Khoai lang, tổ yến của Việt Nam chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc
(DNTO) - Ngày 10/11, Bộ NN&PTNT cho biết đã tiếp nhận thông tin từ công điện hỏa tốc của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, về nghị định thư xuất khẩu chính ngạch khoai lang, tổ yến Việt Nam sang Trung Quốc.
Ngày 10/11, Đại sứ quán (ĐSQ) Việt Nam tại Trung Quốc có Công điện gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cho biết, ĐSQ Việt Nam tại Trung Quốc đã nhận được Nghị định thư (phía Trung Quốc đã ký), về yêu cầu kiểm dịch đối với sản phẩm tổ yến và khoai lang của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc giữa Bộ NN&PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc, để chuyển cho Bộ NN&PTNT theo hình thức ký luân lưu.
"Với việc ký Nghị định thư nói trên, kể từ ngày 10/11, khoai lang, tổ yến Việt Nam sẽ là sản phẩm nông sản thứ 12, 13 xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc sau 11 loại quả gồm: thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải và sầu riêng", ông Lê Văn Thiệt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT thông tin.
Đây là tin vui với ngành nông nghiệp, bởi từ trước đến nay, thị trường xuất khẩu lớn của khoai lang là Trung Quốc nhưng chủ yếu qua đường tiểu ngạch, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho cả nông dân và doanh nghiệp.
“Thời gian qua, chúng ta đã gửi hồ sơ nhiều nhưng phía Trung Quốc mới kiểm tra một số vùng trồng và cơ sở, phải đợi họ kiểm tra và công nhận thêm để đủ số lượng xuất khẩu. Do đó, thời gian qua, khoai lang mất giá nên bà con bỏ trồng nhiều khiến sản lượng giảm mạnh”, ông Thiệt nói.
Song, để được xuất khẩu chính ngạch, điều kiện tiên quyết là phải thiết lập, xây dựng được các mã số vùng trồng và xây dựng các cơ sở đóng gói phù hợp với yêu cầu của nước nhập khẩu.
Theo ông Nguyễn Văn Liêm – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Vĩnh Long, là địa phương có vùng sản xuất khoai lang lớn, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, bà con nông dân đang có nhu cầu được chứng nhận về chỉ dẫn, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói… cho khoai lang theo yêu cầu của phía thị trường Trung Quốc.
Bên cạnh đó, đề nghị các tỉnh phải rất tích cực trong việc cùng với Cục Bảo vệ thực vật hoàn thiện các hồ sơ kỹ thuật. Vì các thị trường nhập khẩu hiện nay đều yêu cầu phải quản lý cụ thể từng vùng trồng, cơ sở đóng gói. Do vậy, trách nhiệm của địa phương rất lớn trong việc thường xuyên giám sát, đôn đốc, đảm bảo sản phẩm của địa phương đáp ứng đủ, đúng với yêu cầu của các nước xuất khẩu sản phẩm.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, 9 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu khoai lang của Việt Nam đạt khoảng 39 triệu USD, trong đó khoai lang thô đạt trên 15,3 triệu USD và khoai lang chế biến đạt khoảng 23,1 triệu USD, còn lại là lá khoai lang.
Theo ĐSQ Việt Nam tại Trung Quốc, từ đầu năm đến nay, với sự vào cuộc liên tục của Bộ NN&PTNT và các cơ quan chức năng trong nước cùng sự phối hợp, hỗ trợ của ĐSQ Việt Nam tại Trung Quốc trong việc tăng cường thúc đẩy công tác mở cửa thị trường cho sản phẩm nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc. Đến nay, hai bên đã hoàn tất hồ sơ thủ tục mở cửa thị trường cho một số sản phẩm nông sản Việt Nam.
Sau khoai lang và tổ yến, Cục Bảo vệ thực vật sẽ tiếp tục các thủ tục để xuất khẩu quả bưởi và quả dừa tươi vào thị trường Trung Quốc.