng nhanh. Thủy sản Việt Nam đang được quy hoạch theo mục tiêu phát triển xanh, thân thiện với môi trường, giảm khai thác, tăng nuôi trồng để bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Cụ thể, tỉnh Kiên Giang vừa được phê duyệt chủ trương phát triển thủy sản bền vững tại huyện Hòn Đất, tổng diện tích 5.500 ha thực hiện trong 3 năm (2023-2026), với tổng mức đầu tư 624 tỷ đồng. Hay tỉnh Cà Mau cũng đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản như nuôi tôm rừng, nuôi tôm lúa, đáp ứng yêu cầu kinh tế xanh cho xuất khẩu. Đây là những hướng ngành thủy sản đang tiếp cận để làm tốt hơn.
Chọn hướng đi đúng
Theo ông Clement Graf, Giám đốc toàn cầu chương trình Xúc tiến Nhập khẩu Thụy Sĩ (SIPPO), tiêu chuẩn bền vững không chỉ là xu hướng mà đang thực sự chuyển đổi thành yêu cầu và quy định.
Ví dụ trong lĩnh vực thực phẩm chế biến, các vấn đề liên quan tới bền vững, phát triển xanh rất đa dạng. Các đối tác sẽ quan tâm đến trong quá trình sản xuất và thu hoạch, doanh nghiệp có phá rừng, làm mất đa dạng sinh học hay không, có sử dụng đầu vào hóa chất nông nghiệp hay không; hay trong quá trình chế biến thì sử dụng nước, tiêu thụ năng lượng như thế nào; trong vận chuyển gây lượng khí thải nhà kính là bao nhiêu… Vì vậy, lựa chọn sản xuất bền vững là yêu cầu đặt ra với các nhà sản xuất.
“Tôi đã có một cuộc trò chuyện thú vị. Một người là nhà sản xuất gia vị và một người là nhà sản xuất ống hút gỗ, đều mong muốn xuất khẩu sang châu Âu nhưng đã có một cách tiếp cận khác nhau trong việc giải quyết các quy định liên quan đến tiêu chí bền vững. Nhà sản xuất gia vị đến hội chợ thương mại. Tại đây, họ phát hiện ra rằng phải có một số chứng nhận nhất định, nếu không họ không thể bán hàng. Họ tìm kiếm cơ hội ở hội chợ.
Người người sản xuất ống hút gỗ đã làm ngược lại. Đầu tiên cô ấy tìm đến chúng tôi để hiểu thị trường đang quan tâm đến điều gì và phát hiện ra những quy định phải tuân thủ. Từ đó, cô ấy bắt đầu thiết kế quy trình sản xuất dựa trên yêu cầu của thị trường mục tiêu. Tôi không nói cách nào tốt hơn vì chúng ta đều có thể thấy rõ, tôi chỉ muốn nhấn mạnh vai trò của các tổ chức tổ chức hỗ trợ có thể giúp nhà sản xuất hiểu về các quy định và xu hướng thị trường, từ đó giúp doanh nghiệp đưa ra sự lựa chọn”, ông Clement Graf nói.
Hiện doanh nghiệp xuất khẩu đang đối diện với 323 loại tiêu chuẩn, chứng chỉ từ các nước nhập khẩu. Đây là áp lực với các nhà sản xuất Việt Nam khi đa phần trong số họ là những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhưng đây là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước nâng chuẩn sản xuất và quản trị để cầm tấm “hộ chiếu xanh”, tự tin tiến tới cuộc chơi dài hơi tại các thị trường quốc tế.