Khó khăn chưa qua, đà phục hồi của xuất khẩu thuỷ sản sẽ chậm hơn kỳ vọng
(DNTO) - Dự báo chu kỳ giảm giá nhiều loài thủy sản có thể vẫn tiếp diễn ít nhất tới hết nửa đầu năm 2024, cho thấy đà phục hồi cho xuất khẩu thuỷ sản sẽ còn đối diện nhiều cam go. Ngoài việc đòi hỏi các doanh nghiệp phải vượt khó, rất cần các giải pháp tăng năng lực cạnh tranh cho ngành thủy sản.
Ngành thuỷ sản trong những tháng cuối năm 2023 mặc dù đã thấy những dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Ghi nhận tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thuỷ sản đã công bố báo cáo tài chính quý 4/2023 cho thấy, hầu hết các công ty thuỷ sản đều ghi nhận kết quả "lao dốc", thậm chí có doanh nghiệp lỗ nặng.
“Vua tôm” Thủy sản Minh Phú vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2023 với doanh thu thuần suy giảm mạnh 35% so năm 2022. Giá vốn chiếm 9.623 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp teo tóp lại vỏn vẹn 1.065 tỷ đồng, giảm 61% so năm trước, tương ứng tỷ suất lãi gộp biên ở mức 9,9% giảm so mức 16,7% của năm trước; Công ty CP Vĩnh Hoàn trong quý 4/2023 ghi nhận doanh thu giảm 3,2% xuống còn 2.395 tỷ đồng; Công ty CP Nam Việt doanh thu trong quý 4 đạt 1.110 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ đạt hơn 1.144 tỷ đồng...
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), dưới tác động chung của nền kinh tế, khiến lợi nhuận các nhóm hàng chủ lực của ngành thuỷ sản đã gặp những khó khăn nhất định.
Đơn cử, đối với ngành cá tra, hiện nhiều nước Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia, Trung Quốc… đang đầu tư và mở rộng diện tích nuôi, điều này đe dọa đến vị thế của Việt Nam khi không còn vị thế “độc quyền” về cá tra...
Khó khăn cũng đến với ngành xuất khẩu tôm khi xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chính đều thấp hơn so với cùng kỳ. Thêm vào đó, chi phí lớn và tăng cao của thức ăn đang là thách thức lớn cho ngành nuôi tôm và cá tra. Trong đó, tôm Việt Nam tiếp tục cạnh tranh với Ecuador, Ấn Độ về giá và nguồn cung.
"Có thể từ nay đến hết quý 2/2024 vẫn chưa thấy được điểm khởi sắc cho vấn đề tiêu thụ. Tuy kinh tế nước Mỹ đang tốt lên nhưng tình hình tiêu thụ cũng khó trở lại bình thường giống như trước, vì cần có thời gian để người tiêu dùng cân nhắc quyết định chi tiêu mạnh tay hơn, mua bán nhiều hơn. Chu kỳ giảm giá nhiều loài thủy sản có thể vẫn tiếp diễn ít nhất tới hết nửa đầu năm 2024", VASEP nhìn nhận.
Đánh giá về triển vọng ngành thuỷ sản trong ngắn hạn, Công ty Chứng khoán SSI cho biết, tình hình căng thẳng tại Biển Đỏ leo thang sẽ khiến chi phí vận chuyển từ Việt Nam đến thị trường Mỹ, Châu Âu tăng hơn gấp đôi trong tháng 1/2024 so với tháng 12/2023, có thể làm suy yếu lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu ngay trong quý I/2024.
SSI Research ước tính chi phí vận chuyển tăng sẽ khiến chi phí vận chuyển/doanh thu của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra tăng khoảng 3 - 5% trong tháng 12/2023 lên 7 - 10% trong tháng 1/2024.
"Hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu đều sử dụng hợp đồng FOB khi xuất khẩu, nghĩa là người mua sẽ chịu chi phí vận chuyển. Tuy nhiên, do nhu cầu vẫn suy yếu nên người mua có thể đàm phán với nhà cung cấp để chia sẻ gánh nặng. Vì vậy, chúng tôi cho rằng các doanh nghiệp xuất khẩu trong quý 1/2024 có thể phải đối mặt với chi phí bán hàng cao hơn hoặc giá bán thấp hơn cho đến khi căng thẳng Biển Đỏ hạ nhiệt”, nhóm phân tích SSI Research nhận định.
Trước tình hình trên, mới đây, VASEP đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT hỗ trợ tích cực trong vụ điều tra chống trợ cấp của Mỹ đối với ngành tôm Việt Nam, để có thể vượt qua các giai đoạn điều tra trong thời gian tới. Đồng thời, chỉ đạo việc xem xét bãi bỏ hạn ngạch đối với tôm Việt Nam xuất khẩu vào Hàn Quốc trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại VKFTA tại kỳ rà soát trong năm 2024.
Đặc biệt, từ thực trạng giá thức ăn nuôi trồng thủy sản đang cao, là nhân tố chính khiến sản phẩm thủy sản nuôi của Việt Nam đang rất khó cạnh tranh với các quốc gia khác, VASEP đề xuất có chính sách kiểm soát giá thức ăn nhằm ổn định giá thành nguyên liệu, tăng sức cạnh tranh cho thủy sản Việt Nam. Cụ thể là giảm thuế nhập khẩu bã đậu nành để sản xuất thức ăn cho cá xuống 0% và tính điện một giá cho cơ sở nuôi tôm.