Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM: ‘Hy vọng Việt Nam nhập khẩu nhiều hàng hóa, dịch vụ của Hoa Kỳ hơn’
(DNTO) - Việt Nam đang là đối tác lớn thứ 10 của Hoa Kỳ trên toàn cầu. Theo bà Susan Burns, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM, thương mại hai bên còn nhiều dư địa để mở rộng hơn nữa.
Hoa Kỳ muốn nâng cấp mối quan hệ lên Đối tác Chiến lược
Chia sẻ trong Diễn đàn Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ 2022, ngày 17/11, bà Susan Burns, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM nhấn mạnh, năm 2021, thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đạt 113 tỷ USD. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Hoa Kỳ trên toàn cầu. Đặc biệt, Việt Nam đã trở thành một mắt xích chủ chốt trong chuỗi cung ứng, đóng vai trò quan trọng thiết yếu đối với nền kinh tế Hoa Kỳ, từ sản xuất thiết bị bán dẫn cung cấp sức mạnh cho mọi thứ từ điện thoại đến ô tô, tấm pin mặt trời để thực hiện cuộc cách mạng năng lượng sạch.
Cũng theo bà Susan Burns, các liên kết chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ với Việt Nam không chỉ diễn ra theo một chiều. Việt Nam nhập khẩu chip máy tính do Hoa Kỳ sản xuất, là một trong những khách hàng mua bông và gỗ cứng hàng đầu của Hoa Kỳ trên toàn cầu. Đây là những nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất hàng may mặc và đồ nội thất. Trên thực tế, Việt Nam là thị trường lớn thứ 8 đối với các sản phẩm nông nghiệp của Hoa Kỳ trên toàn thế giới, trong khi Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam.
“Đó là lý do tại sao chúng tôi vô cùng vui mừng khi Việt Nam là đối tác sáng lập của Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, hay IPEF. Khuôn khổ mới này là một phần trong tầm nhìn của Tổng thống Biden về một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở; kết nối và thịnh vượng; an toàn và có sức chống chịu. Việt Nam là một đối tác quan trọng trong việc đạt được tầm nhìn đó, và nó đến vào một thời điểm quan trọng. Năm 2023 đánh dấu Kỷ niệm 10 năm Quan hệ Đối tác Toàn diện Hoa Kỳ-Việt Nam. Hoa Kỳ mong muốn nâng cấp mối quan hệ lên Đối tác Chiến lược, phản ánh chính xác hơn sự hợp tác sâu sắc giữa hai nước chúng ta”, bà Susan Burns nhấn mạnh.
Vị Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM cũng hy vọng trong tương lai, Việt Nam có thể nhập khẩu nhiều hàng hóa và dịch vụ của Hoa Kỳ hơn. Ví dụ trong lĩnh vực năng lượng sạch, đại diện Hoa Kỳ cho biết đã nhìn thấy nhiều cơ hội tại Việt Nam để khai thác các nguồn năng lượng tái tạo khổng lồ. Việt Nam có thể tận dụng sự đổi mới và công nghệ của Hoa Kỳ để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, từ các giải pháp lưới điện thông minh đến công nghệ lưu trữ năng lượng và hydro sạch. Điều này sẽ tạo ra những cơ hội mới đáng kể cho thương mại trong những năm tới.
Ngoài ra, các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, chăm sóc sức khỏe và các sản phẩm của nền kinh tế số cũng là những lĩnh vực Hoa Kỳ đang có nhiều lợi thế với các công ty lớn, có thể cung cấp hàng hóa, dịch vụ chất lượng cho Việt Nam.
“Chính phủ Việt Nam đang nhạy bén khi đầu tư hàng tỷ đô la để nâng cấp đường xá, cảng biển và sân bay. Điều này tạo ra những cơ hội to lớn cho các công ty Hoa Kỳ đầu tư. Chính phủ Hoa Kỳ sẵn sàng hỗ trợ. Tuần trước tại Phnom Penh (Campuchia), Tổng thống Biden đã công bố thành lập Nền tảng Cơ sở hạ tầng và Kết nối Hoa Kỳ-ASEAN, một cơ chế mới mà qua đó Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ ASEAN và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư chất lượng cao vào cơ sở hạ tầng”, bà Susan Burns cho biết.
Thách thức với Việt Nam cũng không hề đơn giản
Chia sẻ tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cũng nhấn mạnh Chính sách xuyên suốt của Việt Nam luôn coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu. Kim ngạch thương mại song phương đã tăng khoảng 248 lần, từ 450 triệu USD năm 1995 lên gần 113 tỷ USD năm 2021. Hoa Kỳ trở thành đối tác thương mại thứ hai, có kim ngạch thương mại vượt mốc 100 tỷ USD với Việt Nam.
Nhiều năm qua, Hoa Kỳ luôn là một trong những đối tác có đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, với gần 1.150 dự án đang hoạt động, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 10,3 tỷ USD, xếp thứ 11/141 nền kinh tế có đầu tư tại Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng theo Thứ trưởng Bộ Công thương, trong quan hệ kinh tế, thương mại song phương với Hoa Kỳ, những thách thức đặt ra với Việt Nam cũng không hề đơn giản. Đó là việc gia tăng tần suất các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ đối với hàng hóa của Việt Nam; chưa công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường, dẫn đến việc phải sử dụng nước thứ 3 để đánh giá mức độ thiệt hại, gây thiệt thòi rất lớn trong các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại…
Do vậy, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, trên những nền tảng quan hệ đã được xây dựng trong gần 3 thập niên qua, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp hai nước cần phát huy sự chân thành, tin cậy, tôn trọng và có trách nhiệm trong tất cả các hoạt động đối thoại chính sách và trao đổi thương mại, thu hút đầu tư.