Cuộc chạy đua ‘xanh hóa’ của các doanh nghiệp
(DNTO) - Từ doanh nghiệp sản xuất truyền thống cho đến doanh nghiệp khởi nghiệp… đều đang nỗ lực thay đổi chính mình để hòa nhịp với cuộc chơi “xanh hóa” của toàn cầu.
Bùng nổ sản phẩm “xanh”
Khai màn sau 2 năm tạm hoãn bởi đại dịch, Triển lãm ô tô Việt Nam (Vietnam Motor Show 2022) trở lại. Điểm đặc biệt, 6/14 thương hiệu lớn (Mercedes, Audi, Lexus, Toyota, MG, Volvo) tham dự Triển lãm đều trình làng các các mẫu xe xanh (xe điện, hybrid).
Các hãng xe trên thế giới đang đứng trước cuộc chạy đua: hoặc là xanh hóa, hoặc là bị tụt hậu. Bởi phương tiện giao thông đường bộ chiếm tới 17% lượng phát thải CO2 toàn cầu, đặt ra áp lực cho các nhà sản xuất ô tô là phải nỗ lực tìm kiếm các giải pháp hạn chế phát thải từ phương tiện bằng việc sản xuất xanh.
Nhiều nhà sản xuất lớn trong nước cũng đang tăng tốc trong cuộc đua xanh hóa. Hai “ông lớn” trong ngành sữa là Tập đoàn TH và Vinamilk giờ đây không chỉ cạnh tranh về chất lượng, giá cả, mà còn ganh đua về phát triển bền vững.
Nếu như TH xây dựng trang trại chuyển đổi đồng cỏ, đàn bò sang chăn nuôi organic (hữu cơ), cũng như sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất; thì Vinamilk cũng có hệ thống các trang trại sinh thái Vinamilk Green Farm để thực hiện chiến lược “Nông nghiệp tái sinh, Kinh tế tuần hoàn, Phúc lợi động vật, Năng lượng tái tạo”.
Ngành dệt may cũng đang nỗ lực xanh hóa bằng việc thay thế lò hơi đốt than, đốt dầu bằng lò hơi điện, lắp đặt điện mặt trời áp mái, tái sử dụng nước thải…Các ngành sản xuất khác cũng đang nỗ lực tạo ra các sản phẩm, dịch vụ xanh để thu hút người dùng.
Một nghiên cứu cho thấy, kinh tế tuần hoàn 4,5 nghìn tỷ USD cho kinh tế thế giới tới năm 2030. Khi phát triển kinh tế tuần hoàn, với mục tiêu kéo dài tuổi thọ vật chất, giảm tác động đến môi trường đang trở thành xu hướng của mọi quốc gia, một số ngành được đánh giá là có cơ hội lớn trong nền kinh tế này như nông nghiệp, thời trang và dệt may, xây dựng, năng lượng, hóa chất, điện tử và công nghệ cao.
Ông Đặng Bùi Khuê, Giám đốc Đào tạo Bureau Veritas Việt Nam (Tập đoàn Pháp về tư vấn kiểm định chất lượng hàng hóa xuất khẩu có mặt 150 quốc gia) cho biết, Việt Nam hiện đang là quốc gia có nguồn phát sinh rác thải nhựa lớn nhất thế giới. Vì vậy, ngành công nghiệp trong tương lai phải hướng tới tuần hoàn, bằng việc tối ưu hóa sử dụng tài nguyên, tăng cường sử dụng sản phẩm địa phương, cải thiện tính cạnh tranh công nghiệp và giảm thiểu tác động đến môi trường.
“Trong môi trường chuyển đổi xanh ngày càng mạnh mẽ, các mô hình sáng tạo khởi nghiệp càng cần có những định hình, chuyển đổi phù hợp trong bối cảnh mới, nhằm tăng cường sự tham gia của cộng đồng”, ông Khuê nhấn mạnh.
Tuy vậy, để sản xuất xanh không đơn giản vì doanh nghiệp sẽ đối diện với áp lực tài chính khá lớn. Ông Đặng Bùi Khuê nêu ví dụ tại thị trường EU, nơi cam kết giảm 50% khí nhà kính và năm 2050 trung hòa CO2 và năm 2100 tiến tới Net Zero. Khi EU ra cơ chế điều chỉnh biên giới CO2, họ yêu cầu quốc gia ngoài biên giới muốn bán hàng vào EU phải chứng minh có phương pháp giảm thiểu CO2.
“Hiện EU có sàn giao dịch trao đổi tín chỉ CO2. Các doanh nghiệp Việt Nam nếu bán hàng sang EU năm 2026 phải áp dụng cơ chế này, nếu không thì phải đối mặt với việc mua tín chỉ CO2. Đây là thách thức rất lớn vì chi phí mua tín chỉ CO2 là một trong số những đầu vào cần phải cân nhắc”, ông Khuê cho biết.
Gắn trách nhiệm cả nhà sản xuất và người tiêu dùng
Đưa khuyến nghị về việc thúc đẩy sản xuất xanh, bà Emmanuelle Ledoux, Tổng Giám đốc Viện Kinh tế tuần hoàn Quốc gia Pháp cho biết, chất thải nhựa là vấn đề nóng toàn cầu nhưng mỗi quốc gia có cách giải quyết khác nhau. Và Pháp đang xử lý vấn đè này bằng cách áp dụng đổi mới sáng tạo trong nhiều năm nay.
Cụ thể, tại Pháp, gắn trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, tức nhà sản xuất phải có trách nhiệm tái chế các sản phẩm họ đã sản xuất ra sau khi sử dụng. Nhà sản xuất sẽ phải chịu chi phí nhưng cuối cùng vẫn là người tiêu dùng vì sẽ có thuế sinh thái đánh vào sản phẩm. Thuế này sẽ được niêm yết trên giá sản phẩm, dùng để tái chế sản phẩm.
“Ban đầu, các nhà sản xuất không thích điều này, vì họ thêm việc. Nhưng khi tổ chức được thành cả dây chuyền thì họ cũng có cái nhìn tổng thể. Chúng tôi cũng đơn giản hơn, quy việc tái chế sản phẩm vào một đầu mối, tức vào đúng những người đã làm ra sản phẩm. Nhưng từ ý tưởng sang thực tế không phải đơn giản. Tái cơ cấu ngành công nghiệp đồng nghĩa với việc xây dựng các nhà máy, đặc biệt các nhà máy tái chế rác thải, không phải mọi người dân đều thích đều này. Cho nên tất cả mọi người nhất trí tới triển khai thực tế cần quá trình”, bà Emmanuelle Ledoux nêu ví dụ.
Liên quan tới chuyện tái chế rác thải, theo bà Emmanuelle Ledoux, phải quay về nguồn rác thải. Ở Pháp, các hộ gia đình đã thực hiện phân loại rác thải, nhưng cũng chưa tốt. Cần đặt ra câu hỏi người tiêu dùng có cần các sản phẩm sinh thái hay không.
“Ở Pháp có startup tuân thủ tốt tiêu chuẩn sản xuất xanh, về việc sản xuất bột giặt, bao bì có thể tái chế, nhưng câu hỏi đặt ra là người tiêu dùng có cần bột giặt đó không. Đó là câu hỏi mà các nhà sản xuất cần đặt ra khi có ý tưởng sản xuất sản phẩm xanh. Ngoài ra, cần phải quá trình thay đổi nhận thức của người tiêu dùng. Ở Pháp, 88% người sử dụng điện thoại sẵn sàng mua điện thoại mới dù điện thoại cũ vẫn sử dụng được. Tôi nghĩ ở Việt Nam cũng vậy”, bà Emmanuelle Ledoux nhấn mạnh.