Đằng sau hàng triệu USD đổ về Masan, Vinfast và nhiều startup
(DNTO) - Nhờ bắt sóng ESG (tiêu chuẩn bền vững), nhiều doanh nghiệp, startup vẫn có thể huy động dòng vốn khủng, bất chấp thị trường tài chính, chứng khoán hay đầu tư mạo hiểm đang khép chặt dòng vốn.
‘Trend’ ESG
Cuối tháng 10, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) thông tin về việc đã thu xếp gói tài chính lên tới 135 triệu USD cho Công ty Cổ phần Sản xuất và Kinh doanh VinFast.
Đáng chú ý, khoản tài chính này của ADB nhằm hỗ trợ chống biến đổi khí hậu, trong bối cảnh các phương tiện giao thông chiếm tới 18% lượng phát thải khí nhà kính hàng năm tại Việt Nam. Thông qua khoản hỗ trợ này, Vinfast đẩy nhanh quá trình phát triển xe điện, hỗ trợ Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Tập đoàn Masan cũng là một trong những doanh nghiệp thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nhờ chú trọng các tiêu chí phát triển bền vững. Ở mảng kinh doanh bán lẻ, Masan nỗ lực thay thế túi nylon, dây thun, màng co đóng gói bằng túi tự hủy sinh học, giấy kraft trong các hệ thống siêu thị. Trong mảng sản xuất, tập đoàn nỗ lực đầu tư hệ thống nước thải và tuân các tiêu chuẩn môi trường khắt khe. Nhờ vậy, trong năm 2021, tập đoàn này đã thu hút 2,3 tỷ USD vốn ngoại.
ESG là tiêu chuẩn bền vững gồm các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp, nhằm đo lường ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng. Các nghiên cứu đã chứng minh, những doanh nghiệp có hiệu suất ESG cao chứng minh rủi ro thấp hơn, lợi nhuận cao hơn và phục hồi tốt hơn sau khủng hoảng. Đó cũng là lý do các nhà đầu tư trên thế giới chú ý đến ESG nhiều hơn sau đại idhcj.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, giá trị các khoản vay liên quan đến ESG đã tăng hơn gấp 3 lần trong năm 2021 chiếm gần 18% nguồn tài chính nước ngoài cho các thị trường mới nổi, trừ Trung Quốc. Dữ liệu từ công ty dịch vụ tài chính Morningstar cũng cho thấy giá trị tài sản ước tính của các quỹ ESG đạt 2,7 nghìn tỷ USD vào năm 2021. Khảo sát mới đây của công ty kiểm toán PwC với 325 nhà đầu tư trên thế giới cho thấy họ coi ESG coi là ưu tiên hàng đầu trong các doanh nghiệp họ.
Trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm, hơn 75% nhà đầu tư toàn cầu chú ý các startup tập trung vào ESG. Nhờ vậy, nhiều startup “xanh” cũng dễ dàng huy động dòng tiền giữa “mùa đông” gọi vốn, như startup xe điện Dat Bike gọi được 5,3 triệu USD, startup phát triển sản phẩm vật liệu bền vững Equo gọi được 1,3 triệu USD, startup nông nghiệp bền vững Koidra huy động được 4,5 triệu USD…
Dòng vốn xanh dồi dào
Ông Jurgen Czillinsky, Chuyên gia đổi mới sáng tạo đến từ Thụy Sĩ, CEO Sowareen Group, lấy ví dụ về một trong những xu hướng dòng vốn quốc tế hiện đổ về lĩnh vực năng lượng. Bởi thế giới và châu Âu đang rất khan hiếm năng lượng. Việc các nhà đầu tư quốc tế muốn tìm kiếm là một đơn vị liên doanh từ phía Việt Nam bởi Việt Nam có thế mạnh về nguồn lực và một đất nước mới chuyển mình bước sang năng lượng tái tạo.
“Hiện nay, nếu nói đến mối quan hệ đối tác, thường câu chuyện vốn đối tác quốc tế sẽ như thế này, nếu Việt Nam bỏ ra 1 đồng, quốc tế sẽ bỏ ra 3 đồng và chắc chắn ngân hàng sẽ tài trợ thêm 6 đồng, như vậy chúng ta sẽ có 10 đồng. Toàn bộ nguồn đầu ra của năng lượng đã có khách hàng chờ sẵn, ví dụ như vậy, như thế sẽ có hiệu quả thực tế. Câu chuyện vốn của các tập đoàn đầu tư là như vậy.
Một ví dụ thực tế tại tập đoàn chúng tôi, đã có kinh nghiệm 18 năm trong lĩnh vực đầu tư công nghệ, chúng tôi tập trung vào đầu tư công nghệ hydrogen, nhiên liệu tổng hợp làm các sản phẩm xuất khẩu, khử carbon trong công nghiệp. Bây giờ những việc đưa nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam không phải một mình tập đoàn chúng tôi làm được, mà có sự liên kết hợp tác với nhau. Thế giới cũng đang trong xu hướng như vậy”, ông Jurgen Czillinsky nhấn mạnh.
Tại Việt Nam, nguồn tín dụng xanh đang mở rộng với dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt hơn 2.283 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 20% dư nợ cho vay của nền kinh tế, với hơn 1,1 triệu món vay. Dẫn đầu là ngân hàng BIDV với hơn 1.210 khách hàng, tổng số tiền 61.700 tỷ đồng, dư nợ tín dụng xanh khoảng 49.000 tỷ đồng, chiếm 3,3% tổng dư nợ của BIDV.
Ngoài nguồn vốn từ ngân hàng, thị trường trái phiếu xanh Việt Nam cũng tăng trưởng mạnh mẽ. Tổng giá trị trái phiếu xanh đạt 1,5 tỷ USD trong năm 2021, đưa Việt Nam thành thị trường phát hành nợ xanh lớn thứ 2 trong ASEAN, sau Singapore. Thương vụ nổi bật gần đây là EVNFinance phát hành 1.725 tỷ đồng trái phiếu xanh kỳ hạn 10 năm, lãi suất 6,7%/năm.
Có thể thấy, sự dịch chuyển chính sách của các quốc gia, sự gia tăng yêu cầu từ các nhà đầu tư, thay đổi trong kỳ vọng của người tiêu dùng buộc các doanh nghiệp phải cải thiện các vấn đề liên quan đến ESG. Và thực tế cũng chứng minh, các doanh nghiệp khi nắm bắt được xu hướng này và có chiến lược thay đổi nhanh chóng sẽ dễ dàng huy động vốn, bán hàng, quảng bá hình ảnh.