Người quản lý không chỉ đi cùng nghệ sĩ, mà còn phải đi trước một bước

(DNTO) - Không xuất hiện trên sân khấu, không có ánh đèn chiếu vào, không nhiều người biết tới tên tuổi nhưng không có vai trò người quản lý , chưa chắc show diễn đã có thể bắt đầu. Đỗ Quang Chí – người đứng sau nhiều nghệ sĩ nổi tiếng đã nói về hành trình đặc biệt của nghề này.
Trong một ngành nghề chưa có giáo trình, chưa có chuẩn mực chính thống, Quang Chí đã đi được một con đường dài bằng cách… vừa làm vừa học. Và điều anh làm không chỉ là dẫn đường cho nghệ sĩ, mà là định hình một vai trò nghề nghiệp cho cả một thế hệ làm nghề phía sau ánh đèn.
Khởi nghiệp với một nghề chưa có tên
Lần đầu tiên anh nhận lời làm quản lý, với ca sĩ Thủy Tiên điều gì khiến anh tin rằng mình có thể làm tốt một công việc chưa từng có giáo trình, chưa từng có hình mẫu tại Việt Nam?
Đỗ Quang Chí: Thật ra lúc đó tôi không nghĩ nhiều đến chuyện “mình sẽ trở thành nhà quản lý”, tôi chỉ nghĩ đơn giản: “Có một người nghệ sĩ tin tưởng mình, và mình không muốn làm họ thất vọng”.
Tôi không bắt đầu với danh xưng “quản lý”. Tôi bắt đầu bằng trách nhiệm và sự yêu thích đối với công việc. Và chính điều đó giữ tôi lại với nghề đến tận bây giờ. Bạn phải hiểu: khi một nghệ sĩ tin bạn – họ đang đặt cả tương lai vào tay bạn, đôi khi còn hơn cả người thân. Khi coi đó là một nghề nghiệp, bạn cũng phải hết lòng với lựa chọn của mình.
Quản lý là một công việc phức tạp, bạn cần cập nhật kiến thức mỗi ngày từ âm nhạc tới cách giao tiếp với nhãn hàng, thương lượng với bầu show. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất, bạn cần rèn sự nhạy cảm với con người, không phải chỉ để hiểu nghệ sĩ, mà còn để đọc được thị trường, truyền thông, xu hướng và nguy cơ.

Rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng thành công có sự đồng hành từ nhà quản lý Đỗ Quang Chí (bìa phải)
Người quản lý nghệ sĩ, theo anh có phải là người “đi sau để nâng bước” hay “đi trước để dọn đường”?
- Đây là một câu hỏi hay. Tôi chọn “đi trước để dọn đường”, là một người đi trước để tránh cho nghệ sĩ những đoạn đường gập ghềnh và những nguy cơ có thể xảy ra. Quản lý phải lường trước và xử lý những điều đó.
Người quản lý không thể đi phía sau nghệ sĩ mãi được. Phía sau là hậu cần. Còn người quản lý là người hoạch định con đường phía trước. Sự nghiệp của nghệ sĩ là chiếc máy bay - họ là phi công, còn quản lý là người vẽ đường bay. Nếu đường bay sai, không có nghệ sĩ nào có thể chạm đỉnh trong nghề.
Không có trường lớp đào tạo chính quy, vậy điều gì tạo nên một người làm nghề chuyên nghiệp trong lĩnh vực này?
- Sự nhẫn nại và thấu hiểu. Tôi hay nói với các bạn trẻ là: nghề này giống như vừa làm bảo mẫu, vừa làm kiến trúc sư. Vừa phải hiểu cảm xúc của nghệ sĩ, vừa phải biết đặt viên gạch đầu tiên cho sự nghiệp của họ. Chuyên nghiệp không nằm ở kỹ thuật, mà nằm ở cách bạn phản ứng với khủng hoảng, cách bạn giữ lời hứa, và cách bạn biết lùi một bước để người khác bước lên ánh sáng.
Từ khi học đại học anh đã làm giám đốc truyền thông cho công ty Music Box của Thanh Thảo, đến việc xây dựng hình ảnh cho hơn 30 nghệ sĩ, theo anh, điều gì là thứ khó rèn luyện nhất trong nghề: kỹ năng, bản lĩnh hay sự trung thành?
- Sự trung thành. Kỹ năng có thể học. Bản lĩnh có thể rèn. Nhưng trung thành là thứ chỉ có thể được thử thách khi người ta… nổi tiếng. Và trung thành là thứ bạn chỉ thấy rõ trong những lúc… có lựa chọn để phản bội. Sự nghiệp là đường dài. Và nếu bạn không có người đi cùng đủ kiên trì, bạn sẽ không đi đến đâu.
Một người quản lý nghệ sĩ cần có những kỹ năng gì để tồn tại và phát triển trong một môi trường nhiều biến động như showbiz?
- Bạn cần ba thứ: Kỹ năng tổ chức – vì nghệ sĩ là tài năng, nhưng lịch diễn là chiến lược. Kỹ năng giao tiếp và ngoại giao – vì bạn phải nói thay nghệ sĩ ở nhiều tình huống.Khả năng dự báo – vì nhiều khủng hoảng không đến từ sự việc, mà đến từ việc… bạn không chuẩn bị. Và cuối cùng, bạn cần sự bình tĩnh – để nghệ sĩ có thể nổi loạn, nhưng quản lý thì không.
Giữa kỹ năng chuyên môn (tổ chức, đàm phán, truyền thông) và kỹ năng mềm (thuyết phục, giữ quan hệ, lắng nghe) – điều gì là then chốt?
- Kỹ năng mềm mới là điều giữ chân nghệ sĩ – còn kỹ năng cứng chỉ là thứ khiến bạn “được chọn” lúc đầu. Tôi từng thấy nhiều người giỏi kỹ thuật, giỏi chạy chiến dịch – nhưng không hiểu nghệ sĩ đang tổn thương ra sao, tâm lý họ như thế nào và mình cần làm gì để xử lý vấn đề đó.
Đặc trưng của nghệ sĩ là những người nhạy cảm, thường xuyên đối mặt với áp lực từ cảm xúc đám đông và họ rất dễ bị tổn thương hoặc kiệt quệ tinh thần. Làm quản lý – có lúc bạn phải biết nói một câu đúng và thấu hiểu nghệ sĩ, điều đó đôi khi quan trọng hơn là làm nhiều điều khác.
Trong một vài bài phỏng vấn về anh và nghề quản lý anh có nhắc đến các nguyên tắc vậy anh có tổng cộng bao nhiêu nguyên tắc?
Đây là 7 nguyên tắc tôi đã đúc kết suốt 20 năm làm nghề – sau rất nhiều lần thành công, và cả những lần… gần như muốn bỏ cuộc: Quản lý là người cầm lái, không phải người đi theo nghệ sĩ .Tầm nhìn phải xa hơn ánh đèn sân khấu . Không có sự nghiệp bền vững nào thiếu niềm tin tuyệt đối. Quản lý không xách túi – quản lý sách chiến lược . Rút lui trong tôn trọng còn quý hơn ở lại trong mâu thuẫn . Minh bạch là thứ duy nhất giữ được lòng tin lâu dài . Mọi quyết định phải bắt đầu từ lợi ích của nghệ sĩ – không phải cảm xúc của mình
Gắn bó với một nghệ sĩ 17 năm – điều gì khiến anh chọn ở lại? Và đâu là giới hạn của một người quản lý khi mối quan hệ không còn như xưa?
Tôi ở lại không vì hợp đồng. Tôi ở lại vì công việc chung và tương lai đã hoạch định từ đầu.
Nhưng tôi cũng hiểu, có những lúc, điều tử tế nhất là rời đi. Không phải vì mình hết yêu nghề, mà vì nghệ sĩ cần một người mới – một hành trình mới. Giới hạn của tôi luôn là: khi mình không còn là người giúp họ tốt lên mỗi ngày.
Những lần đầu và những quyết định dứt khoát
Trong hàng loạt “lần đầu” như tổ chức họp báo online lần đầu tiên của showbiz (họp báo Cao Thái Sơn), đạo diễn liveshow đầu tiên của Noo Phước Thịnh, hay lần đầu viết trước thông cáo báo chí cuối cùng trước cả khi Phi Nhung mất – đâu là khoảnh khắc khiến anh thấy rõ ý nghĩa của nghề quản lý?
Khi tôi viết thông cáo báo chí về chị Phi Nhung, mất 3 ngày tôi mới dám hoàn thành và đúng trước 1 ngày khi chị rời đi, tôi đã không biết liệu mình có nên nhấn nút gửi ekip không. Nhưng đó là khoảnh khắc tôi hiểu: người quản lý không chỉ lo truyền thông – mà còn phải chuẩn bị cho những điều không ai muốn nghĩ tới. Nghề này, nhiều khi không có vinh quang, nhưng có chiều sâu.
Nó không chỉ là một công việc kiếm tiền, nó còn là sự kết nối sâu sắc và trở thành một phần trong ánh sáng, sự nghiệp nghệ thuật của nghệ sĩ. Và chính những khoảnh khắc đó, tôi hiểu tại sao mình không thể làm nghề khác.
Từng tổ chức chương trình dã ngoại đầu tiên Việt Nam ngoài trời 12 tiếng với 80 nghệ sĩ tham gia, từng đưa Bảo Anh thành hiện tượng chỉ sau một đêm – nhưng ít khi thấy anh xuất hiện công khai. Đó là sự lựa chọn?
- Đúng vậy. Tôi không thích lên báo, không thích đứng giữa spotlight – không phải vì tôi khiêm tốn, mà vì tôi thấy… mình không cần thiết ở đó. Nghề này, bạn càng ít “nói về mình”, bạn càng có thời gian “làm cho người khác”.Tôi chọn sống phía sau sân khấu, nhưng không bao giờ là người đứng ngoài cuộc chơi.
Lần đầu anh công khai thông báo chia tay một nghệ sĩ ( Ngô Kiến Huy) điều đó thay đổi gì trong cách công chúng nhìn nghề quản lý?
- Tôi nghĩ… lần đầu đó không chỉ là một bài thông báo, mà là một lời tuyên bố nghề nghiệp. Rằng người quản lý cũng có tiếng nói, cũng có nguyên tắc, và có quyền được tôn trọng. Từ đó trở đi, tôi thấy người ta bắt đầu quan tâm hơn đến vai trò của những người đứng sau – không chỉ còn là “ai đi cùng nghệ sĩ”, mà là “người định hình sự nghiệp cho nghệ sĩ”.
Anh từng phải từ chối nghệ sĩ dù họ có tiềm năng chưa? Vì sao?Nhiều người trẻ muốn theo nghề quản lý nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Anh có lời khuyên nào cho thế hệ sau?
- Đừng bắt đầu bằng ánh đèn, hãy bắt đầu bằng sự tin tưởng. Nghề này không cần quá nhiều kỹ năng ngay từ đầu, nhưng cần tấm lòng đủ rộng để hiểu người khác và đủ lý trí để không đánh mất chính mình. Hãy bắt đầu bằng việc giúp một người bạn nghệ sĩ trong trường, tổ chức một buổi diễn nhỏ, viết một bài truyền thông đầu tay. Không có lộ trình chuẩn, nhưng có một nguyên tắc: đừng bao giờ xem nhẹ một lần bắt đầu, dù nhỏ đến đâu.

Quang Chí giúp Ngô Kiến Huy có được hit Truyền Thái Y sau 10 năm
Nhiều người trẻ muốn làm quản lý nghệ sĩ như một “cách để gần ngôi sao”. Anh có nghĩ điều đó là đúng hay sai ngay từ gốc rễ? bài học đầu tiên anh muốn dạy các bạn trẻ nếu được dựng chương trình đào tạo đầu tiên tại Việt Nam,
- Thật ra…. sai thì không sai, vì ai mới bắt đầu mà chẳng có chút ngưỡng mộ? Nhưng nếu bạn ở lại chỉ vì hào quang, bạn sẽ sớm rời đi vì áp lực. Nghề quản lý không phải là “ở gần ngôi sao” – mà là “giúp họ sáng đúng lúc”.
Và đôi khi, bạn phải học cách… đứng trong bóng tối một cách tự nguyện. Bài học đầu tiên tôi dạy sẽ là: “Làm nghề bằng tư duy đối tác – không phải tư duy phục vụ.” Quản lý không phải người đi theo, càng không phải người đi sau. Bạn là người đồng hành – và có trách nhiệm điều hướng. Nếu ngay từ đầu bạn coi mình “nhỏ hơn” nghệ sĩ, thì bạn sẽ không thể giúp họ “lớn lên” cùng sự nghiệp.
Ngày đầu tiên khi đồng hành với một nghệ sĩ mới, anh thường làm gì?
- Việc đầu tiên tôi làm không phải là hỏi: “Em muốn nổi tiếng thế nào?”, mà là hỏi: “Em đang là ai – và thực sự muốn được nhớ đến vì điều gì? Tôi luôn dành 1–2 tuần đầu để lắng nghe thay vì lập kế hoạch. Sau đó, tôi sẽ cùng nghệ sĩ xây dựng bản định vị hình ảnh cá nhân: 3 điều họ muốn công chúng nhớ – và 3 điều không muốn gắn vào. Ngày đầu đồng hành – không phải để vẽ chân dung hoàn hảo, mà để gương mặt thật của họ không bị truyền thông bóp méo.
Nếu phải thiết kế một đội ngũ quản lý mẫu mực cho một nghệ sĩ trẻ, anh sẽ chọn ai là người cùng mình ‘cầm lái’? Vì sao không làm một mình?
Tôi từng nghĩ mình có thể làm hết – từ lên lịch diễn, viết thông cáo, chạy media, dựng kịch bản sân khấu, đến xử lý khủng hoảng. Nhưng càng lâu trong nghề, tôi càng hiểu: một sự nghiệp lâu dài cần một đội ngũ vững vàng.
Nếu phải chọn, tôi cần ít nhất 4 người: • Một người phụ trách tầm nhìn và chiến lược phát triển hình ảnh (A&R + Branding), • Một người chuyên quản lý hành chính – lịch trình – pháp lý, • Một người hiểu truyền thông số và tương tác fan, • Và một người biết giữ không khí làm việc tử tế, bền bỉ.
Quản lý giỏi không phải là người làm hết – mà là người biết để người khác làm đúng. Đội ngũ ekip chính là “dàn nhạc đệm” cho nghệ sĩ – bạn không cần một nhạc công chơi 10 loại nhạc cụ. Bạn cần một người biết giữ nhịp.
Hẳn anh cũng có bài học trong 2 thập kỷ làm nghề?
- Tôi từng đồng hành với một nghệ sĩ tôi đã lấn quá sâu vào mọi quyết định cá nhân của họ.Tôi nghĩ mình đang lo, đang bảo vệ, đang định hướng. Nhưng thật ra, tôi đang làm thay – chứ không phải làm cùng. Đó là một điều không đúng. Quản lý không thể làm thay nghệ sĩ mọi thứ họ không biết cách làm.
Tôi học được: “Quản lý không phải là người giữ nghệ sĩ thật chặt, mà là người giữ cho họ tự do nhưng không đi lạc.”
Theo anh, làm sao để nghề quản lý được đào tạo và chuyển hóa chính thống?
- Cần ba thứ: một trung tâm đào tạo bài bản, những người làm nghề sẵn sàng chia sẻ thật – và một thế hệ trẻ đủ khiêm tốn để học. Nghề quản lý không thể phát triển nếu cứ bị nhầm là “trợ lý đa năng”. Chỉ khi người làm nghề tự tin định nghĩa mình, xã hội mới bắt đầu nhìn nhận đúng vai trò ấy.
Cuối cùng, điều gì giúp anh vẫn giữ được cảm hứng, sự đam mê và lòng kiên trì với một nghề mà nhiều người gọi là “làm dâu trăm họ”?
- Vì tôi không làm nghề để được cảm ơn. Tôi làm nghề để khi nghệ sĩ thành công – tôi biết mình có mặt trong hành trình đó. Và khi nghệ sĩ gặp khủng hoảng – tôi không bỏ đi. Tôi tin rằng, nghề quản lý không cần quá nhiều người nổi bật. Chỉ cần một người đủ vững vàng để đi cùng. Tôi chọn là người đó.
Cảm ơn anh Đỗ Quang Chí vì những chia sẻ chân thật. Mong rằng cuộc trò chuyện này sẽ mở ra nhiều góc nhìn mới, giúp công chúng – và đặc biệt là các bạn trẻ – hiểu hơn về những người đứng sau thành công của một ngôi sao.

Anh cũng là người hỗ trợ Bảo Anh đến gần hơn với khán giả
Trong suốt hành trình hơn 20 năm làm nghề, Đỗ Quang Chí không chỉ chứng minh bản thân là một nhà quản lý, chuyên gia truyền thông, đạo diễn sân khấu có tầm nhìn, mà còn là người mở lối cho hàng loạt cột mốc lần đầu tiên của ngành giải trí Việt Nam.
Từ một cậu sinh viên làm “truyền thông part-time”, Đỗ Quang Chí trở thành người góp phần xây dựng hình ảnh cho gần 50 nghệ sĩ, nhiều người trong số đó giờ đã trở thành sao hạng A.
Không học trường đào tạo quản lý nghệ sĩ nào, không “bắt đầu bằng may mắn”, hành trình của anh là câu trả lời rõ nhất cho một thế hệ trẻ mơ mộng vào nghề truyền thông rằng “được công nhận” không đến từ ánh đèn sân khấu, mà từ độ tin cậy khi đứng sau nó.”