Các tỷ phú công nghệ giải bài toán biến đổi khí hậu mỗi người một hướng
(DNTO) - Ba tỷ phú công nghệ giàu nhất thế giới Elon Musk, Jeff Bezos và Bill Gates đều đang cố gắng phát triển các công nghệ mới, kỳ vọng giảm được lượng khí thải carbon dioxide trên thế giới. Tuy nhiên, liệu họ có cần phải tìm cho được tiếng nói chung?
Hầu hết mọi người đều biết kiến thức đơn giản về thiên nhiên: cây cối là một trong những cỗ máy hấp thu carbon hiệu quả nhất trên trái đất. Thế mà mục tiêu trồng rừng lại thường nằm áp chót trong chương trình nghị sự của các tỷ phú công nghệ khi tọa đàm về biến đổi khí hậu, dù chủ đề này luôn được các tên tuổi cự phú như Elon Musk, Jeff Bezos và Bill Gates đề cao. Trái khoáy ấy khiến người ta nghi ngại liệu họ có đang tập trung nỗ lực vào đúng lĩnh vực hay không.
Xét rộng ra, ba tỷ phú công nghệ giàu nhất hành tinh này đều đang cố gắng phát triển các công nghệ mới có khả năng giảm lượng khí thải carbon dioxide trên thế giới. Musk chủ yếu tập trung vào việc tài trợ cho các kỹ thuật mới hấp thu carbon; Gates đặc biệt lạc quan về năng lượng hạt nhân; còn Bezos tạo ra cả một quỹ Bezos Earth chuyên hỗ trợ các hoạt động phi lợi nhuận trong cuộc khủng hoảng khí hậu. Tất cả họ đều tin, công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, và cả ba cũng đang cố gắng hết sức để vượt qua các giới hạn kỹ thuật liên quan đến khía cạnh này.
Christian Kroll, người sáng lập và Giám đốc điều hành của công cụ tìm kiếm Ecosia, nhận định, sẽ khó có công nghệ nào hiệu quả bằng trồng rừng, vì nhờ đó con người nhận được rất nhiều thứ miễn phí. Khi tập trung phát triển cây cối thiên nhiên, nhân loại có đất đai màu mỡ, chống được cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học, tối ưu hóa chu trình nước nên ít bị hạn hán và lũ lụt hơn. Ecosia coi việc trồng cây là một phần quan trọng trong bản sắc của công ty, nên đã hợp tác với hơn 60 tổ chức trồng được hơn 123 triệu cây.
Mọi người đều biết cây cối là một trong những cỗ máy hấp thụ carbon hiệu quả nhất trên trái đất. Chúng loại bỏ carbon dioxide khỏi khí quyển thông qua một phản ứng hóa học được gọi là quang hợp, quá trình biến khí thành năng lượng giúp cây cối phát triển. Điển hình trên một mẫu Anh, giống cây hoàng hậu có thể hấp thụ đến khoảng 103 tấn carbon mỗi năm.
Theo Project Drawdown, một tổ chức phi lợi nhuận về môi trường, 12/20 giải pháp khí hậu hàng đầu hiện nay đều liên quan đến nông nghiệp hoặc rừng. Ngay cả Hoàng tử William của Anh cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc đầu tư vào thiên nhiên để giải quyết biến đổi khí hậu và bảo vệ hành tinh cho nhiều thế hệ mai sau...
Không thể phủ nhận sự quan tâm của các tỷ phú công nghệ về vấn đề biến đổi khí hậu, dù họ đặt nhẹ việc trồng rừng. Thật ra, gián tiếp hay trực tiếp cả ba cũng đồng quan điểm với sự hấp thụ khí thải hiệu quả của cây cối, nhưng bắt tay vào làm họ lại để cho người khác, có chăng họ chỉ đổ tiền hỗ trợ từ xa.
Cứ thử so sánh, CEO Tesla, Elon Musk chỉ chi 1 triệu USD cho cây cối vào năm 2019 nhưng lại cam kết đầu tư 100 triệu USD vào các công nghệ mới thu giữ carbon trước khi nó được thải ra từ các nhà máy. Còn Bill Gates, tuy hiện là chủ sở hữu đất nông nghiệp lớn nhất ở Hoa Kỳ, lại lập luận, chiến lược tái trồng rừng hiệu quả nhất là ngừng chặt phá quá nhiều cây mà chúng ta đã có. Ông cho rằng năng lượng hạt nhân là tương lai giải quyết biến đổi khí hậu nên năm 2008 đã cho ra đời TerraPower. Riêng Bezos Earth Fund cũng đã cấp các khoản tài trợ, dù không nhiều, cho một số tổ chức tập trung vào việc trồng lại rừng bao gồm Dự án trồng rừng Eden, Bảo tồn thiên nhiên và Hội đồng bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Chí ít những vị tỷ phú công nghệ này cũng đủ chuẩn nếu xét theo câu nói của một nhà môi trường “chỉ nên xếp vào hàng tỷ phú những ai loại bỏ được một tỷ tấn CO² khỏi bầu khí quyển”!