Bức tranh kinh tế nửa đầu năm 2023: Xuất hiện nhiều gam màu sáng
(DNTO) - Hàng loạt chỉ số của nền kinh tế Việt Nam phát tín hiệu tích cực trong 6 tháng đầu năm 2023 như xuất siêu 12,25 tỷ USD, giải ngân vốn FDI ước đạt 10,02 tỷ USD, số doanh nghiệp gia nhập thị trường lập đỉnh... Nhưng khó khăn trước mắt vẫn còn nhiều, đòi hỏi nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị.
Tín hiệu tích cực trong khó khăn
So với những tháng đầu năm, tháng 6/2023 ghi nhận những tín hiệu tích cực khi hàng loạt chỉ số của nền kinh tế Việt Nam nhen nhóm tín hiệu phục hồi.
Cụ thể, theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6/2023 ước đạt 29,3 tỷ USD, tăng 4,5% so với tháng trước. Như vậy, đây là tháng thứ 2 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa có xu hướng tăng trưởng sau thời gian dài giảm sâu nhờ tác động của hoạt động xúc tiến thương mại được thúc đẩy mạnh mẽ.
Về nhập khẩu hàng hóa, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 6/2023 ước đạt 26,71 tỷ USD, tăng 2,6% so với tháng trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 12,25 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,2 tỷ USD).
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, sau 5 tháng giảm liên tục, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong 6 tháng đã khởi sắc trở lại khi tăng nhẹ 0,5% so với cùng kỳ năm 2022 với mức 10,02 tỷ USD; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong 6 tháng đầu năm 2023 vẫn tăng 0,44% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,37%, đóng góp 0,10 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế...
Đáng chú ý, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước, ngày càng cách xa mục tiêu điều hành 4,5%. Lạm phát đã dần hạ nhiệt và được kiểm soát tốt. Đây chính là một trong những nỗ lực lớn trong điều hành giá cả của Chính phủ...
Đặc biệt, trong tháng 6, ghi nhận gam màu sáng nổi bật khi số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt mức cao nhất từ đầu năm đến nay. Cụ thể, theo số liệu từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong tháng 6, có 13.904 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2022. Đồng thời, 7.098 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 215% so với cùng kỳ, mức cao nhất trong giai đoạn 6 tháng đầu năm.
Giải pháp cần "thấm" nhanh vào doanh nghiệp
Thực tế, nhìn vào các số liệu thống kê, dù đã có những ánh sáng lóe lên, nhưng trong bức tranh chung của nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm, gam màu xám vẫn là chủ đạo. Tăng trưởng GDP quý II gần thấp nhất 13 năm, trong bối cảnh như hiện nay, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% của năm 2023 là thách thức lớn.
Mặc dù đăng ký doanh nghiệp trong tháng 6 ghi nhận những tín hiệu tích cực, nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận, doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là về vốn kinh doanh. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2023 tiếp tục có xu hướng giảm, chỉ đạt mức 707.457 tỷ đồng, bằng khoảng 75-80% tổng số vốn đăng ký cùng kỳ trong các năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Đặc biệt, trong thời gian qua, mặt bằng lãi suất đã được giảm tương đối. Chỉ trong vòng 3 tháng, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất với mức giảm 0,5 - 2,0%/năm. Mặc dù vậy, tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp, đến 15/6/2023 chỉ tăng 3,36% so với năm 2022, chưa bằng 1/4 mục tiêu tăng trưởng tín dụng của năm (khoảng 14-15%).
Mới đây, Quốc hội đã thông qua nhiều quyết sách quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Tại phiên bế mạc kỳ họp Quốc hội tháng 6/2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã "chốt" một loạt yêu cầu như: Giảm lãi suất, gia hạn thuế, phí, tăng cường cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, tiếp tục rà soát cắt giảm các điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành… Điều này cho thấy, Quốc hội rất sát sao, quyết liệt trong tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Song, điều các doanh nghiệp mong mỏi Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nhanh chóng đưa các giải pháp gỡ vướng, hỗ trợ vào cuộc sống, góp phần trợ lực doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
"Các chính sách hỗ trợ giảm thuế phí, gói tín dụng "bơm máu" cho doanh nghiệp phải thực hiện rốt ráo để tăng sức hấp thụ vốn cho nền kinh tế. Đừng để doanh nghiệp phải "ngắc ngoải" mà gói tín dụng thì "ế vốn". Chính sách tiền tệ cần linh hoạt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay, vừa đảm bảo kiềm chế lạm phát, vừa đảm bảo thúc đẩy tăng trưởng", ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) nhấn mạnh.
Trong báo cáo mới nhất về kinh tế 6 tháng đầu năm, Công ty Chứng khoán MB (MBS) chỉ ra 3 thách thức lớn, đó là xuất khẩu suy giảm do nhu cầu thế giới phục hồi yếu; lạm phát và lãi suất vẫn ở mức cao so với khả năng tạo lợi nhuận của doanh nghiệp; khó khăn của thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục kéo dài, làm nghẽn sự chu chuyển dòng vốn của nền kinh tế và khiến đầu tư co hẹp lại.
"Nếu chính sách hỗ trợ tăng trưởng thấm nhanh vào nền kinh tế sẽ giúp Việt Nam đương đầu với những thách thức. Tuy nhiên, nếu các giải pháp không kịp thời, nhiều khả năng tốc độ tăng trưởng năm 2023 sẽ dưới 6%", MBS nhận định.