'Bắt tay' cùng giải bài toán phát triển kinh tế bền vững
(DNTO) - Phát triển kinh tế nhanh, bền vững, đồng thời chú trọng đến biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường là những mục tiêu mà TP.HCM chú trọng hướng tới. Tuy nhiên để tạo nên mục tiêu đó, cần phải có sự chung tay không chỉ từ các doanh nghiệp trong nước, mà còn cần sự kết nối từ các nước trong khu vực ASEAN.
Kiên định với mục tiêu "Kinh tế xanh"
TP.HCM đang trong quá trình phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19. Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm nay cả thành phố ghi nhận chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 14,5%, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 23%, kim ngạch xuất khẩu tăng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đó là những thành quả đáng ghi nhận cả thành phố sau thời gian dài bị tổn thương do đại dịch. Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều vấn đề được đặt ra như sự đứt gãy của chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng và đặc biệt là các kết nối giao thương với các nước bạn trong khu vực ASEAN, yếu tố quan trọng góp phần tạo nên đột phá nền kinh tế.
Phát biểu tại Diễn đàn Nhịp cầu Asean++, “Kết nối để phát triển bền vững” do Sở Công thương TP.HCM và Hội Nữ Doanh Nhân TP.HCM (HAWEE) phối hợp tổ chức diễn ra vào hôm nay (ngày 9/9), bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, các quốc gia trong khu vực ASEAN++ hiện đang chiếm 26% kim ngạch xuất khẩu và 44% kim ngạch nhập khẩu của TP.HCM.
"Việc tăng cường hợp tác, thúc đẩy hoạt động giao lưu kinh tế giữa các doanh nghiệp trong khu vực có ý nghĩa thiết thực, góp phần thực hiện hiệu quả chiến lược hội nhập quốc tế của thành phố nói riêng và Việt Nam nói chung", bà Phan Thị Thắng khẳng định.
Bà cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của việc phát triển kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, một xu thế tất yếu của thời đại, được đồng thuận toàn cầu.
"Với vị trí là trung tâm kinh tế của cả nước, trước xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và những tác động tích cực mà nó mang lại, TP.HCM cần tập trung và chủ động thực hiện các giải pháp để phát triển mô hình kinh tế này", bà kỳ vọng "diễn đàn sẽ đưa ra các ý tưởng, đề xuất, khuyến nghị thiết thực cho thành phố".
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương, đại diện của Ban tổ chức diễn đàn, TP.HCM luôn tìm mọi cơ hội để phát triển mạnh mẽ sau đại dịch, do đó ông mong muốn diễn đàn sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, nâng cao sự hợp tác phát triển kinh tế giữa thành phố và các nước trong khối Asia và nhiều nước khác.
"Quan trọng là làm sao có thể gia tăng nhu cầu, hiểu biết về xuất khẩu, nhập khẩu của các doanh nghiệp, hướng đến mục tiêu đưa xuất khẩu tăng trưởng 2 con số trong thời gian tới", ông cho biết.
Mặc dù vậy, phát triển kinh tế nhanh, bền vững phải chú trọng đến biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, làm sao phát huy được nguồn lực nhưng phải bảo vệ môi trường, đây là mục tiêu xuyên suốt của TP.HCM, ông Bùi Tá Hoàng Vũ nhấn mạnh.
"Muốn đi xa hãy đi cùng nhau"
Phát biểu tại Diễn đàn Kết nối để phát triển bền vững, bà Cao Ngọc Dung-Chủ tịch Hawee, Chủ tịch HĐQT Công ty PNJ đặt vấn đề, sau đại dịch chính là cơ hội để các doanh nghiệp tái cấu trúc, kết nối nội tại, tự nối liền các đứt gãy trong chính chuỗi giá trị của doanh nghiệp nhằm đảm bảo công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động và đáp ứng phần nào nguồn cung trong và ngoài nước.
Do đó, hiện tại chính thời điểm cần đẩy mạnh cho sự “kết nối và hợp tác” để có thể tận dụng được các ưu thế của nhau như: kinh nghiệm, thương hiệu, sản phẩm, thậm chí nguồn khách hàng để cùng nhau phát triển.
"Tuy nhiên, vấn đề tiếp theo được cộng đồng doanh nghiệp đặt ra là “kết nối ra sao?” và “dựa trên tiêu chí gì để mang đến hiệu quả tốt nhất?”, bà Dung nêu vấn đề.
Bà đặc biệt nhấn mạnh việc cần thiết phải tìm cách mở rộng thị trường khu vực và quốc tế với các doanh nghiệp của TP.HCM nói riêng và các doanh nghiệp trên cả nước nói chung. Phát triển kinh tế phải gắn với phát triển bền vững, một hướng đi chắc chắn và lâu dài, đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ trong cộng đồng doanh nghiệp
"Để đạt được các chỉ tiêu phát triển bền vững, các doanh nghiệp cần có sự xuyên suốt về phát triển bền vững trong chuỗi cung ứng. Do vậy việc kết nối cộng đồng doanh nhân, nâng cao nhận thức, kiến thức để cùng nhau phát triển bền vững là điều cần thiết", bà Dung nhận định.
Và trong hành trình ấy, "Muốn đi nhanh thì đi một mình và muốn đi xa thì đi cùng nhau", một doanh nghiệp không thể phát triển bền vững khi đứng riêng lẻ một mình.