Sứ mệnh xã hội là mục tiêu bất biến để doanh nghiệp xây dựng thương hiệu thành công
(DNTO) - Sứ mệnh xã hội là cốt lõi của văn hóa doanh nghiệp mà ở đó có cả sự đam mê, truyền lửa và hết mình vì sứ mệnh đó. Doanh nghiệp từ sứ mệnh xã hội sẽ truyền cảm hứng cho mọi người xung quanh, từ đó, chính họ có thể đạt được vị thế trong tương lai.
Ông Lê Quốc Vinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam (VNABC) chia sẻ, khái niệm cốt lõi trong văn hóa doanh nghiệp: Brand Purpose - Mục đích thương hiệu. Ý nghĩa của thương hiệu chính là lý do tồn tại của thương hiệu, vượt lên trên mục đích kiếm tiền.
“Văn hóa chính là thương hiệu của chúng ta”, trích lời tỷ phú Tony Hsieh, người sáng lập ra thương hiệu giày nổi tiếng từng được Amazon mua lại với giá kỷ lục 1,2 tỷ USD, ông Vinh khẳng định, trong bối cảnh hoạt động của doanh nghiệp hiện nay, những nền tảng cơ bản nhất tạo dựng nên thế mạnh cho một thương hiệu chính là bản sắc văn hóa của họ.
“Chúng ta có thể bắt chước các mô hình kinh doanh, có thể bắt chước những phương thức xây dựng thương hiệu của các doanh nghiệp, nhưng văn hóa là thứ mà chúng ta không bao giờ có thể bắt chước được. Đó là đặc trưng vốn có của mỗi doanh nghiệp từ khi hình thành”, ông Vinh nhấn mạnh.
Tại tọa đàm “Xây dựng thương hiệu bằng sứ mệnh xã hội”, diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị triển khai Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam khu vực Đồng bằng sông Hồng tại Hải Phòng vừa qua, ông Vinh bày tỏ: "Trong Bộ Tiêu chí Văn hóa Kinh doanh Việt Nam có những tiêu chí rất quan trọng về đạo đức kinh doanh, về trách nhiệm xã hội. Doanh nghiệp không thể chỉ tạo thương hiệu từ những sự nhận biết và những mong muốn của mình mà còn phải thể hiện ứng xử có trách nhiệm với cộng đồng xã hội. Nói cách khác, phải trở thành một phần trong trái tim khách hàng”.
Ở góc độ doanh nghiệp, chia sẻ về câu chuyện xây dựng văn hóa thương hiệu của doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Vinh, Phó Tổng Giám đốc VietinBank cho biết, nhiều năm qua, VietinBank luôn xác định mục tiêu hoạt động hướng đến cộng đồng, cố gắng mang lại các giá trị cho xã hội nhiều nhất.
“Chúng tôi đã giành nhiều nghìn tỉ đồng cho các chính sách an sinh xã hội, hạ lãi suất... để chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng. Nhiều người vẫn đặt câu hỏi, cho đi như vậy thì nhận được những gì? Câu trả lời chính là việc chúng tôi có được sự tin yêu, có được hình ảnh trong lòng xã hội. Những lợi ích mà chúng tôi có được khi chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng chính là sự bền vững, lâu dài cho thương hiệu. Và đó là những điều chắc chắn chúng tôi đã có”, ông Nguyễn Đình Vinh chia sẻ.
Về phần mình, ông Nguyễn Văn Thức, Phó TGĐ Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền phong cũng cho biết bài học về sức mạnh của tinh thần đoàn kết, điều cốt lõi đã giúp cho các thế hệ cán bộ, công nhân viên ở doanh nghiệp trong 62 năm qua vẫn luôn bền bỉ theo đuổi những giá trị bất biến, đó là xây dựng các sản phẩm chất lượng và hoạt động hướng tới cộng đồng.
"Văn hóa doanh nghiệp là sự đồng hành của lãnh đạo doanh nghiệp với người lao động, cùng làm việc với niềm đam mê. Việc làm đó không đơn thuần với mục tiêu kinh tế, vì chỉ tiêu lợi nhuận, mà ở Công ty Nhựa Tiền phong, chúng tôi có tinh thần tiên phong, có văn hóa chia sẻ và thấu hiểu, tất cả đều "hòa nước sông chén rượu ngọt ngào". Doanh nghiệp phát triển bền vững, hướng tới cộng đồng không phải để thể hiện, mà đó là đòn bẩy để doanh nghiệp phát triển...", ông Thức bày tỏ.
Còn Giám đốc Truyền thông và Thương hiệu Công Ty CP Searefico Phạm Ngọc Duẩn chia sẻ, sứ mệnh xã hội chính là “động cơ đốt trong”, thôi thúc các doanh nghiệp không ngừng cố gắng vì bản sắc riêng của mình, và vì sứ mệnh với cộng đồng. Lợi thế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp giờ đây không chỉ còn là sản phẩm, giải pháp hay dịch vụ mà chính là văn hóa của mỗi doanh nghiệp.
“Làm thế nào để tất cả trở thành những mắt xích không thể bẻ gẫy. Những năm qua, mỗi cán bộ nhân viên của chúng tôi đều luôn cố gắng phát huy tinh thần chiến binh, linh hoạt thích nghi để tự hình thành “vắc xin” chống chọi trước mọi bão tố, bên cạnh đó luôn tận tâm trách nhiệm với khách hàng, đối tác. Những điều xuất phát từ trái tim luôn đến được với trái tim. Đó không chỉ là chân lý giữa con người với con người mà còn là chân lý giữa con người với thương hiệu…”, bà Phạm Ngọc Duẩn bộc bạch.