Phó Chủ tịch EuroCham Việt Nam: Phát triển kinh tế xanh sẽ ‘hút’ vốn FDI
(DNTO) - Ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch EuroCham Việt Nam, cho rằng Việt Nam là nơi hấp dẫn để mở rộng quy mô sản xuất của các doanh nghiệp châu Âu. Gần 90% thành viên Eurocham mong muốn, Việt Nam nên tăng cường phát triển kinh tế xanh, coi kinh tế xanh là động lực thu hút vốn FDI.
Việt Nam nằm trong ‘tầm ngắm’mở rộng quy mô sản xuất của các doanh nghiệp châu Âu
Theo ông Nguyễn Hải Minh, kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, không chỉ đối với Việt Nam mà cả các doanh nghiệp tại châu Âu cũng đang bị ảnh hưởng. Các khó khăn từ việc gián đoạn chuỗi cung ứng, diễn biến cuộc chiến Nga-Ukreina... Tuy nhiên, niềm tin của các doanh nghiệp châu Âu về môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam trong quý III/2022 vẫn duy trì mức khá.
Đặc biệt, sau hơn 2 năm kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực, bất chấp Covid-19 gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam vẫn xuất khẩu sang EU tương ứng hơn 35,1 tỷ USD và hơn 40 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ EU trị giá trên 14,6 tỷ USD và hơn 16,7 tỷ USD. 8 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu sang EU 31,9 tỷ USD, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2021, nhờ đó, xuất siêu sang thị trường này tới 21,6 tỷ USD, tăng 46,4%.
Tuy nhiên, bên cạnh các con số tích cực, Phó Chủ tịch Eurocham Việt Nam cũng cho biết vẫn còn nhiều rào cản với các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, trong đó nổi bật là các vấn đề pháp lý. Hàng hóa nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chuyên ngành vẫn còn quá nhiều, trình tự, thủ tục và phương thức kiểm tra chưa thống nhất; còn nhiều quy định chưa phù hợp, quá mức cần thiết; nguyên tắc quản lý rủi ro được áp dụng chưa đầy đủ, thực chất, dẫn đến tỷ lệ kiểm tra còn cao, tỷ lệ hàng hóa miễn kiểm tra còn hạn chế; còn tình trạng chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành...
Nói về cơ hội cho các doanh nghiệp Việt xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu, ông Nguyễn Hải Minh cho biết, ở châu Âu hiện nay có xu hướng tiêu dùng mới đó là xu hướng tiêu dùng quan tâm nhiều đến môi trường, xã hội, doanh nghiệp nhiều hơn. Đây là xu hướng mà các doanh nghiệp Việt Nam muốn tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn châu Âu cần nắm bắt.
“Một số khảo sát cho thấy 72% người dùng châu Âu quan tâm đến chất lượng dịch vụ khách sạn phẩm liên quan đến môi trường. Mặc dù các kỳ vọng về việc dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc tới Việt Nam đã không được như kỳ vọng, song Việt Nam vẫn là nơi hấp dẫn, nằm trong tầm ngắm là địa điểm để mở rộng quy mô sản xuất của các doanh nghiệp châu Âu”, ông Minh nói.
Tuy nhiên, khoảng 55% thành viên Eurocham nhận định, Việt Nam đã cải thiện đáng kể khả năng thu hút và duy trì vốn FDI. Mặc dù Việt Nam vẫn là nền kinh tế đang phát triển, nhưng Chính phủ rất nỗ lực và quyết tâm theo đuổi triển vọng kinh tế tăng trưởng xanh. Vì vậy, gần 90% thành viên Eurocham mong muốn, Việt Nam nên tăng cường phát triển kinh tế xanh, coi kinh tế xanh là động lực thu hút vốn FDI.
Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế xanh
Rõ ràng, phát triển kinh tế xanh là xu hướng tất yếu của nền kinh tế thế giới hiện tại và trong tương lai trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng tiêu cực, tài nguyên thiên nhiên bị tàn phá nghiêm trọng. Các doanh nghiệp lớn ở nhiều lĩnh vực tại Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này, và xem đây là “chìa khóa” cho chiến lược phát triển dài hạn trong tương lai..
Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), Việt Nam có rất nhiều tiềm năng về phát triển các lĩnh vực kinh tế xanh, không thâm dụng tài nguyên và lao động. Cụ thể, đánh giá về mặt bằng thì phần chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam có khả năng tham gia vào lao động chất lượng cao và đặc biệt là lao động chất xám của Việt Nam tương đối tốt so với các nước trong khu vực. Khi chuyển đổi sang kinh tế xanh đòi hỏi nguồn lực lao động, nguồn lực kĩ thuật trí tuệ thì Việt Nam có thể đáp ứng được.
Điều kiện tiếp nữa là nhu cầu của Việt Nam trong chuyển đổi từ năng lượng xanh. Thực tế là các nước trên thế giới, kể cả những quốc gia phát triển ở châu Âu hay ở Hoa Kỳ, các hiệp hội kinh doanh năng lượng của họ đều đang “nhòm ngó” vào thị trường năng lượng xanh của Việt Nam và họ cũng đã có những can thiệp về mặt các thỏa thuận quốc tế để làm sao có thể tham gia vào thị trường Việt Nam.
Thế mạnh tiếp theo là nông nghiệp, Việt Nam có thể đáp ứng nhu cầu về thị trường sản xuất, mô hình sản xuất hữu cơ, sản xuất xanh theo mô hình kinh tế tuần hoàn của các thị trường khó tính, cũng như nhu cầu ngày càng cao của người dân Việt Nam được tiếp cận, tiêu thụ những sản phẩm tiêu dùng xanh hơn, sạch hơn...