Doanh nghiệp xăng dầu: Cần phải tính đúng, tính đủ chi phí cho doanh nghiệp có thể ‘sống được’
(DNTO) - Cuộc họp của đại diện Bộ Công thương, Bộ Tài chính với 31 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu hôm qua, 12/10, đã nêu ra những khó khăn và hướng giải quyết cho nút thắt của thị trường xăng dầu những ngày qua.
31 doanh nghiệp đầu mối lên tiếng
Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho hay, đến thời điểm hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh lỗ triền miên, nên tâm lý của doanh nghiệp đảm bảo nguồn ở mức đủ cho hệ thống phân phối, những đại lý, thương nhân nhượng quyền, tổng đại lý có cam kết mang tính chất có hợp đồng chặt chẽ. Đâu đó, cục bộ ở những cửa hàng có hợp đồng lỏng lẻo thì khan hàng.
Vì doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ nên bà Trần Thị Tuyết Mai, Công ty TNHH Vận tải Thủy bộ Hải Hà cho biết, dù thực sự nguồn cung xăng dầu không thiếu nhưng do chi phí thực tăng cao nên không thể nhập khẩu về được.
“Quý 1, chi phí là 306 đồng/lít, quý 2 là 450 đồng/lít; quý 3 là 967 đồng/lít, tức là bình quân, doanh nghiệp đang lỗ 667 đồng/lít. Sang quý 4, doanh nghiệp lỗ 1.100 đồng/lít. Khoản lỗ này ai gánh cho doanh nghiệp? Do đó cơ quan chức năng nên điều chỉnh 6 tháng/1 lần chi phí thực tế của doanh nghiệp”, bà Mai kiến nghị.
Ông Phạm Văn Thoại, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc nhà máy lọc dầu Cát Lái - Saigon Petro chia sẻ, hiện mức premium nước ngoài về và chi phí đưa hàng từ nước ngoài về cảng Việt Nam quá cao, khiến khoản lãi trong 6 tháng đầu năm không đủ bù lỗ cho tháng 7 và tháng 8 vừa qua, khi xăng dầu giảm giá liên tục. Đó là lý do đến tháng 10, doanh nghiệp chỉ dám “cắn răng” nhập khẩu 1 chuyến từ nước ngoài về để đáp ứng nhu cầu trong nước, thêm lượng hàng mua từ nhà máy lọc dầu Bình Sơn và Nghi Sơn để bán.
“Tình trạng có cây xăng không thể đổ được sớm muộn cũng xảy ra, không phải do doanh nghiệp mà là do thị trường. Mặc dù vừa rồi, Liên bộ Tài chính – Công Thương đã đồng ý tăng chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước, nhưng doanh nghiệp đã lỗ quá nặng, rất khó khăn cho việc vay vốn ngân hàng. Hiện nay, Sài Gòn Petro đã phải rút tiền vốn của mình ra để đáp ứng được việc mua hàng. Chúng tôi đề xuất, cần phải tính đúng, tính đủ chi phí cho doanh nghiệp có thể ‘sống được’”, ông Thoại cho hay.
Ông Nguyễn Văn Tuấn Quỳnh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Long Hưng kiến nghị, Bộ Tài chính cần nghiên cứu điều chỉnh hàng tháng định mức premium nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài về để sát tình hình thị trường. Chi phí định mức trong nước đề nghị điều chỉnh 6 tháng/lần để đúng với thực tế.
“Định mức chi phí xăng dầu đã có từ năm 2014 nhưng hiện các chi phí như thuê đất, lương đều tăng, gây ra bất cập. Vì vậy, mỗi năm cần phải xem xét chi phí định mức cho các cửa hàng xăng dầu, ít nhất phải tính theo CPI. Tôi đề nghị Cục giá và Bộ Tài chính hết sức lưu ý vì đây là nền tảng cho việc tạo nguồn”, ông Nguyễn Văn Tuấn Quỳnh đề nghị.
Không chỉ rà soát lại chi phí, theo ông Bùi Ngọc Bảo việc định giá như hiện nay vô hình chung vừa là giá sàn, vừa là giá trần. Doanh nghiệp trong Nghị định chỉ được quyền bán buôn nhưng không được vượt giá cơ sở nhà nước đề ra.
Cụ thể, Quyết định 187 về việc ban hành quy chế quản lý xăng dầu cho phép Nhà nước đưa ra giá định hướng đối với mặt hàng xăng, cho phép doanh nghiệp điều chỉnh xăng +-1%, dầu +- 5%.
Năm 2007, tại Nghị định 55 về kinh doanh xăng dầu, có nhiều chế tài hơn nhưng giá vẫn theo tư tưởng thị trường hóa, cho phép doanh nghiệp điều chỉnh, xăng thả nổi và dầu bù lỗ.
Đến năm 2009, ra Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu đã tính toán kỹ và tương đối tiên tiến, đã đưa ra giá định hướng, doanh nghiệp được quyền tăng, giảm từ 7% - 13% và được quyền quyết định 60%, còn lại lấy từ Quỹ bình ổn.
Tuy nhiên, đến năm 2014 bắt đầu ra Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, coi như giá cứng, doanh nghiệp không được quyền quyết định. Vô hình chung, xuyên suốt thị trường giai đoạn này là giá bình ổn. Nghị định 95 sửa đổi một số điều của Nghị định 83 cũng tương tự.
Sẽ nghiên cứu những đề xuất của doanh nghiệp
Ông Nguyễn Văn Truyền – Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho hay, trong cơ cấu giá cơ sở, giá thế giới chiếm 60%. Nếu doanh nghiệp nhập khẩu dự báo tốt, mua vào thời điểm giá phù hợp thì sẽ có lợi nhuận nhất định.
Đối với chi phí định mức đưa xăng dầu từ nước ngoài về, hàng năm, Bộ Tài chính thông báo định kỳ 2 lần vào ngày 10/1 và ngày 10/7. Từ khi Nghị định 95 ra đời, Bộ có thông báo, điều chỉnh đúng thực tế. Nhưng từ ngày 10/7 đến nay, thị trường xăng dầu diễn biến quá bất thường, dẫn đến chi phí thay đổi, không đáp ứng được thực tế, ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Còn chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về cảng và premium trong nước vừa được điều chỉnh ngày 11/10.
Thời gian vừa qua, Bộ Tài chính cũng đưa ra một số chính sách nhất định, như giảm thuế từ ngày 1/4 và giảm thuế môi trường từ ngày 1/7. Trong kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày 11/10, Bộ Tài chính cũng rà soát căn cứ con số thực tế của doanh nghiệp. Với chi phí kinh doanh, một năm điều chỉnh 1 lần. Bộ Tài chính đã có thông báo điều chỉnh từ ngày 4/6 và áp dụng luôn từ ngày 1/7. Trên con số rà soát thực tế của các công ty kinh doanh lớn chiếm đến 70% thị phần, có hệ thống phân phối rộng, thì chi phí tính đủ, đảm bảo.
“Tuy nhiên trên thực tế có phát sinh thêm như tiền thuê đất, nhân công,… vì vậy, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục cùng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) nghiên cứu những đề xuất và thời hạn điều chỉnh để có biện pháp tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Văn Truyền nhấn mạnh.
Về phía Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục đề nghị Ngân hàng nhà nước chỉ đạo các Ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về hạn mức tín dụng, lãi suất ưu đãi, nguồn ngoại tệ nhằm có nguồn lực để mua và nhập khẩu xăng dầu, bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường, đặc biệt là các doanh nghiệp tước giấy phép hoặc tạm tước giấy phép.