'Điều doanh nghiệp mong mỏi lúc này là môi trường kinh doanh có thể tiên liệu được'
(DNTO) - Hiện nay, sức ép tài chính đối với doanh nghiệp là rất lớn. Do đó, ngoài sự hỗ trợ từ Chính phủ, doanh nghiệp cần có một cơ chế thông thoáng hơn về môi trường kinh doanh với thể chế liên quan đến những ưu tiên, ưu đãi về thuế, đất đai... để "gỡ rào" cho nền kinh tế.
Nhìn lại quý 3 và 9 tháng năm 2022, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng khá cao trong bối cảnh nhiều khó khăn. Điều đó cho thấy sự linh hoạt và năng động, sức vươn của nền kinh tế. ..
Song, điều không thể chủ quan là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức, đặc biệt là các biến động về tiền tệ, về lãi suất như việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), tăng lãi suất và dự kiến sẽ tăng tiếp…, sẽ tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo điều tra xu hướng kinh doanh năm 2022, có đến 31,8% doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến chế tạo gặp khó khăn về tài chính; có tới 48% các doanh nghiệp nợ lẫn nhau và trả nợ không đúng hạn; 21,4% doanh nghiệp vay vốn với lãi suất cao; có 4% doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn vay.
Trong tổng số trên 850.000 doanh nghiệp đang hoạt động, có tới 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, với nguồn vốn duy nhất đến từ hệ thống ngân hàng, vì loại hình doanh nghiệp này không thể phát hành trái phiếu trên thị trường chứng khoán.
Từ tháng 8/2022, một số ngân hàng tăng lãi suất cho vay, các doanh nghiệp phải trả thêm 1,7% khi vay tín dụng; nhiều doanh nghiệp bị chậm thanh toán... Do đó, doanh nghiệp rất cần gói hỗ trợ tài khoá kịp thời của Chính phủ để có thêm nguồn lực để tái sản xuất, vượt qua những khó khăn trước mắt, cũng như tạo đà phát triển trong thời gian tới.
Rõ ràng, điểm nghẽn đồng thời là điểm nóng bây giờ, cũng là câu chuyện khó nhất đối với Chính phủ trong điều hành kinh tế chính là gỡ bài toán về vốn. Vốn là vấn đề tồn tại hay không tồn tại của doanh nghiệp. Họ sợ nhất là những “cú phanh gấp”, tức là những chính sách không lường trước được.
Nêu quan điểm về thị trường vốn và tín dụng thời gian qua, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên đánh giá, sau 2 - 3 năm dịch bệnh Covid-19 thị trường đang thiếu vốn, các doanh nghiệp đang ở trạng thái “khát khô”. Do đó, việc bơm vốn cho nền kinh tế là việc phải làm. Bơm bằng cách nào, bơm như thế nào để giữ an toàn cho nền kinh tế đồng thời đảm bảo được tăng trưởng kinh tế? Đấy là điều cần rất chú ý.
Vừa qua, Chính phủ đưa ra Nghị định số 65 về trái phiếu doanh nghiệp là một nỗ lực theo tinh thần như vậy, nhưng làm được là điều không dễ.
“Chúng ta muốn dịp này là một dịp để doanh nghiệp Việt có cơ hội phục hồi, trỗi dậy mạnh mẽ thì cần phải đặc biệt chú ý đến cấu trúc phát triển vừa hỗ trợ phát triển thị trường tài chính để hỗ trợ doanh nghiệp. Tình thế bất thường thì giải pháp phải khác thường...”, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Không những thế, những khó khăn của doanh nghiệp về môi trường pháp lý cũng đang là rào cản lớn với doanh nghiệp. Mặc dù những năm qua Chính phủ đẩy mạnh thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược: Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển; Phát triển nguồn nhân lực; Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội.
Hiện nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khi môi trường đầu tư kinh doanh vẫn chưa thực sự thông thoáng, không gian cải cách còn rất lớn. Nhiều địa phương và doanh nghiệp phản ánh tình trạng chồng chéo, xung đột của rất nhiều các quy định pháp luật...
Dẫn chứng về những khó khăn của doanh nghiệp logistics, bà Hương Vũ, Tổng Giám đốc EY Consulting Việt Nam, cho hay nhiều quy định thuế "đánh đố" doanh nghiệp khi thực thi khi trong một ngày loại hình doanh nghiệp này phải vận chuyển rất nhiều chuyến hàng, tuy nhiên mỗi chuyến hàng lại yêu cầu một hóa đơn dịch vụ.
Quy định này hiện vẫn chưa giải quyết được, do đó, bà Hương đề xuất dự thảo sửa đổi Nghị định 123/2020 về hóa đơn cần bổ sung quy định rõ các trường hợp được lập và không được lập bảng kê đính kèm.
Hay về chiết khấu thương mại, theo bà Hương Nguyễn, thời gian vừa qua rất nhiều cục thuế như TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Hà Nội hay Bà Rịa Vũng Tàu... đưa ra những hướng dẫn khác nhau trong tình huống xuất hóa đơn với chiết khấu thương mại, gây nhiều ngỡ ngàng cho cộng đồng doanh nghiệp.
Nhìn chung, các xung đột, chồng chéo này đã hạn chế những tác động tích cực trong thực thi các đạo luật, tạo rào cản trong quá trình triển khai thực tế, phát sinh chi phí lớn và rủi ro cao đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Xung đột này đã tạo ra thực tiễn thực thi rất khác nhau giữa các địa phương. Nó cũng là cơ hội phát sinh các nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực hiện dự án.
Đáng lưu ý, những chính sách thuế toàn cầu và khu vực đang thay đổi mạnh mẽ, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu hóa, số hóa nền kinh tế. Những xu hướng lớn này sẽ tác động không nhỏ tới hoạt động kinh doanh, cũng như nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp.
Do đó, "để tránh những tổn thất và nguy cơ bị xử phạt không đáng có, cũng như nắm bắt được cơ hội từ xu hướng thuế trong thời gian tới, doanh nghiệp cần tăng cường nguồn lực để hiểu và tuân thủ các nghĩa vụ thuế của mình", các chuyên gia nhấn mạnh.
Nêu quan điểm, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), đánh giá, cộng đồng doanh nghiệp rất cần các chính sách hỗ trợ sâu sát và hiệu quả hơn. Thực tế, chính sách hỗ trợ nhưng doanh nghiệp không thể đáp ứng điều kiện thì chính sách cũng không thể thực thi. Bên cạnh những quy định khắt khe, thì quy định mơ hồ, nhiều cách hiểu cũng gây khó dễ cho doanh nghiệp. Do đó, điều doanh nghiệp rất mong muốn lúc này là có được môi trường kinh doanh có thể tiên liệu được.
Để củng cố niềm cho cộng đồng doanh nghiệp phải tăng cường thể chế, thời gian gần đây, Nghị trường Quốc hội luôn "nóng" khi luận bàn những luật rất nền tảng cho việc sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là Luật đất đai, bởi mọi việc trục lợi, những rủi ro hay xung đột xã hội... cũng bắt nguồn từ Luật đất đai. Nên việc sửa Luật đất đai kèm các luật liên quan... hy vọng sẽ có hệ thống luật minh bạch, dài hơi, an toàn hơn cho doanh nghiệp yên tậm hoạt động.
"Đến nay hệ thống pháp luật chúng ta vẫn chưa được "thiết kế" theo tâm thế sẵn sàng chấp nhận rủi ro, đây là điều tôi nghĩ nên bổ sung trong hệ thống pháp luật khi chúng ta kiến tạo môi trường pháp lý cho doanh nghiệp trong thời gian tới...", ông Lộc nhìn nhận.
Đồng thời ông chỉ rõ, nhiều địa phương có tâm lý sợ sai, chỉ khư khư lo cho sự an toàn của mình, nên ra quy định rất chặt chẽ, đẩy khó khăn về cho người dân, doanh nghiệp, điều này đang là trở ngại cho các thủ tục hành chính khi phê duyệt các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh...