Sẽ chính thức thanh tra Facebook, YouTube vì xuất hiện nhiều quảng cáo sai
(DNTO) - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết sẽ chính thức tổ chức thanh tra các nền tảng xuyên biên giới về vấn đề quảng cáo.
Trong phiên chất vấn trước Quốc hội sáng 4/11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời câu hỏi của đại biểu về kiểm soát việc hàng giả, hàng nhái chào bán công khai trên các mạng xã hội như Facebook.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận, hiện nay tình trạng quảng cáo sai sự thật khá nhức nhối. Đã có tình trạng các báo điện tử, trang thông tin điện tử cho phép quảng cáo trên trang nhưng buông quản lý, gần như doanh nghiệp quảng cáo gì cũng được. Nhưng sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông sửa các văn bản, nghị định, tiến hành thanh tra, kiểm tra, các cơ quan báo chí, trang tin đã ý thức hơn và việc quảng cáo sai trên các trang này cơ bản đã được xử lý.
Tuy nhiên, vấn đề quảng cáo sai hiện nay chủ yếu xuất hiện trên các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, YouTube, với rất nhiều quảng cáo trái quy định pháp luật. Do đó, Bộ trưởng Hùng cho biết sẽ chính thức tổ chức thanh tra các nền tảng xuyên biên giới về vấn đề quảng cáo.
“Thông tin quảng cáo sai sự thật, nhất là thực phẩm chức năng, thì cần xác minh quảng cáo đã đúng pháp luật chưa. Đề nghị bộ, ngành địa phương cùng rà soát không gian, lĩnh vực của mình, đánh giá, xử lý việc quảng cáo sai sự thật trên nền tảng xuyên biên giới…”, ông Hùng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, đại biểu cho biết hàng trăm triệu tài khoản tham gia các nền tảng trực tuyến nước ngoài cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, nên việc thu thập và bảo đảm dữ liệu cá nhân không thể xem nhẹ.
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết mạng xã hội kinh doanh trên thu thập dữ liệu cá nhân. Vì vậy, quan điểm phải có mạng xã hội Việt Nam để giữ lại dữ liệu đã được ông nêu lên cách đây 3 năm tại diễn đàn Quốc hội.
Năm 2009, tất cả nền tảng mạng xã hội Việt Nam có chưa đến 40 triệu tài khoản, đến nay mạng xã hội Việt Nam lớn nhất có 130 triệu tài khoản, tương đương với số người dùng Facebook và YouTube cộng lại. Thời gian tới, Bộ sẽ ban hành nghị định và tiến tới xây dựng Luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
"Khung phạt vi phạm tại các nước rất cao, có khi lên đến hàng tỷ USD với doanh nghiệp kinh doanh thu thập dữ liệu cá nhân; mức phạt tù có khi lến đến 10 năm", Bộ trưởng dẫn chứng.
Về vấn đề quản lý mạng xã hội sau sự việc livestream của bà Nguyễn Phương Hằng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thời điểm đó chưa có quy định pháp luật quản lý hành vi livestream. Vì vậy, Bộ đã sửa đổi Nghị định 72 và đã trình Thủ tướng, có thể ban hành cuối năm nay. Trong đó, bổ sung quy định xử lý hình thức livestream trên mạng, như chỉ những người đích danh trên môi trường số mới được livetream, phải cung cấp thông tin thời gian; nếu bán hàng, có thu nhập phải cung cấp thông tin cho cơ quan thuế...