Phó Thủ tướng: 'Năng lực nội tại nền kinh tế còn thấp, sức chống chịu và tính cạnh tranh chưa cao'
(DNTO) - “Nền kinh tế có độ mở lớn, trong khi năng lực nội tại còn thấp, sức chống chịu và tính cạnh tranh chưa cao nên chịu tác động, ảnh hưởng lớn bởi các yếu tố bên ngoài. Yếu kém ở các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng đã lộ rõ trong khó khăn”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nói.
Trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2023 của Chính phủ tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sáng nay 22/5, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhìn nhận tăng trưởng GDP quý 1/2023 (đạt 3,32%) thấp hơn cùng kỳ (5,03%); trong đó nhiều địa phương sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp, thậm chí có địa phương tăng trưởng âm so với cùng kỳ. Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhất là các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ngoài ra, các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp; nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng. Thu ngân sách Nhà nước có xu hướng giảm; mặc dù số tuyệt đối tăng nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bốn tháng mới đạt 15,65% kế hoạch năm, thấp hơn so với cùng kỳ (18,48%). Vốn FDI đăng ký mới giảm 17,9%, vốn thực hiện giảm 1,2%.
Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể tăng. Nhiều doanh nghiệp đối diện áp lực trả nợ lớn nên phải chuyển nhượng, bán cổ phần với mức giá rất thấp, trong nhiều trường hợp bán cho nước ngoài. Doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến, lao động mất việc làm tại nhiều khu công nghiệp.
Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tuy có nhiều cố gắng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu; do tích tụ bất cập nhiều năm, các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản tiếp tục gặp khó khăn về thanh khoản, dòng tiền...
Nêu thêm những khó khăn, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, chỉ rõ doanh nghiệp khó khăn về dòng tiền, nhưng tiếp cận vốn vay khó khăn, lãi suất cao. Theo báo cáo của Chính phủ, bình quân lãi suất cho vay mới là 9,3% nhưng số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy, lãi suất cho vay bình quân tại 35 ngân hàng thương mại tới cuối tháng 3 khoảng 10,23%, cao hơn 0,56 điểm % so với cuối 2022.
Lo lắng khác được cơ quan thẩm tra nêu là xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém chậm, tác động tiêu cực tới thị trường tiền tệ, ảnh hưởng tới nỗ lực hạ lãi suất của các ngân hàng. Nợ xấu xu hướng tăng, trong khi tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng so với nợ xấu giảm, gây ảnh hưởng tới an toàn hệ thống tài chính.
Tình trạng sở hữu chéo, tài sản đảm bảo được định giá không đúng giá trị, cho vay các doanh nghiệp nội bộ, sân sau còn phức tạp. Trong bối cảnh doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nhưng ngân hàng thương mại lãi cao...
Nhằm phục hồi nền kinh tế, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết thời gian tới Chính phủ tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tăng cường phân tích, dự báo, kịp thời đưa ra chính sách phù hợp, hiệu quả; thực hiện quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Bên cạnh đó, thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời; điều hành tỷ giá, lãi suất linh hoạt, phù hợp; tập trung chỉ đạo hệ thống ngân hàng tiết giảm chi phí, phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay; bảo đảm thanh khoản hệ thống các tổ chức tín dụng; kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu phát sinh…
Một giải pháp nữa, theo Phó Thủ tướng, Chính phủ nghiên cứu, đề xuất Quốc hội về phương án đối với thuế tối thiểu toàn cầu và việc miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí một cách phù hợp, hiệu quả; thực hiện hiệu quả các giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa.
"Chính phủ đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2023 đạt tối thiểu 95% đồng thời chú trọng thu hút các nguồn vốn đầu tư và khuyến khích các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công; đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh", Phó Thủ tướng nói.