Gia tăng thị phần, nông sản Việt đang dần khẳng định vị thế tại thị trường Trung Quốc
(DNTO) - Lần lượt các mặt hàng nông sản Việt được ồ ạt "cấp visa" vào Trung Quốc thời gian gần đây không chỉ là niềm vui đối với ngành nông nghiệp Việt Nam, mà còn tạo động lực cho các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội ở thị trường lớn nhất thế giới này.
Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 10/2022 ước đạt 30,27 tỷ USD, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, thương mại 2 chiều Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục có bước phát triển đáng kể, đạt 147,7 tỷ USD sau 10 tháng. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của nước ta, chỉ sau Mỹ với kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đạt 47 tỷ USD, đồng thời là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, với 100,7 tỷ USD, nhập siêu 10 tháng từ Trung Quốc là 53,7 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với một số mặt hàng nông sản của Việt Nam (thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với nhóm hàng rau quả, sắn và các sản phẩm từ sắn, cao su; thị trường xuất khẩu lớn thứ ba với nhóm hàng thủy sản, chỉ sau Mỹ, Nhật Bản).
Một số nhóm mặt hàng như thủy sản, trái cây, cà phê của Việt Nam đều nằm trong tốp 10 quốc gia xuất khẩu lớn nhất vào Trung Quốc, nhiều mặt hàng như cá tra, cá basa, cá mực, quả thanh long, quả vải, hạt điều đều chiếm thị phần gần như tuyệt đối về khối lượng cũng như kim ngạch nhập khẩu. Điều đó cho thấy nhiều sản phẩm, ngành hàng của Việt Nam có thế mạnh khi tham gia xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Có thể thấy mối quan hệ giữa nông sản của Việt Nam và “bếp ăn” Trung Quốc đang ngày càng trở nên gắn bó mật thiết. Theo đó, hiện nay, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang thúc đẩy đàm phán với phía Trung Quốc mở cửa thị trường cho nhiều sản phẩm thế mạnh của Việt Nam, qua đó càng tạo điều kiện hơn cho hàng hóa, nhất là hàng nông thủy sản của Việt Nam thâm nhập thị trường hơn tiềm năng này.
Gần đây nhất, trong dịp thăm chính thức Trung Quốc, tại hội đàm ngày 31/10, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh với Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình rằng Việt Nam đặc biệt coi trọng thị trường 1,5 tỷ dân và mong muốn tăng xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế. Ông đề nghị Trung Quốc duy trì thông suốt chuỗi cung ứng hàng hoá, tăng cường hợp tác vận tải bằng hàng không, đường bộ, đường sắt...
Đáp lại, ông Tập Cận Bình cũng khẳng định sẽ tạo điều kiện để Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản. "Trung Quốc sẵn sàng tăng cường liên kết chiến lược phát triển với Việt Nam, tăng cường kết nối giữa hai nước và cùng xây dựng chuỗi cung ứng toàn cầu bền vững, nhằm giảm bớt mất cân bằng thương mại", ông Tập nói.
Vấn đề này sau đó đã được cụ thể hoá trong Tuyên bố chung hai nước khi nhất trí bảo đảm phòng chống dịch chính là bảo đảm thông quan hàng hóa, thống nhất phát huy vai trò của Cơ chế liên hợp giải quyết ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới và hợp tác phòng chống dịch, duy trì hoạt động thương mại thông suốt tại các cửa khẩu với tiền đề bảo đảm công tác chống Covid-19...
Điều này càng củng cố thêm niềm tin cho nông sản Việt sẽ được "cấp visa" dù nước này vẫn áp dụng chính sách zero-Covid. Nhìn lại khoảng thời gian gần đây, rõ ràng thị trường Trung Quốc đã "thoáng" hơn với hàng hóa Việt.
Đơn cử, thông tin mới nhất từ Tổng cục Hải Quan cho hay, tính đến thời điểm này, đã có tổng cộng 140 tấn sầu riêng tươi được xuất khẩu sang Trung Quốc qua Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành, TP Lào Cai nhờ đạt được các quy chuẩn, quy định khắt khe mà đối tác yêu cầu.
Nếu như trước đây, việc tiêu thụ và xuất khẩu sầu riêng gặp nhiều khó khăn khi dịch Covid-19 tiếp tục diễn ra phức tạp. Thì ngày 17/9 vừa qua là ngày đáng nhớ cho bà con trồng sầu riêng trên khắp cả nước. Vì đây đánh dấu sự kiện hơn 100 tấn sầu riêng đầu tiên đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc theo Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật giữa Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Từ sự kiện này sẽ mở ra cơ hội cho người trồng sầu riêng của Việt Nam trong việc gia tăng xuất khẩu mặt hàng có giá trị này sang thị trường tỷ dân.
Đồng thời sau gần 6 năm đàm phán, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã đồng ý nhập khẩu thí điểm quả chanh leo Việt Nam từ tháng 7/2022.
Mới đây, ngày 1/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã chính thức ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả chuối tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Tới đây dự kiến là khoai lang và một số sản phẩm nông nghiệp khác cũng được xem xét nhập khẩu chính ngạch. Việc có thêm nhiều sản phẩm nông sản được xuất khẩu chính ngạch, từ hoa quả đến thực phẩm chế biến đang tạo ra chỗ đứng của nông sản Việt trên thị trường Trung Quốc.
Đặc biệt, một trong những lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất phải kể đến tôm và cá tra. Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tính chung 10 tháng, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ cá tra lớn nhất với trị giá 590 triệu USD, tăng 111% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dự kiến Trung Quốc sẽ tiêu thụ khoảng 36% tổng sản lượng thủy sản toàn cầu vào năm 2028, mức tiêu thụ bình quân đầu người đạt khoảng 44,3 kg so với 39,3 kg trong giai đoạn hiện nay. Với sự cải thiện thu nhập của người dân và sự phát triển của dịch vụ hậu cần, thị trường tiêu thụ thủy sản của Trung Quốc sẽ duy trì sự tăng trưởng trong dài hạn.
"Hiện nay Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất vào Trung Quốc, trong tương lai sẽ còn có tiềm năng phát triển mạnh hơn nữa với lợi thế địa lý và các rào cản thuế quan được dỡ bỏ", bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông VASEP nhận định.
Bà Nguyễn Thị Anh Thư, Giám đốc Công ty TNHH thủy sản và thương mại tổng hợp Thành Nhơn (TP.HCM), hồ hởi khoe: “Tôi vừa ký kết một hợp đồng xuất khẩu chính ngạch mặt hàng tôm hùm sống sang Hồng Kông với số lượng không hạn chế, bình quân mỗi tuần 4 - 5 tấn, giá bán 41,5 USD/kg. Đây là tin rất vui cho doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn đang diễn biến phức tạp. Trước đó, doanh nghiệp Trung Quốc cũng đã ký kết hợp đồng lên đến 2.000 tấn xuất khẩu trong cả năm 2023. Việc Trung Quốc tăng cường nhập khẩu đã giúp cho giá tôm hùm thu mua trong nước dần hồi phục”.
Hiện nay 90% sản lượng tôm hùm Việt Nam được thị trường Trung Quốc tiêu thụ, chính vì vậy giá bán cũng như đầu ra đều phụ thuộc vào thị trường tỷ dân này.
Có thể nói, việc trái sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch, hay các sản phẩm nông sản nước nhà ngày càng ồ ạt tiến về thị trường Trung Quốc, là niềm vui chung của nông dân Việt Nam, bởi khi mà các sản phẩm nông sản đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe của thị trường nhập khẩu thì, cơ hội xuất khẩu, mở rộng các thị trường, đối tác sẽ ngày càng lớn. Từ đây nâng cao được vị thế của nông sản Việt Nam có thể đàng hoàng bước vào bàn ăn của Trung Quốc. Quan trọng hơn, vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu đã thay đổi.