Ngân sách bội thu - Nhiều dư địa để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
(DNTO) - Mới hết quý 3, thu ngân sách đã băng băng gần cán đích khi hoàn thành 94% dự toán so với mục tiêu Quốc hội giao phó. Song, trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, chuyên gia kinh tế đề xuất triển khai kịp thời các giải pháp miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Mới đây, thông tin về tình hình thực hiện thu ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm 2022, ông Dương Tiến Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính), cho biết tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt 1.327,3 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 94% dự toán và tăng mạnh 22% so với cùng kỳ năm 2021.
Cụ thể, thu nội địa đạt 88,9% dự toán, tăng 18,8%. Nếu không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước thì số thu thuế, phí nội địa đạt 87,3% dự toán, tăng 15,3% so với cùng kỳ.
Cùng với đó, thu từ dầu thô đạt 213% dự toán, tăng đột biến 103,5% so với cùng kỳ năm 2021. Còn thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu cũng chính thức vượt dự toán 8,8%; tăng mạnh 22,1%.
Trên cơ sở tình hình thực hiện thu ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đánh giá cả năm thu ngân sách nhà nước ước thực hiện vượt dự toán. Trong đó, các lĩnh vực tăng khá như thu từ dầu thô, thu cân đối xuất nhập khẩu, thu từ khu vực sản xuất kinh doanh và thu từ tiền sử dụng đất...
Con số tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm 2022 là kết quả nổi bật so với các ngành, lĩnh vực khác trong cùng thời gian và cũng là lĩnh vực có sự tác động tích cực của các ngành, lĩnh vực này, nhất là tăng trưởng kinh tế, xuất nhập khẩu, doanh nghiệp…
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, kết quả này cho thấy đà phục hồi khá rõ nét của nền kinh tế, trên cơ sở thực hiện chủ trương thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và việc triển khai nhanh chóng, kịp thời các giải pháp miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng của dịch bệnh nhằm hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội.
PGS.TS. Trần Hoàng Ngân cho rằng, trong thời gian vừa qua Bộ Tài chính đã có những cải cách quan trọng, từ đó giúp tăng thu ngân sách trong điều kiện thực hiện chính sách hỗ trợ miễn, giảm thuế phí lớn cho phát triển kinh tế xã hội. Nhờ mức thu ngân sách tốt mà từ đó có dư địa để tiếp tục hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ nhân dân, có nguồn lực cho đầu tư phát triển, phục hồi kinh tế.
"Trong suốt 9 tháng của năm nay, Bộ Tài chính đã thực hiện một số giải pháp tài khóa như giảm thuế VAT từ 10% xuống 2% một số hàng hóa, dịch vụ, giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay, xăng dầu; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí… đã trực tiếp phần nào làm giảm áp lực lên mặt bằng giá, giúp kiểm soát lạm phát trong những tháng đầu năm", ông Ngân thông tin.
Nới lỏng tài khóa khi cần thiết
Rõ ràng, mới qua 3/4 chặng đường, nhưng thu ngân sách đã gần băng băng về đích, bởi đây là con số tỷ lệ cao nhất so với cùng kỳ các năm trước. Kết quả trên là tiền đề để cả năm có thể đạt và vượt dự đoán cả năm là 1.411 triệu tỷ đồng mà Quốc hội đã phê duyệt. Do quy mô và tỷ lệ thực hiện dự toán năm của tổng thu cao hơn của tổng chi, nên nếu tính một cách đơn giản, thì cân đối ngân sách đạt bội thu khá lớn - một trạng thái hiếm thấy từ trước đến nay.
Song, theo các chuyên gia, kết quả trên càng có ý nghĩa tích cực khi đạt được trong những điều kiện nhà nước thực hiện nhiều chính sách tài khóa hỗ trợ.
"Việt Nam cần có biện pháp phù hợp, vừa đảm bảo thu được thuế vừa đưa ra mức thu phù hợp với khả năng chịu đựng của người dân và doanh nghiệp, trong đó có thể kết hợp giữa cách thu thuế theo tỉ lệ phần trăm và thu theo cố định số tiền, tránh càng lạm phát, thuế cũng góp phần thúc giá tăng thêm. "Chính phủ nào cũng cần tiền" nhưng việc hỗ trợ người dân cũng là điều cần thiết', PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính nhìn nhận.
Mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng cần tính toán phương án miễn giảm toàn bộ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng, bởi hiện xăng dầu vẫn là mặt hàng thiếu yếu và là đầu vào phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như nhu cầu đi lại bình thường của người dân, đặc biệt trong bối cảnh thế giới tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn có thể xảy ra trong thời gian tới...
“Nếu từ ngày 1/11 tới đây, biện pháp giảm thuế TTĐB, thuế VAT có hiệu lực, dự kiến giúp giảm chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân năm nay khoảng 0,15%”
Các chuyên gia phân tích, bình quân một tháng, số giảm thu ngân sách nhà nước của 2 sắc thuế này khoảng 1.239 tỷ đồng/tháng. Nếu tính cả giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo Nghị quyết số 13 khoảng 132 tỷ đồng/tháng, Nghị quyết số 18 khoảng 2.661 tỷ đồng/tháng và Nghị quyết số 20 khoảng 1.400 tỷ đồng/tháng thì tổng giảm thu ngân sách nhà nước một tháng khoảng 5.432 tỷ đồng/tháng.
Thu ngân sách giảm là điều thấy rõ, tuy nhiên, giảm thuế TTĐB, thuế GTGT sẽ tác động trực tiếp làm giảm giá bán xăng, dầu, góp phần bình ổn giá xăng dầu trong nước. Qua đó, sẽ thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2022 và năm 2023.
Cụ thể, đối với người dân, đây là đối tượng sẽ được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này, việc giảm thuế TTĐB đối với xăng, giảm thuế GTGT đối với xăng, dầu sẽ góp phần giảm giá các mặt hàng, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu thụ xăng, dầu cũng như giảm các chi phí gián tiếp từ các sản phẩm tiêu dùng khác.
Đối với các ngành sản xuất cũng như các doanh nghiệp có sử dụng xăng, dầu là đầu vào của hoạt động sản xuất như giao thông vận tải, vận chuyển, đánh bắt thủy sản, dịch vụ khí đốt, sản xuất hóa chất có sử dụng nguyên liệu từ xăng, dầu... sẽ được hưởng lợi nhiều.
VCCI cho rằng, quy định này sẽ tạo điều kiện để Quốc hội, Chính phủ phản ứng nhanh hơn, kịp thời hơn trong việc hạn chế các tác động tiêu cực của việc tăng giá xăng dầu đối với doanh nghiệp và nền kinh tế. Đây là kiến nghị được nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp phản ánh với VCCI trong thời gian qua.
Nhìn rộng hơn, vấn đề trợ giá nhiên liệu cũng đang là một giải pháp được Indonesia, Philippines áp dụng để hỗ trợ người dân. Trong bối cảnh thu ngân sách tăng, Việt Nam cũng nên nới lỏng tài khóa để giúp người dân tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất, kinh doanh.
"Để bù vào khoảng trống thiếu hụt ngân sách này, Việt Nam nên đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo môi trường thông thoáng cho các nhà đầu tư vào sản xuất, như vậy vừa giải quyết được việc làm, vừa giải quyết được nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Đồng thời, đẩy mạnh cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, đưa doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán để bán vốn nhà nước là có được một nguồn thu lớn. Bên cạnh đó, bộ máy nhà nước còn quá cồng kềnh đã ngốn rất nhiều ngân sách nhà nước, do đó phải gấp rút làm cuộc cách mạng tinh giản biên chế, cơ cấu lại bộ máy sao cho gọn nhẹ, hiệu quả", các chuyên gia nhận định.