'Gỡ bỏ thẻ vàng EU không phải mục tiêu duy nhất của chúng ta'
(DNTO) - Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay, gỡ bỏ thẻ vàng EU không phải mục tiêu duy nhất, mà mục tiêu cuối cùng là giữ gìn trữ lượng và tính đa dạng sinh học trên vùng biển Việt Nam. Nếu sau khi gỡ thẻ vàng mà tính bền vững không có thì gỡ xong người ta sẽ áp đặt thẻ vàng khác.
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đặt vấn đề gần 9 năm qua, Việt Nam chưa gỡ được thẻ vàng EU, trong khi Philippines chỉ mất 9 tháng, Thái Lan mất 3 năm. Dự kiến, Ủy ban Châu Âu sẽ tiến hành đánh giá lần 4 vào tháng 10 tới và nước ta đặt mục tiêu được gỡ thẻ vàng trong lần đánh giá này. Bà Thanh đặt câu hỏi những giải pháp mà Bộ Nông nghiệp đưa ra đã đồng bộ, triệt để chưa và Việt Nam có thể đạt được mục tiêu gỡ thẻ vàng EU trong lần đánh giá tới không?
Dẫn lại phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc “gỡ bỏ thẻ vàng EU không phải mục tiêu duy nhất của chúng ta”, mà mục tiêu cuối cùng là chúng ta giữ gìn trữ lượng và tính đa dạng sinh học trên vùng biển Việt Nam.
“Nếu sau khi gỡ thẻ vàng mà tính bền vững không có thì gỡ xong người ta sẽ áp đặt thẻ vàng khác”, ông Hoan nói.
Ông kể lại đại diện quỹ EU từng hỏi ông 2 câu: “Nếu chúng tôi không áp đặt thẻ vàng mà các ông khai thác kiệt quệ tài nguyên thì ai là người thiệt thòi, Việt Nam hay EU? Các ông có công bằng không khi người vi phạm và không vi phạm lại như nhau?".
Lý giải về việc so sánh với Philippines và Thái lan, Bộ trưởng cho biết hai nước này có cấu trúc ngành hàng bền chặt hơn Việt Nam vì họ xây dựng hệ sinh thái ngành hàng bằng cách ngăn chặn luôn các tàu vi phạm giữa biển khơi chứ không phạt như nước ta.
Theo ông, EU không tin tưởng vào việc thực thi ở địa phương của Việt Nam. Thực tế cho thấy có những người không thuộc chuyên ngành thủy sản nhưng cũng ra ngồi ở cảng cá. Chỉ 20% tàu cá thuộc hiệp hội đoàn nghề cá, còn 80% trôi nổi. Trong khi đó, chế tài chưa đủ mạnh với lý do “người ta nghèo, phạt nặng quá tội nghiệp người ta”.
“Nhưng chúng ta không biện minh cái nghèo với EU được nữa. Họ cần chúng ta hành động để chứng minh chúng ta có hành động kiên quyết hơn, vì hiện 60% trường hợp vi phạm vẫn chưa bị các địa phương xử lý. Sắp tới, chúng tôi sẽ chuyển cho Thủ tướng danh sách những địa phương thường xuyên có những đội tàu cá vi phạm”, ông Hoan nói.
Ông Hoan cho hay, dự kiến tháng 10 tới, Ủy ban Châu Âu EC sẽ tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên, không báo trước. Như vậy trong 2 tháng tới, các địa phương còn rất nhiều việc phải làm để EC công nhận nỗ lực của Việt Nam. Để gỡ bỏ thẻ vàng đòi hỏi cả 28 tỉnh, thành ven cùng làm tốt, chỉ một địa phương hoặc thậm chí chỉ còn một tàu vi phạm thì việc gỡ được thẻ vàng sẽ còn khó khăn.
"Thực hiện các biện pháp mạnh, kiên quyết ngăn chặn từ nay trở đi không để xảy ra tình trạng tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài", ông Hoan nêu quan điểm và đề nghị Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp bộ ngành, địa phương tuần tra, kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển; đặc biệt tại vùng biển giáp ranh, chồng lấn, chưa phân định giữa Việt Nam và các nước có biển liên quan, các khu vực tập trung nhiều tàu cá hoạt động.
Theo đó, cơ quan chức năng tập trung rà soát khu vực các đảo, cửa sông, cửa lạch, bãi ngang. Đây là nơi tiềm ẩn nguy cơ các tàu không đăng ký, không có giấy phép khai thác, không lắp thiết bị VMS, lẩn tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng để khai thác hải sản bất hợp pháp.
Bộ trưởng Hoan cũng kiến nghị kiểm tra, kiểm soát để đảm bảo 100% tàu đủ điều kiện khai thác thủy sản khi xuất, nhập bến qua các đồn trạm biên phòng tuyến biển. "Nếu xảy ra trường hợp tàu cá không đủ điều kiện vẫn được xác nhận xuất, nhập bến khai thác thủy sản, chỉ huy đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước Bộ Quốc phòng và pháp luật", ông Hoan đề nghị.
Cơ quan chức năng điều tra, xử phạt triệt để vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, trường hợp đủ căn cứ xử lý hình sự, tiến hành điều tra, truy tố.
Bộ Công an khẩn trương điều tra, củng cố hồ sơ, truy tố, xử lý các tổ chức, cá nhân môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài và môi giới chuộc tàu cá, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ về nước trái phép.
Bộ Ngoại giao đẩy nhanh tiến độ đàm phán, ký kết, phân định vùng biển chồng lấn, vùng chưa phân định giữa Việt Nam với các nước; xác định ranh giới được phép khai thác trên các vùng biển nhằm chấm dứt tình trạng tàu cá bị lực lượng chức năng nước ngoài xua đuổi, bắt giữ, xử lý trên vùng biển tiếp giáp với các nước trong khu vực.
Bộ trưởng Hoan cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tiếp nhận thông tin bản án của tàu cá, ngư dân Việt Nam bị bắt giữ ở nước sở tại, chuyển cho lực lượng chức năng trong nước điều tra, xử lý dứt điểm vi phạm.