Năng lượng sạch và xanh, mỏ tiền của các tỷ phú Trung Quốc
(DNTO) - Danh sách 100 doanh nhân giàu nhất Trung Quốc năm 2021 của Forbes vừa mới được công bố. Hơn 1/4 số thành viên của bảng phong thần này đã thành công ở các lĩnh vực đi đầu trong việc chống biến đổi khí hậu, cụ thể là đầu tư vào năng lượng sạch, tăng 1/8 so với con số năm ngoái
Hội nghị về tình trạng nóng lên toàn cầu của LHQ COP26 tại Glasgow vừa qua đã thu hút sự chú ý của các chính trị gia, nhà hoạt động và giới truyền thông trên thế giới. Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đưa ra công ước chung về các biện pháp giảm phát thải khí mêtan, khử cacbon và các khuôn khổ pháp lý để giảm khí nhà kính.
Năng lượng sạch đang là câu chuyện lớn của năm, trong đó 8/10 ngành tăng trưởng nhanh nhất đều liên quan đến lĩnh vực này và chính những doanh nhân Trung Quốc là nhóm nhà đầu tư thức thời. 60 tên tuổi tài phiệt từ các công ty năng lượng xanh hoặc doanh nghiệp chuyên phát triển phương tiện đi lại sử dụng năng lượng mới (NEV) đã được đứng vào hàng ngũ những người giàu nhất Trung Quốc, con số này cao hơn đáng kể so với số lượng 50 vào năm ngoái.
Thật ra lâu nay đã có nhiều doanh nhân Trung Quốc đưa yếu tố làm chậm biến đổi khí hậu vào kế hoạch kinh tài của mình. Điều đó dẫn đến một hiện thực, nhóm tỷ phú công nghệ xanh là những người nổi bật trong Danh sách 100 doanh nhân giàu nhất Trung Quốc năm 2021 của Forbes mới được công bố vào đầu tháng 11. Hơn 1/4 số thành viên ấy đã thành công trong các ngành đi đầu trong việc chống biến đổi khí hậu, tăng so với con số khoảng 1/8 năm ngoái.
Nỗ lực giảm khí thải của Trung Quốc đã được chứng thực. Theo số liệu của hãng thống kê Statista, bản thân quốc gia này đã có thị trường ô-tô điện lớn nhất thế giới và họ tự hào với doanh số 1,3 triệu xe EV vào năm 2020, dẫn vị trí số 1 toàn cầu. Thị phần xe bốn bánh “xanh” ở đây đã tăng từ 6% năm ngoái lên 19% vào tháng trước. Quốc gia này cũng đang là một trong những nhà cung cấp thiết bị lớn nhất cho quy trình sản xuất pin lithium dùng ở xe điện. Còn trong lĩnh vực năng lượng mặt trời, Trung Quốc sản xuất hơn 70% pin và mô-đun toàn cầu.
Cụ thể với những con số, là cổ phiếu nhà sản xuất xe điện BYD được tỷ phú Warren Buffett hỗ trợ đã tăng gấp đôi giá trị, đem về thêm 12 tỷ đô-la cho tài sản của ông chủ Wang Chuanfu, giúp nhà sáng lập này nâng 24 bậc trong danh sách tỷ phú của Forbes với tài sản trị giá 23,5 tỷ USD. Còn nhờ sản xuất pin lithium cho các loại xe EV mà ông trùm He Xiaopeng lần đầu tiên lọt vào top 100 ở vị trí thứ 76 với khối tài sản trị giá 7,46 tỷ USD.
Bốn thành viên khác trong danh sách các doanh nhân Trung Quốc cùng “hốt tiền” một lúc nhờ bắt tay nhau đầu tư công nghệ xanh, bao gồm trước tiên là Robin Zeng – gia tài 50,8 tỷ USD - với tập đoàn Contemporary Amperex Technology (CATL), nhà cung cấp pin xe điện lớn nhất thế giới cho các khách hàng như BMW và Volkswagen. Thứ đến là ba cái tên cũng thuộc CATL là Huang Shilin (22,9 tỷ USD), Pei Zhenhua (14,7 tỷ USD) và Li Ping (10,2 tỷ USD).
Hiện Trung Quốc đang đặt mục tiêu tăng sử dụng năng lượng tái sinh trong những thập kỷ tới bằng nhiều biện pháp để giảm tối đa khí thải các-bon vào năm 2030, cũng như zero CO 2 trước 2060. Lộ trình mà phía quốc gia này vừa công bố bao gồm nỗ lực tăng tỷ lệ nhiên liệu không hóa thạch trong tổng nhiên liệu tiêu thụ của đất nước lên mức khoảng 20% vào năm 2025, để dần tiến đến mức 80% vào năm 2060.