‘Bỏ túi’ hàng trăm tỷ USD nhờ công nghiệp khí xanh
(DNTO) - Các nền kinh tế trên thế giới, trong đó có Việt Nam đang nỗ lực để chuyển đổi sang sử dụng các loại khí xanh để hướng tới mục tiêu trung hòa carbon.
Vì sao hydrogen xanh quan trọng?
Một nghiên cứu của tổ chức DNV đã chỉ ra rằng, việc sử dụng hydrogen và các khí xanh khác sẽ tiết kiệm cho châu Âu 130 tỷ euro mỗi năm vào năm 2050. Cùng với đó, theo Navigant, việc sản xuất 1.710 TWh/năm hydrogen xanh sẽ tạo ra khoảng 1 triệu việc làm ở châu Âu vào năm 2050.
Hydrogen xanh là một nguồn nhiên liệu sạch được sản xuất từ công nghệ điện phân nước sử dụng năng lượng tái tạo, sẽ góp phần hướng đến mục tiêu giảm phát thải, tiết kiệm tài nguyên và phát triển kinh tế. Tại nhiều quốc gia, hydrogen là nguồn năng lượng dự trữ theo mùa vì điện không đáp ứng đủ nhu cầu sưởi ấm. Dự trữ hydrogen và phân phối trong đường ống khí đốt giúp giảm chi phí gia cố lưới điện tốn kém.
Hiện nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đã công bố chiến lược phát triển hydrogen xanh với mục tiêu cụ thể trong trung và dài hạn nhằm giảm phát thải. Còn tại châu Âu, thị trường hydrogen đang được hình thành. Đây cũng được coi là nguồn nhiên liệu ưu tiên phát triển để đưa phát thải carbon về 0.
Ở Việt Nam, theo TS Trần Khánh Việt Dũng, đại diện Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIETSE), trong bối cảnh nước ta cũng đang đặt mục tiêu Net Zero vào năm 2050, sản xuất hydrogen xanh nội địa được xem là một trong những giải pháp quan trọng của quá trình chuyển dịch năng lượng.
“Phát triển hydrogen xanh góp phần đa dạng hóa nguồn năng lượng, gia tăng độ linh hoạt của hệ thống điện, cung cấp nhiên liệu sạch trong sản xuất công nghiệp và vận tải”, TS Khánh nói.
Việt Nam cần tăng tốc
Ở nước ta, hydrogen hiện là nhiên liệu đầu vào cho các ngành như lọc dầu, hóa chất, sản xuất phân đạm và gang thép. Cụ thể, sản xuất phân đạm sử dụng khoảng 316.000 tấn hydrogen, nhà máy lọc dầu Dung Quất tiêu thụ 39.000 tấn và Nghi Sơn là 139.000 tấn/năm, theo Viện Nghiên cứu Dầu khí.
Vào năm 2050, mỗi năm Việt Nam sẽ có nhu cầu lớn về hydrogen sạch, khoảng 58,3 triệu tấn (kịch bản chính sách hiện hành); 4,4 triệu tấn (kịch bản độ trễ công nghệ) và 9,17 triệu tấn (kịch bản tăng tốc), theo VIETSE.
Hiện đã có những chính sách được ban hành để phát triển hydrogen, tuy vậy, theo TS Nguyễn Hữu Lương, Viện Dầu khí Việt Nam, nhu cầu hydrogen trong kịch bản chính sách hiện hành cao hơn khả năng cung ứng được đưa ra trong dự thảo Quy hoạch năng lượng quốc gia. Với nguồn sản xuất trong nước, hydrogen xám và lam được sản xuất ngay tại các nhà máy bằng công nghệ nhiệt hóa nguồn khí tự nhiên. Trong ngắn và trung hạn, Việt Nam vẫn có đủ nguồn khí tự nhiên để sản xuất hydrogen xám và lam, nhưng trong dài hạn thì nguồn cung sẽ khó khăn.
“Sản lượng khí từ các mỏ đang giảm dần và dự kiến sẽ suy kiệt sau năm 2035, dù nguồn hydrogen lam sẽ được bổ sung khi các dự án LNG đi vào hoạt động thị trường năng lượng bất ổn, giá cao đang là trở ngại lớn”, TS Nguyễn Hữu Lương, Viện Dầu khí Việt Nam cho biết.
Để hiện thúc đẩy phát triển hydrogen xanh đến năm 2030, theo các chuyên gia, nguồn khí này nên được ưu tiên sử dụng trong các ngành sản xuất công nghiệp (thép, xi măng, phân đạm, lọc dầu,), ngành giao thông, ngành năng lượng và xuất khẩu.
Muốn vậy, Việt Nam cần xây dựng các chính sách, quy định, hướng dẫn cho phát triển sản xuất, sử dụng hydrogen xanh; phát triển cơ sở hạ tầng và chuỗi cung ứng; cũng như xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn về an toàn trong sản xuất, lưu trữ và vận chuyển hydrogen. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu thí điểm nghiên cứu ứng dụng công nghệ và các giải pháp nhằm hình thành chuỗi cung ứng hydrogen xanh hoàn chỉnh cho quốc gia.