8 tỉnh khu vực Đông Bắc ký cam kết thực hiện Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam
(DNTO) - Chiều nay, 15/10, tại Quảng Ninh, Ban Tổ chức 248, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cùng UBND tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức hội nghị triển khai Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam khu vực Đông Bắc.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Hồ Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam nhấn mạnh: Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, Bộ tiêu chí Văn hóa Kinh doanh Việt Nam – Bộ chuẩn mực đầu tiên về văn hóa kinh doanh được các Bộ, Ban, ngành tham gia xây dựng. Trong quá trình xây dựng đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của các nhà quản lý, các nhà khoa học; các chuyên gia, cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp và báo chí, truyền thông, đã được công bố và ban hành ngày 14/7/2022.
Sau khi được ban hành, BTC248, Hiệp hội phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam đã phối hợp với các Bộ, Ban, ngành và các địa phương đăng cai, đã tổ chức Hội nghị triển khai với 13 tỉnh Tây Nam Bộ tại Đồng Tháp ngày 19/4/2022, 10 tỉnh đồng bằng sông Hồng tại Hải Phòng ngày 26/5/2022.
“Hội nghị hôm nay sẽ triển khai Bộ tiêu chí Văn hóa kinh doanh Việt Nam tại Quảng Ninh với 8 tỉnh Đông Bắc. Chúng tôi đề nghị các đồng chí lãnh đạo các Sở, ban ngành và cộng đồng doanh nghiệp các địa phương cùng vận động các doanh nghiệp hướng tới thực hiện Bộ tiêu chí Văn hóa kinh doanh Việt Nam để xây dựng một đội ngũ doanh nhân, một lực lượng doanh nghiệp kinh doanh với những chuẩn mực văn hóa văn minh, hội nhập, góp phần xây dựng kinh tế bền vững. Đó cũng là hình ảnh của địa phương, hình ảnh của quốc gia”, ông Hồ Anh Tuấn khẳng định.
Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: Với các giải pháp đồng bộ, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững dựa vào ba trụ cột (thiên nhiên, con người, văn hóa), tỉnh Quảng Ninh đã trở thành một cực tăng trưởng toàn diện của phía bắc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao so với bình quân chung của cả nước, bình quân 5 năm tăng 10,7%.
Theo bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, đến nay, Quảng Ninh thu hút được trên 17.600 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, với số vốn đăng ký trên 390.000 tỷ đồng, tỷ lệ vốn trên doanh nghiệp đạt 17 tỷ đồng/1 doanh nghiệp, tăng 5,5 tỷ đồng so với năm 2015; 9 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có 1.909 đơn vị thành lập mới, tăng 20% cùng kỳ với số vốn đăng ký 16.825 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ; có 899 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 17% so với cùng kỳ; 1.335 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng tăng 24% so với cùng kỳ; nhưng cũng có 437 doanh nghiệp giải thể, tăng 15% so với cùng kỳ.
Bà Hạnh nhấn mạnh: Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” và Bộ tiêu chí Văn hóa kinh doanh Việt Nam sẽ đảm bảo xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh, bền vững, phát triển hài hoà dựa trên các trụ cột: kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường với yếu tố cốt lỗi là “Văn hoá”, đồng thời, góp phần vào quá trình phục hồi và phát triển bền vững nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước. UBND tỉnh Quảng Ninh cam kết sẽ tích cực phối hợp với các tỉnh trong vùng và cả nước, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp thực hiện có hiệu quả Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam.
Trong khuôn khổ của hội nghị cũng đã diễn ra buổi tọa đàm “Văn hóa với thực thi chiến lược” với sự tham gia của đại diện Bộ Công thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Đèo Cả, Công ty CP Ao Vua.
Chia sẻ về dấu ấn văn hóa doanh nghiệp được kết tinh tại doanh nghiệp, ông Ngọ Trường Nam, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả, cho biết: “Ngay khi thành lập doanh nghiệp, chúng tôi đã có dấu ấn văn hóa trong tập đoàn của mình. Khi ấy, chúng tôi tạo ra slogan để theo đuổi, đó là: “Nghĩ khác biệt – Làm khác biệt”.
Ông Nam nhớ lại: "Thuở ban đầu, ngay ý tưởng ‘nghĩ khác biệt – làm khác biệt’ cũng chính là sự khác biệt. Sự khác biệt này đến từ chính những dự án mà chúng tôi lựa chọn để làm, trong đó có hầm Đèo Cả. Trước đó, những dự án “khó nhằn” này chỉ có chuyên gia Nhật làm, nhưng chúng tôi đã làm được. Hoặc như dự cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn rất khó khăn, nhiều doanh nghiệp không làm được, nhưng chúng tôi đã chinh phục được. Sau đó là cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận… Từ cách chọn công việc mà người khác chưa làm, chọn công việc mà người khác không làm được để theo đuổi, chinh phục và thành công, chúng tôi đã hình thành nên văn hóa Đèo Cả”.
Tại hội nghị, Ban Tổ chức đã giới thiệu Bộ Tiêu chí “Văn hóa kinh doanh Việt Nam”:
Phần 1: “Các điều kiện bắt buộc” gồm 5 nội dung: Không buôn lậu, không trốn thuế; không sản xuất kinh doanh hàng giả, sản phẩm độc hại; không nợ lương và bảo hiểm xã hội của người lao động; không lừa đảo, lợi dụng hoặc làm hại các tổ chức, cá nhân khác.
Phần 2: “Các tiêu chí đánh giá” gồm 5 nhóm: Lãnh đạo doanh nghiệp phát triển bền vững; Xây dựng và thực thi văn hóa doanh nghiệp; Thượng tôn pháp luật; Đạo đức kinh doanh; Trách nhiệm xã hội.
Ban Tổ chức Hội nghị cũng đã giới thiệu, hướng dẫn Quy chế xét, công nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam”. Theo Quy chế, các doanh nghiệp đạt điểm đủ điều kiện được công nhận “Doanh nghiệp tiêu biểu” theo các nhóm tiêu chí: Lãnh đạo doanh nghiệp phát triển bền vững; Xây dựng và thực thi văn hóa doanh nghiệp; Thượng tôn pháp luật; Đạo đức kinh doanh; Trách nhiệm xã hội.
Dựa trên bộ tiêu chí đã có, Ban Tổ chức Hội nghị đã giới thiệu 10 doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hóa kinh doanh Việt Nam được công nhận năm 2021.