Kinh tế cuối năm: Đón 'sức bật' mới từ sản xuất công nghiệp, xuất khẩu
(DNTO) - Bức tranh kinh tế tháng 11 dần khởi sắc khi các thị trường chủ lực đều đang có tín hiệu hồi phục rõ nét. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng mạnh nhất 13 tháng, hút FDI "bùng nổ", xuất khẩu tăng trưởng tích cực, thặng dư thương mại đạt 24,44 tỷ USD với 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tiếp tục xu hướng tích cực và nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp sản xuất nỗ lực tìm kiếm đơn hàng để hoàn thành kế hoạch sản xuất - kinh doanh của năm cũng như chuẩn bị hàng hóa phục vụ tiêu dùng dịp cuối năm. Nhận định này vừa được Tổng cục Thống kê đưa ra vào ngày 29/11.
Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, ước tính tháng 11/2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 3% so với tháng trước và tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 1% so với cùng kỳ năm trước.
Đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua, nhưng đặt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước gặp nhiều khó khăn, thì vẫn là dấu hiệu tích cực, cho thấy xu thế phục hồi của sản xuất công nghiệp.
Trong mức tăng chung 1% này, ngành chế biến, chế tạo tăng 1,1% (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,7%), đóng góp 1,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,2%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,9%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 2,8%, làm giảm 0,4 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Một trong những chỉ số ấn tượng trong 11 tháng qua là xuất nhập khẩu của Việt Nam đã gần chạm mốc 600 tỷ USD. Cụ thể, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa sơ bộ trong giai đoạn này là 587,68 tỷ USD, với mức xuất siêu kỷ lục 24,44 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 8,1 tỷ USD). Cụ thể, tính từ ngày 1/11 đến hết ngày 15/11/2023), tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 29,42 tỷ USD, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung từ đầu năm đến hết ngày 15/11/2023, xuất khẩu giảm 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nếu xét riêng từng tháng vẫn cho thấy sự tăng trưởng tích cực (tháng 10 tăng 5,3%, 15 ngày đầu tháng 11 tăng 6,4%). Trong đó có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,1% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Dẫn đầu là máy tính, linh kiện với trị giá 49 tỷ USD, điện thoại linh kiện 46,3 tỷ USD, máy móc thiết bị 37,2 tỷ USD...
Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup, xuất khẩu đang có tín hiệu hồi phục rõ nét từ các thị trường chủ lực, đặc biệt là Mỹ - thị trường lớn nhất của Việt Nam. Xuất khẩu sang Mỹ tháng 10 tăng trưởng dương trở lại cả xét theo tháng và so với cùng kỳ. Thị trường Trung Quốc và EU cũng có sự hồi phục tương tự. Chủ tịch FiinGroup dự báo, trong kịch bản lạc quan, tăng trưởng xuất khẩu năm 2024 có thể đạt 8 - 10%.
Từ việc xuất khẩu phục hồi, đơn hàng quay trở lại khiến cho lao động khu công nghiệp nhộn nhịp hơn và tạo cú hích cho tiêu dùng. Hiện nhu cầu trong nước đang phục hồi, ghi nhận tổng mức bán lẻ cũng lần đầu tăng lên trên 10% trong 6 tháng. Tính chung 11 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 5.667 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 20,2%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7% (cùng kỳ năm 2022 tăng 16,6%).
Thu hút vốn FDI cao nhất trong 5 năm qua cũng là điểm lạc quan trên nền sáng của bức tranh kinh tế. Tổng vốn ngoại đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/11 đạt gần 28,85 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 11 tháng năm 2023 ước đạt 20,25 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước và cao nhất so với 11 tháng giai đoạn 2018-2023. Các chuyên gia nhấn mạnh, mối quan hệ chính trị tốt đẹp giữa Việt Nam với các quốc gia trên thế giới được kỳ vọng là lực đẩy đưa làn sóng thu hút FDI lần thứ 4 sớm bùng nổ tại Việt Nam.
Tiếp đà tăng trưởng, Tổng cục Thống kê cho biết vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách Nhà nước tháng 11 ước đạt 70,3 nghìn tỷ đồng, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 549,1 nghìn tỷ đồng, bằng 75% kế hoạch năm và tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 bằng 74,9% và tăng 20,9%).
Mặc dù vậy, số liệu từ Tổng cục Thống kê cũng đang thể hiện nhiều lo ngại. Lạm phát cơ bản tháng 11/2023 tăng 0,16% so với tháng trước, tăng 3,15% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 11 tháng năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,27% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 3,22%). Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước 11 tháng năm 2023 giảm 12,12% so với cùng kỳ năm trước, giá gas giảm 7,5% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Đặc biệt, thời điểm này là giai đoạn doanh nghiệp đang chạy nước rút để hoàn thành kế hoạch của năm, nhưng số doanh nghiệp rời bỏ thị trường, tạm ngừng hoạt động vẫn chưa giảm. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, 11 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 158,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 14,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản tiếp tục ghi nhận số doanh nghiệp đăng ký mới giảm mạnh so với cùng kỳ, giảm khoảng 47,4%. Lĩnh vực tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có mức giảm 18,3%, nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản giảm 11,5%..
Có nhiều nguyên nhân khiến doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, dễ nhận thấy nhất là nhiều doanh nghiệp suy giảm đơn hàng, không có thị trường tiêu thụ sản phẩm, trong khi đó trái phiếu doanh nghiệp đến kỳ đáo hạn, vốn vay ngân hàng đến kỳ phải trả... Trong bối cảnh đó, cần tiếp tục có các giải pháp giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn lực từ các gói hỗ trợ của nhà nước.
Theo các chuyên gia, hiện nay cải cách thể chế kinh tế, vì vậy, trong ngắn hạn, cần tập trung kiểm soát việc ban hành quy định mới để không làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp. Không ban hành quy định mới nếu chưa cấp bách. Nếu buộc phải ban hành thì cần tính đến khó khăn hiện nay của doanh nghiệp để có lộ trình áp dụng hợp lý, thời gian cần thiết để doanh nghiệp chuẩn bị tuân thủ...
Đặc biệt, việc Quốc hội vừa chính thức "chốt giảm thuế 2% VAT áp dụng đến hết ngày 30/6/2024, được kỳ vọng sẽ là "cú hích" tạo điều kiện rất lớn giúp doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng khả năng kích cầu...