Chú trọng ESG, 'đòn bẩy' nâng cao giá trị doanh nghiệp
(DNTO) - Nhiều CEO cho biết, doanh nghiệp khó thực hiện các cam kết về chính sách ESG bởi các lý do như còn phải trả tiền cho nhân viên, cho cổ đông… Tuy nhiên, chính họ lại không biết đang bỏ lỡ đòn bẩy giá trị quan trọng cho doanh nghiệp, bà Ng Jiak See, Phó tổng giám đốc của Deloite cho biết.
Chia sẻ tại Diễn đàn Nhịp cầu Asean++, Kết nối để phát triển bền vững, do Sở Công thương TP.HCM và Hội Nữ doanh nhân TP.HCM (HAWEE) phối hợp tổ chức, bà Ng Jiak See chỉ ra bốn xu hướng thúc đẩy tăng trưởng và đầu tư tại khu vực, bao gồm sự dịch chuyển địa chính trị; tiến bộ công nghệ; nhân khẩu học đang thay đổi và đặc biệt là việc thực hiện cam kết về ESG, chú trọng đến ba lĩnh vực quan trọng: môi trường (Environmental), xã hội (Social) và quản trị (Governance)
Theo bà Jiak See, để doanh nghiệp có thể khai phá giá trị với các khoản đầu tư bền vững thì nên xem ESG là đòn bẩy giá trị quan trọng.
Dẫn chứng từ Deloite cho biết, cổ phiếu các doanh nghiệp ESG đã đạt hiệu quả vượt trội hơn thị trường chung tới 88%, các doanh nghiệp có thể tăng trưởng 20%, trong khi đó với các quỹ đầu tư tập trung vào ESG, tài sản đã vượt mức hơn 1 nghìn tỷ đô l; năm 2015, con số này mới chỉ dừng ở 590 triệu đô la.
Tuy nhiên theo bà Jiak See, hiện nhiều tổ chức đang không hiểu đúng về vấn đề này. "Tôi đã hỏi các CEO là cái gì đã ngăn các bạn hành động theo các nguyên tắc ESG, 35% nói rằng rất khó để chuyển các yêu cầu của ESG thành hành động, rằng phải có mục tiêu trả tiền cho nhân viên, trách nhiệm cổ đông… Theo tôi, đó là sự né tránh hành động hơn là lý do thực tế", bà cho biết.
Hiện tại ở Việt Nam, đầu tư xanh đang được đẩy mạnh. Chính phủ đã có ưu tiên dành cho phát triển xanh và bắt đầu có sự hưởng ứng của nhiều doanh nghiệp. Nhiều công ty đứng đầu sẽ tạo ra chuỗi giá trị hàm lượng carbon thấp trong khi một doanh nghiệp lẻ tẻ thì không thể làm được. Vai trò của người lãnh đạo cũng rất lớn trong việc đưa ra các chính sách hành động nhằm thu hút sự quan tâm từ các cấp lãnh đạo đến nhân viên.
"Kinh tế xanh sẽ là hướng đi mà ta cần kiên định. Đó là tương lai, là gắn kết để các doanh nghiệp ASEAN đi xa hơn nữa", bà nhận định.
Tại ASEAN, đầu tư liên tục vào phát triển bền vững đang góp phần tạo nên vòng tuần hoàn tích cực, bao gồm 6 nhân tố: từ nguồn tài chính bền vững hỗ trợ cải thiện cơ sở hạ tầng đến khai thác tài sản bền vững, chuyển đổi nền kinh tế phát thải thấp, từ đó tăng niềm tin cho nhà đầu tư vào các khoản đầu tư bền vững, sau đó là các nhà đầu tư nói chung. Và điểm đến cuối cùng sẽ là các dự án hạ tầng bền vững với cơ hội tiếp cận được nhiều nguồn vốn hơn.
Theo báo cáo Bước ngoặt Đông Nam Á (Turning Point) của Deloitte, khu vực ASEAN đang ở trong thời điểm có tính quyết định, hoặc để tình trạng biến đổi khí hậu không gây thiệt hại cho nền kinh tế khu vực lên đến 28 nghìn tỷ USD (tính theo giá trị hiện tại) trong vòng 50 năm tới, hoặc chung tay hành động ngay hôm nay hướng đến một nền kinh tế phát thải thấp và hưởng lợi 12,5 nghìn tỷ đô la (tính theo giá trị hiện tại) tính đến năm 2070. Điều này đủ thấy ASEAN cần hành động ngay bây giờ trước khi quá muộn.