Để đưa GDP về đích, rất cần Nghị quyết đột phá 'cứu' doanh nghiệp
(DNTO) - Trước tình hình khó khăn đang bủa vây doanh nghiệp, các đại biểu Quốc hội đã cùng “mổ xẻ” nguyên nhân, đồng thời kiến nghị Chính phủ có các giải pháp đột phá, chỉ đạo điều hành quyết liệt, mạnh mẽ để vực dậy nền kinh tế.
Ngày 25/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận ở Tổ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Chia sẻ trong phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện tại, thách thức phía trước rất lớn, nhất là đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% của năm 2023. “Để đạt được tăng trưởng 7% hoặc trên 7% trong các quý tới là rất khó”.
Theo đánh giá của Bộ trưởng, những thách thức lớn nhất của doanh nghiệp hiện tại là dòng tiền, thị trường, đơn hàng và khả năng hấp thụ vốn. Đặc biệt, "môi trường đầu tư hiện nay rất kẹt, nhiều doanh nghiệp đang kêu ca, lo ngại về tình hình thực hiện các thủ tục rất chậm ở nhiều địa phương, nhất là trong bối cảnh có tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy, làm chậm tiến độ giải quyết công việc.
Dẫn tiếp khảo sát của VCCI, có tới 71,7% doanh nghiệp đồng ý với nhận định "tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến" cao đáng kể so với con số 57,4 của năm 2021.
Thẳng thắn nhìn nhận vấn đề này, đại biểu Lê Thanh Vân, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cho rằng hiện nay doanh nghiệp trong nước đối mặt vô vàn khó khăn, nhưng lại chưa có sự thấu hiểu, chia sẻ từ cơ quan quản lý Nhà nước.
Theo ông Vân, có tình trạng doanh nghiệp "án binh bất động" vì sợ sai, sợ bị xử lý. Vì vậy, giải pháp quan trọng nhất là giải phóng năng lực doanh nghiệp trong nước, đó là các tập đoàn, tổng công ty có thương hiệu, công ty khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, thị trường giảm cầu, trong lúc kiệt quệ, doanh nghiệp tiếp tục đón tiếp nhiều đoàn kiểm tra, thanh tra. "Chúng ta chống tham nhũng đương nhiên, nhưng phải "chĩa" chỗ nào cho chính xác chứ không phải "chĩa" tràn lan như thế", ông Vân nói.
Trong lĩnh vực bất động sản, ông Vân lo lắng khi hàng loạt dự án ở TP. HCM "bị treo, nằm im". Đây là những vấn đề nghiêm trọng, nếu không tháo gỡ ngay, nguy cơ hàng loạt hệ lụy đối với nền kinh tế. Theo ông, nguyên nhân của những vấn đề này là thể chế, pháp luật không ổn định, chất lượng cán bộ yếu kém.
Ông kiến nghị thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về cải cách thể chế để thực hiện đột phá về tổ chức nhân sự và thể chế kinh tế. Chính phủ cần sớm có chương trình đối phó ngắn hạn với tình trạng "tiệm cận suy thoái", trong đó tập trung vào chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.
Liên quan đến các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, đoàn Cần Thơ còn dự liệu, khả năng trở lại tốc độ tăng trưởng như bình thường có thể phải cuối năm 2024.
“Cầu nội địa đang giảm sâu, cần có những chính sách dài hơi hơn”, đại biểu Hùng đặt vấn đề khi cho rằng, đề xuất giảm 2% thuế suất thuế VAT với phần lớn mặt hàng đang có thuế suất VAT là 10% chưa đủ dài.
Ông Hùng cho rằng, chính sách này sẽ khiến ngân sách giảm thu, như với chính sách này của năm ngoái, ngân sách đã hụt thu 44.000 tỷ đồng, nhưng đã giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí, dành nguồn lực đầu tư mở rộng sản xuất, giúp người tiêu dùng tăng chi tiêu, từ đó đóng trở lại cho ngân sách, từ đó bù đắp cho ngân sách vượt hơn con số hụt thu.
“Tôi đồng ý và đánh giá cao đề xuất này của Chính phủ, nhưng có câu hỏi là sao không đề xuất sớm hơn, để thực hiện từ tháng 1/2023. Theo đề xuất hiện tại là thực hiện từ tháng 7/2023 đến hết năm, là 6 tháng, với khoản hụt thu dự tính là 35.000 tỷ đồng. Nhưng bối cảnh 2023 khác với 2022, khó khăn hơn, không hiểu giảm thuế này có giúp nhiều cho doanh nghiệp như năm ngoái không”, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng trăn trở và đề xuất cân nhắc thay vì chỉ dừng lại ở mức giảm 2%, thuế giá trị gia tăng (VAT) nên giảm xuống tiếp từ 3-5%, hoặc kéo dài tới giữa năm 2024.
Đại biểu Đinh Ngọc Minh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), băn khoăn, khi giải pháp tháo gỡ khó cho doanh nghiệp, nền kinh tế mà Chính phủ đưa ra lại "không khác so với báo cáo năm trước đây, kỳ trước đây".
Thay vào đó, báo cáo nên tập trung giải pháp giảm chi phí logistic của Việt Nam vì hiện nay đang gấp đôi trung bình của thế giới. "Nếu chúng ta tính GDP 400 tỷ USD, thì hiện Việt Nam mất 80 tỷ USD, trong khi các nước chỉ mất 40 tỷ USD cho chi phí logistic. Đây là số tiền lớn, nếu giải quyết được, nền kinh tế cải thiện và doanh nghiệp được hưởng số tiền này", ông Minh phân tích và nhấn mạnh, phải làm sao để doanh nghiệp “sống”, vì doanh nghiệp là nền tảng quốc gia.
“Tôi đề nghị Quốc hội có một nghị quyết riêng để phát triển doanh nghiệp trong thời đại mới để phục hồi kinh tế, bao gồm cả hỗ trợ thuế tối thiểu toàn cầu, hỗ trợ doanh nghiệp không bị tác động bởi lực lượng này, lực lượng kia thỉnh thoảng xuống hỏi, thỉnh thoảng xuống thanh tra làm người ta mất nhuệ khí đi”, ông Minh cho hay.