Nhà sản xuất ‘đau đầu’ đảm bảo chuỗi cung ứng ‘sạch’ cho Hoa Kỳ
(DNTO) - Các nhà xuất khẩu Việt Nam đang chịu áp lực lớn trước yêu cầu ngày càng cao của Hoa Kỳ về vấn đề lao động, môi trường cũng như phòng vệ thương mại. Nhưng đây là cơ hội để Việt Nam cải thiện nền sản xuất để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các bạn hàng lớn.
Ngành dệt may – câu chuyện điển hình
9 tháng đầu năm, xuất của ngành dệt may đạt 35,21 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ. Bà Đỗ Phạm Ngọc Tú, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA) cho biết, toàn ngành tăng trưởng đều ở các phân đoạn dệt vải và may, nhưng sản xuất sợi thì kém hơn do bị ảnh hưởng bởi sự khủng hoảng giá bông, sự rớt giá sợi và sức mua giảm từ các nhà máy dệt vải toàn cầu… trong thời gian gần đây.
Trong khi đó, đặc thù chuỗi cung ứng dệt may là trải qua nhiều công đoạn sản xuất ở các quốc gia khác nhau. Chuỗi giá trị dệt may toàn cầu được chia thành 5 giai đoạn cơ bản, gồm sản xuất nguyên liệu thô (bông, xơ); sản xuất hàng hóa trung gian (dệt sợi, vải, nhuộm và hoàn tất vải); thiết kế và may mặc; xuất khẩu; tiếp thị, phân phối và bán lẻ. Việt Nam tập trung chủ yếu ở giai đoạn 2 và 3, tuy nhiên lại bị gãy khúc ở đoạn chuyển tiếp từ 2 qua 3 đó là nhuộm và hoàn tất vải.
Do đó, trước tác động của lệnh cấm bông Tân Cương của Hoa Kỳ, bà Tú cho biết, vấn đề chủ yếu ảnh hưởng đến các nhà sản xuất may mặc chứ không phải nhà máy kéo sợi ở Việt Nam. Nhưng đối với các doanh nghiệp may mặc, việc tìm kiếm nguồn hàng mới để thay thế vải Trung Quốc sẽ gặp nhiều thách thức hơn.
Nguyên nhân là do các nhà sản xuất sợi Việt Nam (trừ các nhà máy FDI Trung Quốc) không dùng bông xuất Trung Quốc, họ thường dùng bông Mỹ, Brazil, Ấn, Tây Phi, Úc… và do nút thắt chưa được tháo gỡ tại khâu đoạn nhuộm, hoàn tất ở Việt Nam. Chính vì thế, sợi hoặc vải thô được dệt tại Việt Nam sau đó sẽ được xuất khẩu sang Trung Quốc hoặc các nước khác để hoàn tất và sau đó Việt Nam sẽ phải mua lại để phục vụ sản xuất may mặc hoặc vải nhập khẩu theo chỉ định của các nhãn hàng.
“Chúng ta phụ thuộc vào loại hàng hóa trung gian này từ Trung Quốc và các nước khác, thay vì có thể nối tiếp chuỗi cung ứng chủ động hơn. Mặt khác, chỉ riêng công đoạn từ sợi đến vải, các doanh nghiệp Việt (trừ các thành viên thuộc tập đoàn dệt may Vinatex, hay các doanh nghiệp FDI) chưa có nhiều đơn vị tự chủ tham gia chuỗi cung ứng bền vững. Các nhà kéo sợi chủ yếu phải bán cho công ty thương mại thay vì có thể vào chuỗi nhà máy dệt vải. Do đó, việc chuẩn bị đầy đủ bộ hồ sơ nhằm kiểm soát kỹ và tuân thủ quy tắc về nguồn gốc xuất xứ sẽ giúp doanh nghiệp bình tĩnh và tự tin hơn”, bà Tú cho hay.
Áp lực từ ‘đòn’ phòng vệ thương mại
Hoa Kỳ là quốc gia điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất trên thế giới với 1.169 vụ việc và đang có xu hướng gia tăng điều tra phòng vệ thương mại, với xu hướng mở rộng phạm vi điều tra, đa dạng sản phẩm điều tra và khắt khe hơn.
Do đó, theo ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương), việc Hoa Kỳ gia tăng điều tra phòng vệ thương mại cũng đặt ra áp lực lớn cho doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang nước này. Các doanh nghệp cần cân nhắc các rủi ro về phòng vệ thương mại khi xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu.
Đơn cử như với mặt hàng gỗ, Việt Nam xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng 55% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ cả nước trong 10 tháng đầu năm. Từ 2020 đến nay, ngành gỗ đối diện 4 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ thị trường Mỹ, khiến các doanh nghiệp trong ngành cũng gặp nhiều thách thức.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) cho biết, các doanh nghiệp gỗ tại Bình Dương nói riêng cũng như doanh nghiệp gỗ trên cả nước nói chung đã và đang tích cực kiểm soát chuỗi cung ứng của mình để thích ứng với các yêu cầu từ các nhà cung cấp.
"Các doanh nghiệp gỗ hiện đang áp dụng hệ thống trách nhiệm giải trình (DDS) trong đó tập trung vào chuỗi cung ứng để ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại. Về phía Hiệp hội, việc cung cấp thông tin và cảnh bảo rủi ro cho các doanh nghiệp hội viên được chú trọng; các khóa đào tạo, tập huấn được tổ chức nhằm nâng cao kỹ năng trong việc xử lý các biện pháp phòng vệ thương mại", ông Liêm cho biết.
Đại diện VCOSA cũng chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn cho thấy, trong các vụ việc phòng vệ thương mại tương tự, doanh nghiệp nào chủ động hợp tác, có các biện pháp minh bạch hóa thông tin, thể hiện thiện chí ngay từ sớm thì khả năng phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt sẽ giảm đi đáng kể. Ngoài ra, các doanh nghiệp bị nêu tên cũng cần phải chủ động hợp tác để tránh tạo ảnh hưởng dây chuyền tới toàn ngành.
Còn đại diện Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị doanh nghiệp nên tăng cường cạnh tranh bằng chất lượng, hạn chế việc cạnh tranh bằng giá, tăng tỉ lệ nội địa hóa, giá trị gia tăng tại Việt Nam. Đặc biệt, cần chuẩn bị nguồn lực (nhaâ lực, tài chính) để đối phó với các nguy cơ kiện phòng vệ thương mại.
“Doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược xử lý rõ ràng, thống nhất từ đầu vụ việc. Chuẩn bị hồ sơ sổ sách kế toán rõ ràng, truy xuất nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu đầu vào để phục vụ cho trả lời bản câu hỏi điều tra nếu vụ việc được khởi xướng”, ông Chu Thắng Trung khuyến nghị.