Bức tranh kinh tế 5 tháng đầu năm 2023: Vượt khó nhưng chưa 'bứt tốc'
(DNTO) - Trong tháng 5/2023, kinh tế Việt Nam có nhiều dấu hiệu khởi sắc, tuy nhiên, nếu tính từ đầu năm cho tới nay, nền kinh tế vẫn “rung lắc” dữ dội. Các dự báo cho thấy, từ nay tới cuối năm, khó khăn, thách thức còn rất lớn. Yêu cầu có giải pháp thiết thực với nỗ lực cao nhất để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê (GSO), ngày 29/5, cho thấy tính chung 5 tháng năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt hơn 177 nghìn tỷ đồng, bằng 25,5% kế hoạch năm và tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/5, bao gồm: vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 10,86 tỷ USD. Trong đó, vốn đăng ký mới đạt hơn 5,26 tỷ USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ; vốn điều chỉnh đạt 2,28 tỷ USD, giảm 59,4% so với cùng kỳ; vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt gần 3,32 tỷ USD, tăng 67,2% so với cùng kỳ... Kết quả này khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của Việt Nam, vì vậy, họ tiếp tục đưa ra các quyết định mở rộng dự án hiện hữu.
Đặc biệt, trong tháng 5, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, với ngành thương mại và du lịch, sự tăng trưởng có phần nhỉnh hơn. Cụ thể, tổng cầu đang trở lại, doanh thu bán lẻ hàng hoá, dịch vụ mức bán lẻ tháng 5 đạt 519.000 tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước.
Về xuất nhập khẩu, hoạt động xúc tiến thương mại được thúc đẩy mạnh mẽ, nên kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 5 tăng mạnh so với tháng trước, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 55,86 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu đạt 29,05 tỷ USD; nhập khẩu đạt 26,81 tỷ USD. Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa tháng 5 tiếp tục nghiêng về xuất siêu với 2,24 tỷ USD. Kết quả này đã đưa xuất siêu 5 tháng đầu năm 2023 lên con số 9,8 tỷ USD…
Đáng chú ý, về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) các tháng từ đầu năm đến nay so với cùng kỳ năm trước có xu hướng giảm dần. Trong đó, CPI tháng 1/2023 tăng cao nhất với 4,89%, tháng 2/2023 tăng 4,31%, tháng 3/2023 tăng 3,35%, tháng 4/2023 tăng 2,81% và đến tháng 5/2023 mức tăng còn 2,43%.
Trong khi các nền kinh tế khác đều ở mức khá cao như: Singapore (5,5%); Indonesia (khoảng 5%), Eu (khoảng 7%); Mỹ (khoảng 5%), điều này cho thấy hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng vào các chính sách, điều hành của các cơ quan quản lý từ năm ngoái cũng như đầu năm này để được đạt mục tiêu đã đề ra.
Bổ sung 'giải pháp kép' hỗ trợ doanh nghiệp
Bên cạnh những điểm nhấn lạc quan, số liệu doanh nghiệp gia nhập thị trường tháng 5/2023 đã quay đầu giảm 38,1% so với tháng trước... Điều này cho thấy tinh thần khởi sự kinh doanh của người dân và doanh nghiệp vẫn đi xuống khi lo ngại những khó khăn và rủi ro mà nền kinh tế phải đối mặt có thể kéo dài.
Không chỉ là số doanh nghiệp rút lui lớn, mà trong báo cáo trình lên Chính phủ hồi đầu tháng 5, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lưu ý về khả năng huy động vốn của doanh nghiệp, khi mà số vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 4 tháng đầu năm chỉ đạt 9,3 tỷ đồng, mức thấp nhất trong 4 tháng đầu năm kể từ năm 2018, cho thấy quy mô của doanh nghiệp ngày càng nhỏ.
Mới đây, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) vừa đưa ra kết quả khảo sát doanh nghiệp, với những thông tin rất đáng lo ngại. Có 82,3% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm 2023...,cho thấy việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm (6,5%) là rất khó khăn.
Doanh nghiệp "cạn" đơn hàng, không đủ điều kiện tiếp cận vốn là dễ hiểu và dễ thấy. Thị trường thế giới khó khăn, cầu giảm, cạnh tranh giữa các quốc gia khốc liệt. Tại kỳ họp thứ 5, quốc hội khóa XV, nhiều ý kiến thúc đẩy các giải pháp hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, hỗ trợ giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT), giãn thời gian nộp thuế... được các ĐBQH đưa ra làm nóng nghị trường.
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã liên tục hạ lãi suất điều hành, yêu cầu ngân hàng thương mại hạ lãi suất cho vay. Tuy nhiên nỗ lực này trong giai đoạn khó khăn vừa qua chưa tương xứng. Nhiều ngân hàng vẫn lãi cao trong khi doanh nghiệp khốn khó. Vì thế, ngân hàng cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp.
Nhưng điều lo lắng là, trong bối cảnh này, doanh nghiệp vẫn nói đến những khó khăn về thủ tục hành chính và nguy cơ hình sự hóa. Đáng ra, đây không nên là khó khăn lớn của doanh nghiệp vào lúc này, trong bối cảnh chúng ta đều đang nói về hỗ trợ phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng. Ở đây, rõ ràng vẫn tồn tại câu chuyện, một mặt Chính phủ nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nhưng mặt khác, vẫn có những rào cản mới không hề nhỏ được tạo ra, thậm chí có trường hợp bỏ thủ tục này thay bằng thủ tục khác.
"Theo tôi, trong thời điểm này, tư duy xây dựng và thực thi chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ cần được phát huy cao độ. Vì thế, trong năm 2023, cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh phải là một trọng tâm với tinh thần quyết liệt, quyết tâm mạnh mẽ hơn rất nhiều so với những năm trước. Lúc này, chắt chiu từng cơ hội cho doanh nghiệp tồn tại và trụ vững là rất quan trọng. Chính phủ cần đến tính đến cả những kịch bản khó khăn nhất để phản ứng chính sách nhanh, chủ động, thúc đẩy các doanh nghiệp cơ cấu lại, có cơ chế để bảo vệ những người tiêu dùng có liên quan khi doanh nghiệp phá sản, đóng cửa...", ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ tại Phiên họp Quốc hội ngày 26/5.