Những vướng mắc về cơ chế, chính sách trong việc xử lý tài sản làm 'nóng' nghị trường Quốc hội
(DNTO) - Hiện nay, các biện pháp xử lý chồng chéo trong thanh tra làm ảnh hưởng đến quá trình xử lý và thi hành án, nhất là các quy định liên quan đến lĩnh vực đất đai, bất động sản, trái phiếu, chứng khoán... Do đó, rất cần hoàn thiện khung khổ pháp lý để gỡ bỏ những vướng mắc trên.
Thu hồi tài sản tham nhũng “vẫn đạt tỷ lệ thấp” không chỉ là nhận định của riêng Thanh tra Chính phủ. Đây cũng là tồn tại được nhắc nhiều trong thời gian qua mỗi khi đề cập đến xử lý tham nhũng. Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022, Ủy ban Tư pháp nhận định, kết quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng trong giai đoạn thi hành án mặc dù tăng rất cao so với cùng kỳ năm 2021, nhất là đối với số phải thi hành về tiền.
Tuy nhiên, số có điều kiện thi hành về tiền vẫn còn tồn đọng lớn. Trước đó, thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021, Ủy ban Tư pháp cũng nhận định, kết quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế còn thấp. Điều này cho thấy, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đạt tỷ lệ thấp dường như đã trở thành “điệp khúc”.
Đây cũng là những vấn đề các đại biểu quan tâm và đề nghị làm rõ trong phiên Quốc hội chất vấn sáng nay 5/11 đối với Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong.
Cụ thể, các đại biểu đặt câu hỏi về hoạt động thanh tra đột xuất liên quan các vụ việc tham nhũng trong ngành thanh tra thời gian qua triển khai như thế nào, kết quả ra sao? Hiện nay tình trạng tiêu cực, "tham nhũng vặt" trong thực hiện các thủ tục hành chính đang có xu hướng gia tăng mạnh, nhất là trong quan hệ giao dịch, lĩnh vực xây dựng, đất đai, kinh doanh...đang gây xói mòn lòng tin của người dân.
Tuy nhiên, những công cụ kiểm soát hành chính như kiểm tra, thanh tra, giám sát hiện nay chưa đủ điều kiện để kịp thời phát hiện và xử lý. Đâu sẽ là giải pháp nào để thúc đẩy phát hiện và xử lý tình trạng tham nhũng, tiêu cực này một cách hiệu quả nhất trong thời gian tới?
Đặc biệt, báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho thấy tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng năm 2022 tăng hơn nhiều so với năm 2021, nhưng kết quả thu hồi còn nhiều bất cập, hạn chế. Một số kết luận thanh chậm ban hành, có những cuộc thanh tra đã làm 5 năm nhưng chưa có kết luận. Đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ nêu những giải pháp tháo gỡ? cùng với đó là thực trạng còn nhiều cán bộ thanh tra chưa chấp hành nghiêm quy định pháp luật, "dễ dãi" ăn uống với đối tượng thanh tra...
Trả lời chất vấn, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, trong thời gian qua đã có nhiều cuộc thanh tra sản xuất có tính phức tạp, quy mô lớn, có nhiều sai phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Trong đó, có vụ việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn, AVG, Dự án nhiệt điện Thái Bình 2, Gang thép Thái Nguyên, vụ thuốc ung thư tại công ty cổ phần VNPharma và các dự án đất đai liên quan đến Phan Văn Anh Vũ; việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, trang thiết bị vật tư, sinh phẩm, kit, vaccine xét nghiệm.
"Các cuộc thanh tra đột xuất này đều được thực hiện với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm cao nhất để báo cáo ban chỉ đạo, Thủ tướng, Chính phủ. Có những cuộc thanh tra như về Covid-19, Bảo hiểm Y tế theo ý kiến của Ban Chỉ đạo, tôi trực tiếp hàng tuần phải nghe cùng Phó tổng thanh tra để báo cáo khi đã kết thúc thanh tra trực tiếp. Hiệu lực, hiệu quả các cuộc này thường tốt hơn", ông Phong nói.
Cũng theo ông Phong, thời gian qua, các cơ quan theo chức năng đã là thực hiện tốt những công việc về thu hồi tài sản tham nhũng và đạt tỷ lệ là năm sau cao hơn năm trước. Kết quả 9 tháng đầu năm 2022, thanh tra tiến hành đôn đốc, thanh tra 5.586 kết luận thanh tra. Qua đó, thu hồi được hơn 1.000 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 60% và gấp đôi so với năm 2021.
Tuy nhiên, Tổng Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ, mặc dù kết quả thu hồi tài sản tham nhũng năm sau cao hơn năm trước, song việc thu hồi tài sản do tham nhũng vẫn đạt tỷ lệ thấp, là một trong những hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng của nước ta hiện nay.
Nguyên nhân do một số quy định của pháp luật về thu hồi tài sản còn bất cập, thiếu quy định về các biện pháp cưỡng chế, có những trường hợp cố ý chây ỳ hoặc trốn tránh việc thực hiện, hoặc không có khả năng nộp lại khoản tiền bị cơ quan thi hành án và cơ quan thanh tra thu hồi; có tình trạng tẩu tán tài sản.
Đặc biệt là vướng mắc về cơ chế, chính sách trong việc xử lý tài sản, làm ảnh hưởng đến quá trình thi hành án và xử lý sau thanh tra, nhất là các quy định liên quan đến lĩnh vực đất đai, bất động sản, trái phiếu, chứng khoán.
"Thời gian tới, sẽ sửa đổi Luật Thanh tra để có quy định về xử lý chồng chéo. Đồng thời, Thanh tra Chính phủ sẽ chủ trì với bộ, ngành, địa phương xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về các cuộc thanh tra nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thanh tra, kiểm tra. Về lâu dài, Thanh tra Chính phủ kiến nghị cấp có thẩm quyền nghiên cứu hoàn thiện pháp luật thanh tra, kiểm toán theo hướng quy định rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan", Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết.
Về chậm ban hành kết luận thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết tình trạng này do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan. Trong đó, cuộc thanh tra có vi phạm quy mô lớn, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều đối tượng có tính chất phức tạp. Một số quy định pháp luật còn bất cập, đặc biệt là quy định thời gian báo cáo và dự thảo kết luận thanh tra. Khối lượng công việc nhiều nhưng lực lượng thanh tra, nhất là Thanh tra Chính phủ, rất mỏng và ý thức trách nhiệm, kỹ năng, năng lực của một số thành viên còn hạn chế.
Về sai phạm đạo đức công vụ xảy ra, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, cán bộ ngành thanh tra nói chung cơ bản thực hiện quy định về đạo đức công vụ, tuy nhiên vẫn còn một số trường hợp để xảy ra vi phạm như vụ việc thanh tra ngành xây dựng đến thanh tra tại Vĩnh Phúc. Cách đây 20 năm, ngay tại Thanh tra Chính phủ cũng có những vụ nhận hối lộ, bị xử lý.
"Những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thanh tra sẽ là cấm nhận quà, tiền, giao lưu ăn uống, bỏ lọt, bỏ sót hành vi vi phạm của đối tượng thanh tra… Chúng tôi mong đại biểu, cử tri giám sát giúp chúng tôi phản ánh sai phạm của cán bộ thanh tra. Thời gian tới, Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp tục sửa đổi quy định để kiểm soát chặt chẽ hơn, từng bước giải quyết vấn đề này", ông Phong nhấn mạnh.
Hiện đang "soi" nóng nhiều lĩnh vực
Liên quan đến các vướng mắc hiện nay qua nhiều giai đoạn trong xác định giá đất, đặc biệt là đối với những dự án mà theo kết luận của thanh tra là phải tính lại tiền đất do không thông qua hoạt động đấu thầu, đấu giá với những khó khăn, vướng mắc hiện nay. Tổng thanh tra cho biết, trong thời gian qua, thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra bản án, vướng mắc nổi bật nhất là việc xác định lại giá đất theo kết luận thanh tra, kiểm tra bản án.
Để khắc phục vấn đề này, Thủ tướng đã có Quyết định 153 để giải quyết tổng thể vấn đề này. Theo đó, tới đây, các địa phương có khó khăn cần báo cáo Chính phủ, trên cơ sở đó Ban Cán sự Đảng Chính phủ sẽ trình Bộ Chính trị, trên cơ sở đó trình Quốc hội ra Nghị quyết đặc thù giải quyết vấn đề này.
Bên cạnh đó, tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng vẫn diễn biến phức tạp và tinh vi. Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong cho biết, Thanh tra Chính phủ đã phối hợp với bộ, ngành, địa phương, Ngân hàng Nhà nước để trình Chính phủ định hướng công tác thanh tra, trong đó có một số công tác trọng tâm, trọng điểm đối với lĩnh vực ngân hàng.
"Với ngân hàng thời gian tới sẽ đẩy mạnh tập trung thanh tra cấp tín dụng, đầu tư liên quan đến lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu Chính phủ và công tác xử lý nợ xấu, phòng chống rửa tiền…", ông Phong cho hay và nhấn mạnh, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ đạo, hướng dẫn thanh tra ngân hàng giám sát, thanh tra chuyên ngành đối với việc quản lý thu, chi các ngân hàng.
Theo quy định, Thanh tra Chính phủ chỉ thanh tra tại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước trên 50%. Ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân hoặc ngân hàng có vốn nhà nước dưới 50% không thuộc đối tượng thanh tra của Thanh tra Chính phủ, trừ trường hợp đặc biệt chỉ đạo từ Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng trung ương, Chính phủ hoặc Thủ tướng giao.
Ông Đoàn Hồng Phong cho biết, những năm qua, Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra tại Ngân hàng Nhà nước, 4 ngân hàng thương mại (VietcomBank, VietinBank, BIDV, Agribank) và 2 ngân hàng chính sách xã hội.
Kết quả thanh tra, đã phát hiện, kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nhiều cơ chế, chính sách bất cập. “Thanh tra đã phát hiện nhiều sai sót, vi phạm và kiến nghị cần chấn chỉnh xử lý nghiêm”, Tổng Thanh tra nói, với những vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự thì chuyển cơ quan điều tra.
Ông dẫn chứng như thanh tra tại Agribank năm 2011, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện, chuyển hồ sơ 14 vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự sang cơ quan điều tra. Vụ việc này, đã xét xử hàng chục cán bộ ngân hàng, cán bộ các cơ quan liên quan. “Đây là vụ án lớn trong lĩnh vực ngân hàng”, Tổng Thanh tra cho hay.
Bên cạnh đó, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho hay, vừa qua, đơn vị thực hiện Nghị định Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng giao cho thanh tra tiến hành thanh tra về kinh doanh xăng dầu. Hiện, Tổng thanh tra Chính phủ đã và đang tiến hành công tác thanh tra đối với lĩnh vực này, góp phần cùng Bộ Công Thương chỉ ra những hạn chế, tồn tại cần khắc phục để đảm bảo bình ổn giá xăng dầu.