Phó Thủ tướng: Sẽ tập trung thanh tra các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, chứng khoán, ngân hàng
(DNTO) - Chiều 5/11, phát biểu thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm tại phiên chất vấn trong lĩnh vực thanh tra, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ, Chính phủ đã chỉ đạo ngành thanh tra tập trung thanh tra trong một số lĩnh vực quan trọng như: đầu tư, xây dựng, đấu thầu, chứng khoán, ngân hàng…
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ, năm 2022, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm chỉ đạo công tác thanh tra, coi đây là công tác trọng tâm.
“Chính phủ cũng đã chỉ đạo ngành thanh tra tập trung thanh tra trong một số lĩnh vực quan trọng như: đầu tư, xây dựng, đấu thầu, chứng khoán, ngân hàng… Thủ tướng Chính phủ trực tiếp cho ý kiến chỉ đạo về kết luận thanh tra, nhất là với những vấn đề phức tạp, qua đó nhiều cuộc thanh tra đạt kết quả tốt, xử lý nghiêm các vi phạm”, Phó Thủ tướng nói.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho biết trong một số trường hợp, kết luận thanh tra còn chưa đảm bảo rõ ràng về nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp. Để khắc phục điều này, Phó Thủ tướng cho rằng cần nâng cao chất lượng công tác thanh tra thông qua hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực cán bộ, quy định chặt chẽ quy trình công tác thanh tra.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thảo luận và thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi). Đây là một giải pháp quan trọng sẽ góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong ngành.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định: Chính phủ xác định phòng, chống tham nhũng tiêu cực là công tác trọng tâm, đồng thời chỉ đạo bộ, ngành địa phương thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm tham nhũng, kiểm soát tài sản thu nhập, thu hồi tài sản tham nhũng, phòng chống tham nhũng trong khối ngoài nhà nước, đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục về lĩnh vực này.
Còn tình trạng nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp
Trước đó, vào sáng 5/11, tham gia chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) đặt vấn đề: Tổng thanh tra Chính phủ có giải pháp nào để thúc đẩy phát hiện và xử lý tình trạng tham nhũng, tiêu cực một cách hiệu quả, khi hiện nay tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong thực hiện các thủ tục hành chính đang có xu hướng gia tăng mạnh, nhất là trong quan hệ giao dịch, lĩnh vực xây dựng, đất đai, kinh doanh.
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong thừa nhận: Qua thanh tra, các cơ quan nhận thấy có thực trạng nhũng nhiễu, phiền hà trong giải quyết công vụ, trong đó có cả cán bộ lĩnh vực thanh tra.
"Còn tình trạng cố tình kéo dài thời gian trả lời người dân, trả lời chung chung, khiến họ phải đi lại nhiều lần. Thậm chí, có tình trạng vòi vĩnh bằng nhiều cách thức khác nhau để vụ lợi cá nhân", ông Phong nói.
Tổng Thanh tra cho rằng, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tránh gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, hạn chế tình trạng "giấy phép con".
Tranh luận tại Phiên họp, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam), chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong và đề nghị Tổng Thanh tra nói rõ hơn về cơ chế thanh tra lại hoạt động của đoàn thanh tra, giám sát như thế nào?
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, cho biết: "Về cơ chế thanh tra lại các đoàn thanh để tìm ra tiêu cực tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, trong Luật chưa quy định cụ thể về vấn đề này. Thực tế, khi có yêu cầu của cơ quan chức năng hoặc thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước thì ngành vẫn thực hiện. Ví dụ vừa qua Bộ Công an có một số vụ việc báo cáo Thủ tướng, Thủ tướng giao ngành thanh tra tiến hành thanh tra lại kết quả này…
Để có giải pháp hiệu quả tình trạng này, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông tư 06 và Chỉ thị 719 chấn chỉnh trong hoạt động thanh tra; quy chế tổ chức hoạt động đoàn thanh tra. Đây là giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, phiền hà trong hoạt động của thanh tra".